THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 07:45

Tăng cường hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân bom, mìn hòa nhập cuộc sống

 

Hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn.


Đó là những thông tin được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng chia sẻ tại Hội thảo Quốc tế về khả năng Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân bom, mìn, chất độc hóa học diễn ra sáng nay ngày 31/10.

Hơn 17.000 tỷ đồng trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội

Theo số liệu thống kê của Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cả nước hiện có khoảng 7,6 triệu người khuyết tật (NKT), tương đương 7,9% tổng dân số. Thời gian qua, nhiều văn bản chính sách đã được ban hành, tạo điều kiện cho NKT hòa nhập xã hội cụ thể như: Luật NKT 2010 có hiệu lực từ 01/01/2011; Nghị định số 28/2012/NĐ- CP 10/4/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật NKT. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước QT về quyền NKT….

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng khẳng định: “Đảm bảo quyền của NKT nói chung và của các nạn nhân bom mìn cũng như chất độc hóa học luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Năm 2018, Ngân sách nhà nước đã bố trí cho các địa phương 17.388 tỷ đồng để thực chính sách trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội và 299 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người NKT. Để thúc đẩy việc hòa nhập xã hội cho NKT, vấn đề việc làm và tăng cường tiếp cận cho họ ngày càng được Chính phủ quan tâm đẩy mạnh”.

Từ năm 2018,  Bộ LĐ-TB&XH đã thúc đẩy mô hình giới thiệu việc làm cho NKT thông qua các Trung tâm dịch vụ việc làm, các Hội NKT ở các địa phương với mục tiêu giới thiệu việc làm, tư vấn định hướng nghề nghiệp,  khởi sự doanh nghiệp cho hàng ngàn NKT. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền của NKT và kế hoạch hành động hỗ trợ NKT tham gia giao thông giai đoạn 2016 – 2020, trong đó ưu tiên hoạt động tuyên truyền, thí điểm lắp đặt thiết bị hỗ trợ người khuyết tật trên xe buýt, cải tạo hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng.

Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã thực hiện các chương trình, hoạt động, dự án trợ giúp NKT dưới nhiều hình thức đa dạng bao gồm trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế miễn phí, phục hồi chức năng, hỗ trợ học nghề, sinh kế, tạo việc làm cho nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng, ổn định lại cuộc sống.

Còn nhiều rào cản

Đại diện Cục Bảo trợ Xã hội Bộ LĐ-TB&XH cho biết, mặc dù công tác hỗ trợ NKT, nạn nhân bom, mìn đã đạt được nhiều kết quả giúp NKT hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống, tuy nhiên hệ thống chính sách đối với NKT còn chưa đồng bộ, dẫn đến các khó khăn, rào cản về tiếp cận dịch vụ trợ giúp xã hội,… nhất là ở những vùng nông thôn, miền núi; Các dịch vụ xã hội cơ bản cho NKT còn khó tiếp cận, như các hoạt động văn hóa, giải trí, thể dục thể thao ở cơ sở; số lượng NKT tiếp cận sử dụng internet thấp, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi; mức trợ cấp xã hội cho NKT thấp; các công trình xây dựng chưa được quan tâm cải tạo đảm bảo tiếp cận cho NKT; Cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp xã hội với NKT còn thiếu, nhất là trang thiết bị y tế phục hồi chức năng cho NKT, thiếu các dịch vụ trị liệu tâm lý; Đội ngũ cán bộ chăm sóc, phục hồi chức năng cho NKT còn thiếu và yếu; Chương trình giáo dục, dạy nghề còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó khăn trong học tập, tìm kiếm việc làm phù hợp; Nhận thức của một số cán bộ, người dân về NKT còn hạn chế, dẫn đến kỳ thị, chưa phát huy được thế mạnh của NKT.

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật . Trên cơ sở đó, đã thành lập Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật với cơ chế đa ngành nhằm thúc đẩy hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang ưu tiên thúc đẩy hợp tác song phương với các nước trên thế giới, đặc biệt là Chi Lê, Mông Cổ và Nhật Bản cũng như với các tổ chức phi chính phủ quốc tế nhằm tăng cường các hoạt động của người khuyết tật trên cả nước; góp phần thúc đẩy quyền của người khuyết tật và hòa nhập cộng đồng cho họ.

Mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể trong việc hỗ trợ người khuyết tật  trong đó có các nạn nhân của bom mìn và chất độc da cam, Việt Nam vẫn gặp nhiều  thách thức về nhận thức của xã hội, về nguồn lực, về khả năng tiếp cận trang thiết bị cho người khuyết tật và cải thiện điều kiện sống cho họ do đa số người khuyết tật tập trung ở nông thôn, có điều kiện sống khó khăn, thuộc các hộ nghèo hoặc cận nghèo, đa số không có việc làm, thu nhập bấp bênh.

“Với những thách thức trên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể sử dụng tốt nhất nguồn lực sẵn có để trợ giúp hiệu quả đúng đối tượng, tránh bỏ sót các trường hợp cần trợ giúp nhưng cũng cần tránh chồng chéo với những trợ giúp cho các đối tượng xã hội nói chung, đảm bảo công bằng xã hội”- Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Tại Hội thảo Đại sứ quán Chi Lê tại Việt Nam cũng đã chia sẻ về hệ thống an sinh xã hội và kinh nghiệm hỗ trợ NKT, nạn nhân chất độc hóa học tại Chi Lê; Giám đốc Công ty Cổ phần Nippon Telesoft cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của Nhật bản về mô hình hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật; đại diện Bộ Lao động và Bảo trợ xã hội Mông Cổ chia sẻ về những chính sách của Mông Cổ đối với NKT: Các thách thức và định hướng thời gian tới. Tại đây các đại biểu thảo luận các tiềm năng thúc đẩy hợp tác quốc tế hỗ trợ NKT nói chung và nạn nhân bom mìn, chất độc hóa học nói riêng.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh