Hỗ trợ nạn nhân bom mìn: Còn đó những khó khăn
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 13:06 - 17/09/2015
Thực tế cho thấy, hầu hết các nạn nhân bom mìn đều có nhu cầu cần được trợ giúp chữa trị về mặt y tế để phục hồi chức năng vận động, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên bên cạnh việc hỗ trợ về mặt y tế, việc phục hồi chức năng nghề nghiệp, lao động cho đối tượng này ở các địa phương hiện vẫn gặp không ít khó khăn.
“Hiện vẫn chưa có chính sách riêng cho nạn nhân bom mìn mà hầu hết các ngành, các địa phương vẫn phải lồng ghép vào các chính sách khác như các chính sách trợ giúp người khuyết tật, phát triển nghề công tác xã hội để hỗ trợ các đối tượng, trong đó có nạn nhân bom mìn…” ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội cho biết.
Hỗ trợ người khuyết tật tìm việc làm tại chợ việc làm Đà Nẵng
Tại hội thảo, đa số các đại biểu cho rằng, việc hỗ trợ nghề nghiệp đối với các đối tượng này khá nan giải, bởi hầu hết nạn nhân bom mìn là người khuyết tật, độ tuổi cao, lại ằm rải rác trên địa bàn các xã, phường nên việc đánh giá nhu cầu, lựa chọn để hỗ trợ học nghề cho họ hết sức khó khăn. Chưa kể, sự khó khăn đôi khi còn đến từ chính bản thân những nạn nhân bom mìn.
Ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: Các nạn nhân bom mìn hầu như không có nhu cầu học nghề hoặc có nhưng rất ít và các nghề học tại địa phương không có cơ sở dạy nghề. Đáng nói, nhiều khi kết nối để gửi đối tượng đến cơ sở dạy nghề tại địa phương khác để đối tượng được học nghề, nhưng đối tượng lại không đi với lý do bệnh tật…
Tại thành phố Đà Nẵng, địa phương có hơn 350 người khuyết tật là nạn nhân bom mìn sau chiến tranh cũng gặp phải những khó khăn tương tự. Đa số người khuyết tật là nạn nhân bom mìn đều ở độ tuổi cao, họ không có nhu cầu học nghề, mà chỉ yêu cầu được hỗ trợ sinh kế. Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng, "Hiện nay, số đối tượng này chủ yếu được học được một số nghề như làm nấm, trồng cây cảnh, điện dân dụng....thế nhưng sự khó khăn ở khâu đầu ra đã khiến không ít đối tượng chưa mặn mà, thậm chí bỏ cuộc”
Xác định việc hỗ trợ nạn nhân bom mìn được phục hồi chức năng là hoạt động thiết thực nhằm giúp nạn nhân bom mìn được chăm sóc về y tế để tăng cường sức khỏe. Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế, hầu hết các nạn nhân bị bom mìn bị khuyết tật, thương tật ở nhiều dạng khác nhau và thuộc hộ nghèo nên trong sinh hoạt và đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Các hoạt động hỗ trợ hầu hết ở quy mô nhỏ lẻ nên nhiều đối tượng vẫn chưa được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ.
Ông Tô Đức cho rằng,, cần thiết phải đẩy mạnh tăng cường hình thức quản lý trường hợp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nạn nhân bom mìn có thể tiếp cận với các dịch vụ công tác xã hội một cách tốt nhất, từ đó nắm bắt được tâm tư cũng như nguyện vọng của họ nhằm có những trợ giúp phù hợp với từng trường hợp, từng đối tượng cụ thể, giúp họ hòa nhập cộng đồng, ổn định và vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, cần có cuộc tổng điều tra rà soát nạn nhân bom mìn trên toàn quốc để có kế hoạch, giải pháp thiết thực và dài hơi hơn trong việc hỗ trợ chế độ chính sách cho nạn nhân bom mìn trong thời gian tới.