THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:07

Tăng cường an toàn vệ sinh lao động trong các công trình xây dựng

Nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng

Theo thống kê, từ năm 2005 đến 2014, cả nước xảy ra 58.399 vụ TNLĐ, làm 61.315 người bị nạn, trong đó có 5.791 người chết và 14.298 người bị thương nặng. Trong đó, ngành xây dựng, xây lắp công trình dân dụng và công nghiệp xảy ra nhiều TNLĐ nghiêm trọng nhất, chiếm khoảng 30% số vụ gây chết người và số nạn nhân tử vong. Riêng năm 2014, cả nước đã xảy ra 6.709 vụ TNLĐ làm 630 người chết và 1.544 người bị thương nặng, các vụ tai nạn liên quan đến lĩnh vực xây dựng chiếm 33,1% tổng số vụ tai nạn và 33,9% tổng số người chết.

Dẫn một số vụ TNLĐ nghiêm trọng: Vụ sập cẩu xảy ra vào 7 giờ 30 phút ngày 9/7/2014 làm chết 2 người và bị thương 4 người tại công trường thi công Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thuộc địa bàn phường Hải Thành, quận Dương Kinh (TP. Hải Phòng); vụ sạt lở, đá trượt xảy ra vào 18 giờ ngày 1/8/2014 làm chết 5 người tại khu vực mỏ đá A, Cty cổ phần khai thác khoáng sản Kiên Giang; vụ xảy ra trên công trường xây dựng tuyến đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh  (Hà Nội), làm 1 người chết, 3 người bị thương; vụ sập hầm công trình thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), làm 12 công nhân bị mắc kẹt 82 giờ;...

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng (ngoài cùng bên phải) kiểm tra hiện trường vụ sập giàn giáo khiến 7 người thương vong, xảy ra sáng 12/7 tại TP. Hồ Chí Minh. (ảnh Internet)

Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2015 đã có nhiều vụ tai nạn, sự cố công trình, thiết bị thi công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, như: Vụ sập giàn giáo tại cảng Sơn Dương vào hồi 20 giờ ngày 25/3/2015 (Dự án Formosa, Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) làm 13 người chết và 29 người bị thương; vụ cần cẩu đứt cáp đã khiến 3 người đi đường tử vong tại chỗ, xảy ra ngày 5/5, tại phường An Lộc (thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp); vụ tai nạn tại công trình thi công đường sắt trên cao tại Hà Nội xảy ra chiều ngày 12/5, làm bị thương hai người tham gia giao thông, trong đó có một phụ nữ mang thai... Đặc biệt nghiêm trọng là vụ sập giàn giáo, làm 3 người chết, 4 người bị thương, xảy ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 12/7 mới đây...

Tình trạng BNN cũng đang có những diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam hiện có 30 BNN đã được đưa vào danh mục BNN được thanh toán BHYT và gần 29.000 người lao động được BHXH Việt Nam thanh toán vì mắc BNN. Trong đó, hơn 75% là trường hợp là mắc các bệnh phổi do có liên quan tới bụi phổi silic; bệnh do tiếng ồn nghề nghiệp khoảng 10%, số còn lại là các bệnh do nhiễm hóa chất. Tuy nhiên, công tác dự phòng BNN trong các khu công nghiệp, xây dựng vẫn còn hạn chế.

Do đâu?

Từ kết quả khảo sát, điều tra và đánh giá tình hình TNLĐ và BNN, các cơ quan chuyên môn đã xác định một số nguyên nhân chính, mà đầu tiên là sự tuân thủ quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng chưa nghiêm. Thực tế, nhiều nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công không đủ năng lực về giám sát thi công; chuyên môn của chỉ huy trưởng công trường, cán bộ quản lý và cả người lao động (NLĐ) vận hành thiết bị, hoặc làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ còn nhiều hạn chế. Nhiều chủ đầu tư không tổ chức khảo sát, phê duyệt, giám sát việc thực hiện và nghiệm thu các phương án, biện pháp thi công chưa đúng theo quy định; thiếu kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng công trình  – tổ chức tư vấn giám sát thiếu hồ sơ, báo cáo giám sát còn sơ sài; nhiều công trình bị kéo dài thời gian dừng thi công nhưng không được nhà thầu, tổ chức giám sát, tổ chức thi công đánh giá lại các điều kiện đảm bảo an toàn cho công trình trong quá trình thi công tiếp theo…

 Một nguyên nhân khác, đó là chất lượng khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng công trình còn nhiều hạn chế: Công tác khảo sát, đánh giá các điều kiện thi công công trình chưa đầy đủ và chính xác, phù hợp so với điều kiện thực tế; hồ sơ thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công còn thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn khi thi công xây dựng; công tác thẩm tra hồ sơ thiết kế kỹ thuật, hồ sơ thi công công trình không đánh giá được mức độ an toàn của hạng mục thi công; một số công trình thi công không đúng so với thiết kế; chất lượng tại nhiều vị trí của công trình bị xuống cấp trong quá trình thi công dài ngày, ngừng thi công lâu.

Về nguyên do không tuân thủ quy định về ATLĐ, phân tích nguyên nhân của các vụ TNLĐ cho thấy, do thiết kế không đảm bảo ATLĐ chiếm 18,3% tổng số vụ, bao gồm cả việc nhiều thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; do người sử dụng lao động không huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ (chiếm 11,4% tổng số vụ), bao gồm cả việc NLĐ không được huấn luyện đầy đủ về an toàn trong vận hành thiết bị, thi công trên công trường, NLĐ chỉ được huấn luyện về an toàn chung trong xây dựng, vận hành thiết bị chung, trong khi việc sử dụng thiết bị có sự thay đổi liên tục về điều kiện thi công, như nền móng công trình, các biện pháp thi công của mỗi công trình, hạng mục khác nhau, do đó, nếu không có việc huấn luyện bổ sung kịp thời sẽ dẫn đến NLĐ thiếu kiến thức an toàn trong thi công; do NLĐ vi phạm quy trình, quy chuẩn ATLĐ (chiếm 11,9% tổng số vụ), bao gồm: NLĐ thực hiện sai các quy định vận hành thiết bị, quy định thi công, quy chuẩn an toàn đối với vận hành, sử dụng các thiết bị và các phương tiện, công cụ lao động tại nơi làm việc; do người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động (chiếm 4%) và NLĐ không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, chiếm 1,5% số vụ.

Giải pháp tăng cường ATVSLĐ trong xây dựng

Để đảm bảo ATVSLĐ trong các công trình xây dựng, các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện các yêu cầu sau:

Đối với chủ đầu tư và các nhà thầu, cần đánh giá đầy đủ, đúng điều kiện về năng lực của các chủ thể tham gia xây dựng công trình (do đặc thù của công trình có điều kiện thi công phức tạp, nhiều vị trí đã thi công nhưng gia cố chưa đảm bảo các biện pháp an toàn vì vậy, các chủ thể và cá nhân khi tham gia xây dựng hạng mục này yêu cầu phải có năng lực và triển khai đầy đủ các biện pháp). Chủ đầu tư phải tổ chức lập biện pháp quản lý rủi ro trong suốt quá trình thi công, phải đảm bảo an toàn cho cả NLĐ và người dân xung quanh; lựa chọn những lao động có chuyên môn, kinh nghiệm và được đào tạo an toàn đầy đủ khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ tại các công trình, dự án trọng điểm, gần các khu dân cư có nguy cơ gây mất an toàn cho người dân và NLĐ.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cần có sự phối hợp, phân công trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn đối với các công trình; nghiêm khắc chấn chỉnh, xử lý những sai phạm về công tác an toàn thi công, an toàn lao động tại các công trình; tiếp tục phối hợp tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra trong những tháng cuối năm 2015...

Ths. Hà Tất Thắng (Cục trưởng Cục An toàn lao động)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh