Nguy cơ hạn hán có thể xảy ra tại Trung Bộ và Tây Nguyên
- Dược liệu
- 19:05 - 02/04/2020
Cùng với đó là tình trạng xâm nhập mặn vào các cửa sông sẽ diễn ra sớm hơn và xâm nhập sâu hơn.
Cụ thể, từ tháng 4-5, mực nước trên các sông ở Trung bộ và Tây Nguyên tiếp tục xuống và ở mức thấp, trên một số sông suối có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc. Lượng dòng chảy trên các sông ở Trung bộ và Tây Nguyên phổ biến ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 15-70%, một số sông thiếu hụt trên 70%.
Trong thời gian này, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, từ Phú Yên đến Bình Thuận và Tây Nguyên. Đặc biệt, tình hình hạn hán thiếu nước xảy ra nghiêm trọng hơn ở những nơi ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi.
Ngày 1/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Trung bộ, Tây Nguyên tăng cường các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh từ nay đến hết mùa khô 2019-2020.
Cụ thể, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực nói trên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, cập nhật sát thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, thông tin dự báo nguồn nước và khuyến cáo xây dựng kế hoạch sử dụng nước do các cơ quan khoa học thuộc Bộ cung cấp; các chỉ đạo, hướng dẫn từ Bộ và các cơ quan liên quan để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh, linh hoạt bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa phù hợp.
Các đơn vị thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, tổ chức vận hành, giám sát việc vận hành việc điều tiết nước của các công trình thủy lợi, hồ chứa thủy điện để đảm bảo chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
Các địa phương không để người dân thiếu nước sinh hoạt; tăng cường áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm cho lúa, cây trồng cạn; phân phối nguồn nước trong công trình thủy lợi hợp lý, khi xảy ra thiếu nước, phải ưu tiên cung cấp cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm. Vùng khả năng bị thiếu nước cần tăng cường tích trữ nước để dành cho sinh hoạt, chăn nuôi, tưới cho cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao.