THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:42

Liên tiếp rơi sắt thép, đổ cần cẩu: Do không tuân thủ các quy định về ATLĐ

 * Thời gian qua có nhiều vụ giàn giáo, cần cẩu từ các công trình xây dựng bị đổ sập, gây tai nạn chết người và tạo hoang mang cho người dân. Theo ông, cần làm gì để ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra?

          - Đúng là thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn sập giàn giáo hoặc cần cẩu, dẫn đến tai nạn mà nạn nhân là người lao động, người tham gia giao thông hoặc sinh sống ở gần công trình.

Đặc biệt nghiêm trọng là vụ xảy ra ngày 5/5 trên địa bàn thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp). Một chiếc cần cẩu đang thi công cầu Hồng Ngự 2 thì bất ngờ bị tuột cáp, đổ tự do xuống đường, đè trúng ba mẹ con chị Cao Tường Vân (sinh năm 1984) khi đang lưu thông bằng xe máy, khiến cả ba  người cùng tử nạn.

Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng cũng liên tiếp xảy ra những vụ cần cẩu đổ sập, nhẹ thì phá hỏng tài sản, nặng thì cướp đi tính mạng của con người.

 Gần đây nhất, chiều ngày 12/5, một chiếc cần cẩu trong công trường thi công tuyến đường sắt ga Hà Nội - Nhổn bất ngờ đổ xuống 2 nhà dân bên đường Cầu Giấy, khiến hai người bị thương (trong đó một phụ nữ mang thai 8 tháng), hai xe máy hư hỏng nặng.

 

Ông Nguyễn Anh Thơ.Ông Nguyễn Anh Thơ.

          Để ngăn chặn các vụ việc sập cần cẩu, giàn giáo hay bất kỳ thiết bị, phương tiện nào trên công trường xây dựng, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về  an toàn lao động, an toàn xây dựng, an toàn trong thi công công trình, an toàn lao động trong sử dụng thiết bị nâng (Luật Xây dựng, Bộ Luật Lao động, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia AT trong xây dựng QCVN 18:2014/BXD), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATLĐ đối với thiết bị nâng QCVN 7:2012/BLĐTBXH) đã nêu rõ các biện pháp kỹ thuật, tổ chức, quản lý.

Ví dụ: các thiết bị này đều phải được thiết kế, lắp dựng, vận hành theo đúng quy định, được các đơn vị kỹ thuật  độc lập đánh giá về mặt an toàn, được những người có chuyên môn, được huấn luyện AT vận hành, sử dụng;  có các biện pháp che chắn đối với các hành lang, lối đi lại dưới các thiết bị này đảm bảo an toàn; có quy định việc bố trí thời giam làm việc hạn chế ảnh hưởng đến người dân xung quan, có cảnh báo và người cảnh giới an toàn trong khi vận hành.

Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp này phải thật sự đầy đủ, nghiêm túc và được giám sát chặt chẽ mới có thể phòng ngừa được các tai nạn tương tự tái diễn.

Việc để xảy ra các sự cố rơi các thanh sắt, khối bê tông, các thiết bị trong quá trình nâng hạ, thi công công trình là vi phạm các quy định trong vận hành thiết bị nâng hạ.

Đồng thời, việc để xảy ra các tai nạn đối với người tham gia giao thông hay người lao động, người dân xung quanh, còn vi phạm các quy định về quản lý an toàn trong quá trình thi công công trình, như không bố trí cảnh báo, không bố trì người phân luồng giao thông, thi công trong thời điểm không được phép, các che chắn tạo hành lang an toàn không có, hoặc không đảm bảo an toàn.

* Nhưng thưa ông, dù tai nạn liên tiếp xảy ra và để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng những ngày này, vẫn dễ bắt gặp hình ảnh những cần cẩu cao hàng chục mét lơ lửng ngay trên đầu người tham gia giao thông hoặc cạnh nhà dân?

          - Việc các thiết bị, công trình thi công khi có con người, phương tiện xung quan thì ở quốc gia nào cũng có, đặc biệt trong khu vực đô thị là không thể tránh khỏi, các cơ quan đều biết, người dân cũng thấy rõ điều này. Quan trong là các biện pháp, tiêu chuẩn an toàn nếu được tuân thủ đầy đủ như tôi nêu ỏ trên thì sẽ đảm bảo an toàn cho cả công trình, các thiết bị và đương nhiên là cả người lao động, người dân sống ở khu vực xung quanh.

sập cần cẩu ở cầu giấy. 

* Cần quy định gì đối với các công trình xây dựng trong các khu đông dân cư để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, thưa ông ?

          - Các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn đã được quy định rõ và cụ thể. Quan trọng là việc chấp hành, thực hiện của các nhà thầu và người vận hành các thiết bị đó; cũng như sự giám sát, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ của các cơ quan quản lý và các công chức có trách nhiệm ở địa bàn quản lý. Tuy vậy, cũng cần có nhưng quy định rõ hơn nữa về tổ chức thi công, đặc biệt là thời điểm thi công các công trình, tránh ảnh hưởng đến nhiều người dân.

* Dư luận cho rằng hình thức xử phạt chưa đủ mạnh nên các đơn vị thi công “nhờn thuốc”. Quan điểm của ông ra sao ?

Mỗi năm lực lượng thanh tra ATVSLĐ và thanh tra xây dựng đã tiến hành thanh, kiểm tra hàng chục nghìn vụ, trong đó riêng thanh tra lao động đã thanh tra gần 10.000 vụ, đã xử phạt hàng chục tỷ đồng và tịch thu nhiều phương tiện vi phạm theo quy định.

Nhiều vụ tai nạn, sự cố gây chết người, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cũng đã được khởi tố điều tra, Tuy nhiên, tôi ghi nhận rằng, tỷ lệ các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng bị xử lý hình sự còn rất ít. Do đó, các biện pháp phòng ngừa còn hạn chế, tính răn đe đối với các đối tượng là các nhà thầu, người sử dụng lao động, cán bộ quản lý và cả người lao động rất thấp.

Nhằm tăng sức răn đe, trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm chuẩn bị trình  Quốc hội Khóa XIII thông qua Luật ATVSLĐ vào kỳ họp thứ 9 này, cơ quan soạn thảo đặc biệt chú trọng các chính sách phòng ngừa TNLĐ, BNN; đồng thời Dự thảo luật ATVSLĐ đã thể hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ bị nghiêm cấm, như vi phạm các quy định về kiểm định, huấn luyện ATVSLĐ, che dấu, khai báo sai về tai nạn lao động...

*Xin cảm ơn ông !


Từ cuối năm 2014 đến nay, các vụ tai nạn nghiêm trọng dồn dập xảy ra trên công trường thi công tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông, khiến cuộc sống người dân bất an. Cụ thể: 

- Chiều ngày 12/5, một chiếc cần cẩu trong công trường thi công tuyến đường sắt ga Hà Nội - Nhổn bất ngờ đổ xuống 2 nhà dân bên đường Cầu Giấy. Vụ việc khiến hai người bị thương (trong đó một phụ nữ mang thai 8 tháng), hai xe máy hư hỏng nặng

- Trước đó, sáng ngày 12/5, một thanh sắt dài hơn 1m từ công trường tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông rơi trúng cửa xe ô tô Honda Civic, gây hư hỏng nhẹ.

- Chiều tối ngày 10/5, một thanh sắt dài 9m, nặng khoảng 600kg rơi từ công trường tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội ra ngoài đường Hồ Tùng Mậu. Sau khi xác định nguyên nhân gây ra vụ tai nạn, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu hàng loạt đơn vị liên quan kiểm điểm rút kinh nghiệm và cấm nhà thầu phụ Inceco thi công các dự án có nguồn vốn của Hà Nội trong vòng 1 năm.

- Rạng sáng ngày 28/12/2014, toàn bộ hệ thống sàn, đà giáo và bê tông xà mũ trụ H7, thuộc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị sập xuống đường Trần Phú (Hà Đông)...... đè bẹp một chiếc taxi khi đang lưu thông trên đường Trần Phú. Thời điểm xảy ra tai nạn trên xe taxi có bốn người, song may mắn tất cả đều được cứu hộ kịp thời và thoát nạn. 

- Tháng 11/2014, hai thanh thép xoắn từ chiếc cần cẩu đang thi công tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị tuột, rơi trúng người đi trên đường Nguyễn Trãi. Vụ tai nạn khiến một người tử vong tại chỗ, hai người bị thương nặng. 

Thiều Văn Lý (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh