Tái diễn lừa đảo qua điện thoại
- Pháp luật
- 17:25 - 29/03/2019
Trao chìa khóa nhà cho kẻ trộm
Nhận được điện thoại từ một người tự xưng là nhân viên bưu điện thông báo bưu kiện gửi đi nước ngoài có chứa đồ bất hợp pháp, bà P.T.K.L. (ngụ quận 1, TPHCM) rất bất ngờ. Khi bà khẳng định không gửi bưu kiện nào, cuộc gọi được chuyển cho một người khác tự giới thiệu là cán bộ Công an TP Hà Nội.
Người tiếp chuyện cho biết bà liên quan đến đường dây tội phạm rửa tiền do Công an TP Hà Nội đang điều tra; gợi ý sẽ giúp bà chứng minh sự trong sạch bằng cách bà tự mở một tài khoản tại ngân hàng S., có đăng ký sử dụng dịch vụ Internet Banking bằng số điện thoại 01206416131 do người này cung cấp và sau đó chuyển toàn bộ số tiền bà đang có để được giám định nguồn gốc tiền. Tin lời, bà L. chuyển hơn 5 tỷ đồng vào tài khoản mới mở và bị băng nhóm lừa đảo rút ra chiếm đoạt hết.
Tang vật trong một vụ án giả danh cơ quan công an để lừa đảo
Tương tự, ông T.K.Đ. (ngụ quận 3, TPHCM) nhận cuộc gọi từ một số người tự xưng nhân viên ngân hàng và cán bộ Công an TP Hà Nội thông báo ông có khoản nợ tiền tín dụng của ngân hàng đến hạn phải trả, rồi dẫn dắt đến câu chuyện ông liên quan đường dây tội phạm đang được cơ quan công an điều tra.
Tiếp theo, ông Đ. được gợi ý hợp tác để “thoát tội” bằng việc đến ngân hàng S. tự mở tài khoản, đăng ký sử dụng dịch vụ Internet Banking bằng số điện thoại 0949759894 và tên truy cập “dungleming” do đối tượng này cung cấp. Tiền sẽ được hoàn trả nếu kết quả giám định là “tiền sạch”. Dù không liên quan đường dây tội phạm, nhưng lo sợ vì bị hù dọa, ông Đ. chuyển gần 2,5 tỷ đồng vào tài khoản ông mới mở theo yêu cầu và bị mất sạch số tiền này.
Bà L. và ông Đ. là 2 trong số rất nhiều nạn nhân của các băng nhóm lừa đảo do các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) cầm đầu, có sự cấu kết của một số đối tượng trong nước, hoạt động xuyên quốc gia. Sau một thời gian im ắng, từ tháng 5-2018, hoạt động của các băng nhóm này bùng phát trở lại với số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn (có nạn nhân bị chiếm đoạt hơn 48,3 tỷ đồng).
Qua điện thoại, kẻ giả mạo điều tra viên yêu cầu nạn nhân ra ngân hàng đăng ký mở tài khoản có đăng ký dịch vụ Internet Banking, nhưng bằng số điện thoại báo tiền vào - tiền rút ra do các đối tượng lừa đảo cung cấp; sau đó chuyển tiền của nạn nhân vào các tài khoản này để kiểm tra.
Nạn nhân nghĩ rằng chuyển tiền vào tài khoản do chính mình mở thì không sợ mất nên không lo lắng. Tuy nhiên, việc đăng ký dịch vụ Internet Banking bằng số điện thoại do người khác cung cấp không khác gì trao chìa khóa nhà cho kẻ trộm; bởi có được số tài khoản, tên đăng nhập, mật khẩu ban đầu, băng nhóm tội phạm truy cập website ngân hàng và thay đổi mật khẩu. Khi nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản, những kẻ lừa đảo lập tức dùng dịch vụ Internet Banking chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân sang nhiều tài khoản khác rồi rút ra chiếm đoạt bằng các thẻ Visa Debit, Master Card.
Ngân hàng, nhà mạng cần siết quản lý
Quá trình điều tra các vụ án giả danh cơ quan công an gọi điện thoại để lừa đảo cho thấy ngoài sự mất cảnh giác của nạn nhân thì sự quản lý thiếu chặt chẽ của một số tổ chức tín dụng, doanh nghiệp viễn thông di động đã vô tình tạo điều kiện cho băng nhóm lừa đảo dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội. Hiện nay không ít ngân hàng TMCP chấp nhận một cá nhân được mở nhiều tài khoản, vì vậy nhiều người dễ dàng đăng ký mở các loại thẻ Visa Debit, Master Card có đăng ký dịch vụ Internet Banking để bán cho các băng nhóm tội phạm dùng làm phương tiện chuyển tiền, tẩu tán tài sản lừa đảo.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng TMCP cho phép hạn mức chuyển tiền trong ngày và hạn mức chuyển tiền mỗi lần quá lớn (có khi lên đến 500 triệu đồng/lần giao dịch, 1 tỷ đồng/ngày), nên sau khi nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản, băng nhóm tội phạm có thể rút tiền một cách nhanh chóng. Dù nạn nhân trình báo thì cơ quan điều tra cũng không kịp ngăn chặn, đề nghị ngân hàng phong tỏa tài khoản để giữ lại tiền cho nạn nhân. Chẳng hạn có một vụ án, chỉ ngay trong ngày, tiền trong tài khoản của nạn nhân bị rút ra chiếm đoạt hơn 700 triệu đồng!
Số lượng sim “rác” (thuê bao di động trả trước đăng ký không chính chủ) của các nhà mạng điện thoại di động đăng ký chuyển vùng quốc tế được bán trôi nổi tràn lan trên thị trường cũng là nguồn tiếp tay cho các băng nhóm tội phạm hoạt động. Trong tất cả các vụ án giả danh công an để lừa đảo, số điện thoại nạn nhân được cung cấp để đăng ký dịch vụ Internet Banking khi mở tài khoản đều là sim “rác”, gây khó khăn cho quá trình điều tra. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 49/2017 nhằm thắt chặt quản lý thuê bao di động trả trước, loại bỏ tình trạng sim “rác” với mức phạt quy định rất cao, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Do vậy, nâng cao trách nhiệm kiểm tra việc cho khách hàng mở các loại thẻ Visa Debit, Master Card và thắt chặt quản lý thuê bao di động trả trước là điều các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp viễn thông di động cần làm để góp phần ngăn chặn các vụ án lừa đảo.
Thủ đoạn của các băng nhóm lừa đảo là sử dụng thiết bị viễn thông công nghệ cao, thực hiện cuộc gọi qua Internet, giả mạo số thuê bao của các cơ quan pháp luật Việt Nam, đưa ra nhiều lý do khác nhau để đe dọa nạn nhân như thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy CMND đăng ký mở tài khoản ngân hàng, liên quan các hoạt động rửa tiền, mua bán ma túy... Nếu nạn nhân có ý nghi ngờ hay do dự, các đối tượng dọa nạt sẽ tống đạt lệnh bắt giam khẩn cấp khiến nạn nhân lo sợ. Cuộc nói chuyện được chuyển sang nhiều cơ quan pháp luật giả khác nhau, diễn ra liên tục từ chuyện này sang chuyện khác bằng những lời lẽ vừa hăm dọa, vừa cảm thông, vừa có thiện chí giúp đỡ khiến nạn nhân bị rối trí, không có thời gian suy nghĩ, phải làm theo yêu cầu. Do vậy, Công an TPHCM khuyến cáo người dân tuyệt đối không tin bất kỳ lời đe dọa nào của các băng nhóm tội phạm qua điện thoại. Người dân không mở tài khoản do mình đứng tên và đăng ký bằng số điện thoại do các đối tượng lừa đảo cung cấp, cũng như không chuyển tiền vào những tài khoản trên. |