Tác giả “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”: Giải thưởng Hội Nhà văn là giấc mơ có thật
- Văn hóa - Giải trí
- 14:45 - 25/01/2015
1- Với nhiều người, tác giả Trần Mai Hạnh là cái tên quen thuộc. Ông từng có tới 5 cuốn sách, trong đó có hai cuốn tiểu thuyết chiến tranh: “Sụp đổ và tự thú”, “Ngày tận thế” đều do NXB Quân đội Nhân dân ấn hành. Với ông viết văn vừa là nhu cầu tự thân, đồng thời là trách nhiệm của người cầm bút với xã hội. Khi bắt tay viết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4. 75” cũng vậy, ý định lúc đầu không phải nhằm xây dựng một tác phẩm văn học, và càng không phải nhằm mục đích thi thố tài năng văn chương. Chỉ biết rằng để hoàn thiện một tiểu thuyết lịch sử, ông đã phải dày công sưu tầm, nghiên cứu tư liệu và mất tới 4 thập kỷ.
Nhà văn Trần Mai Hạnh
Quả thực, những ai đã đọc cuốn sách dày gần 500 trang ấy đều có chung cảm nhận rằng đó là một bộ tư liệu lịch sử chân thực và sống động, được khái quát qua lăng kính văn chương của một người làm báo. Sách được ra đời gần 40 năm sau, kể từ giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 ở Dinh Độc Lập, mà ông bảo mình “may mắn” được chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc.
Từng là phóng viên chiến trường của TTXVN, đầu năm 1975 tác giả được cử tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với nhiệm vụ là đặc phái viên của Tổng giám đốc TTXVN. Bám sát các binh đoàn chủ lực, tác giả đã theo các đoàn quân tiến vào giải phóng hầu hết các thành phố, thị xã suốt từ Huế tới Sài Gòn và ghi chép tỉ mỉ suốt quá trình tham gia chiến dịch. Và thật may mắn, ông có được những tư liệu quý giá từ phía chính quyền Sài Gòn do các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội ta cho phép tiếp xúc, khai thác.
Ngay vào thời khắc trưa 30/ 4 năm ấy, ông đã suy nghĩ, trăn trở: Tất cả những việc đang diễn ra trước mắt chỉ ngày mai thôi sẽ trở thành quá khứ. Và thời gian càng lùi xa thì quá khứ càng lùi xa. Chính vì vậy, mà ông ấp ủ ý định phải viết sách, viết để phản ánh một cách trung thực nhất sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Có thể nói rằng cuốn tiểu thuyết lịch sử này chính là một góc nhìn cuộc chiến từ phía bên kia một cách chân thực và khách quan nhất.
2-Bạn đọc tìm thấy nhiều sự thật lịch sử ở cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”. Tuy nhiên, sẽ có không ít người thắc mắc tại sao một cuốn tiểu thuyết lại được in tại NXB Chính trị Quốc gia- Sự thật? Theo tìm hiểu chúng tôi, đây gần như là một cuốn tiểu thuyết đầu tiên mà NXB Chính trị Quốc gia- Sự thật xuất bản. Nhà báo Trần Mai Hạnh cho biết, toàn bộ những tư liệu lịch sử trong cuốn sách ấy như thư từ, bút tích, điện tín... của Tổng thống Mỹ gửi Tổng thống chính quyền Sài Gòn và các tướng lĩnh... đòi hỏi phải được thẩm định một cách cẩn thận.
Chính vì thế mà sau khi hoàn thiện xong bản thảo cuốn sách, ông đã quyết định in ở NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật. Ông Hạnh cho biết, ban đầu, ông gửi thư cho giám đốc NXB trình bày rõ ràng nội dung cuốn sách và nguyện vọng của mình, “nếu NXB thấy in được thì hồi âm cho tác giả biết”. Thật vui là sau đó ông đã nhận được hồi âm và tới tháng 1/2014 thì NXB mời ông đến để ký hợp đồng. Kèm với bản thảo cuốn sách, ông đã phải trình bày cho NXB cả ngàn trang tài liệu nguyên bản (được đánh máy lại từ tài liệu nguyên gốc mà ông có). Để xác minh, chứng thực nguồn tư liệu của ông, phía NXB đã phải tới Trung tâm lưu trữ Quốc gia để tìm hiểu.
Vậy với một bộ biên niên sử chi tiết đến như vậy, điều gì khiến ông tâm đắc nhất? Ông sôi nổi hẳn lên: “Tôi đã dựng nên một cuốn tiểu thuyết gồm các chương hồi, trong đó có nhiều số phận các tướng lĩnh của chính quyền Sài Gòn. Đặc biệt trong cuốn tiểu thuyết không hề có hình bóng của tác giả, cũng không hề có hình bóng của quân Giải phóng... nhưng bao trùm lên tất cả, người đọc vẫn thấy áp lực của quân Giải phóng lên phía bên kia là rất lớn. Có những người trong giới phê bình đọc xong cuốn sách đã nói với tôi: Đó là một cuốn sách viết về lịch sử rất khác, rất khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử. Vì thế có thể đánh giá đây là một góc nhìn thực sự nhân văn về chiến tranh”.
Hiện đã có những lời đề nghị chuyển thể tác phẩm của ông thành phim và mời ông tham gia cố vấn, nhưng ông từ chối. “Tôi nghĩ tôi đã đạt được những điều mà mình mong muốn khi bắt tay viết sách. Tôi thấy thế là thanh thản, chứ không tham vọng. Và tôi tự nhủ mình đã hoàn thành sứ mệnh của một người cầm bút kể chuyện. Việc dựng phim là do tài năng của các nhà làm nghệ thuật về sau này”. Về giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, ông tâm sự: “Với một người không phải là hội viên Hội Nhà văn như tôi, được Hội chọn trao giải là một giấc mơ có thật”.
Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 được trao cho những tác phẩm: “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4. 75” (tác giả Trần Mai Hạnh); “Trăm năm trong cõi” (tập lý luận phê bình của GS Phong Lê); “Thơ Việt Nam hiện đại – tiến trình và hiện tượng” (tiểu luận của Nguyễn Đăng Điệp); “Cuộc chiến đi qua” (tiểu thuyết tác giả KANTA IBRAGMOV, bản dịch của Đào Minh Hiệp); “Trường ca-Kịch thơ"(thơ của Nguyễn Thụy Kha). Giải thưởng được trao cho các tác giả vào ngày 8/2. |