Chăm sóc sức khỏe tình dục cho người đồng tính: Phá rào cản về tâm lý, kỳ thị...
- Pháp luật
- 13:14 - 05/03/2016
Tâm lý e ngại, mặc cảm…
Được thành lập từ cuối năm 2013, ban đầu chủ yếu tư vấn về sức khỏe tình dục và HIV/AIDS cho các bạn thanh thiếu niên trên địa bàn TP Hà Nội, chỉ trong vòng hai năm, phòng khám nâng cao sức khỏe tình dục cho nam giới (SHP) thuộc Đại học Y Hà Nội đã tiếp cận được hàng nghìn bệnh nhân là người đồng tính, cung cấp các dịch vụ về tư vấn sức khỏe miễn phí.
Bác sỹ Vũ Đức Việt, Trưởng Phòng khám SHP cho biết, tỷ lệ lây nhiễm HIV ở nhóm người đồng tính đang ở mức báo động, và sự kỳ thị nhóm đối tượng này chính là một trong những nguyên nhân khiến HIV càng có cơ hội lây lan nhanh. Người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục khi đi khám đã có chút ngại ngần, đối với những người đồng tính, đó thực sự là một quyết định cần sự dũng cảm, bởi họ sợ nếu đi khám sẽ bị “lộ”, sẽ bị kỳ thị. Nhiều người không dám đi khám mà cố chịu đựng, hoặc mua thuốc về tự điều trị, bệnh không khỏi mà càng nặng hơn.
Nguyễn Văn Huy (19 tuổi) là người đồng tính. Năm 2014, Huy bị bệnh giang mai, đi khám rất nhiều ở phòng khám tư, tốn kém hàng chục triệu đồng nhưng bệnh mãi không khỏi mà ngày càng nặng hơn. Vào bệnh viện thì Huy ngại nhỡ gặp người quen, sợ họ phát hiện mình mắc bệnh nhạy cảm. Vì lý do đó mà Huy cứ mãi buồn bực cùng triệu chứng kéo dài của bệnh tật.
Vượt qua sự kỳ thị
Một thời gian dài sống chung cùng căn bệnh nhạy cảm, rồi Huy cũng được giới thiệu đến phòng khám do các bạn cộng tác viên cộng đồng giới thiệu, rồi được các bác sỹ tư vấn và cho làm xét nghiệm lại. Kết quả cũng thể hiện Huy bị bệnh giang mai, nhưng phác đồ điều trị mà phòng khám tư trước đó đưa ra không chuẩn nên bệnh không khỏi được. Chỉ trong một thời gian ngắn, các bác sỹ SHP đã điều trị cho Huy khỏi bệnh và miễn phí. “Kể từ đó, khi có vấn đề gì là em lại đến phòng khám SHP để được tư vấn, tiếp cận dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, em còn giới thiệu cho một số bạn bè của mình đến đó để chữa bệnh”, Huy tâm sự.
Tư vấn viên phòng khám không ngại ngày đêm tiếp cận người đồng tính.
Theo bác sỹ Vũ Đức Việt, trong năm 2015, phòng khám SHP đã tiếp cận được 7000 bạn MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) tại thực địa cũng như tại các kênh mới (internet, mạng xã hội). Hơn 1000 bạn đã trực tiếp đến phòng khám để tư vấn, xét nghiệm, qua đó cũng đã phát hiện trên 50 trường hợp nhiễm HIV. Tỷ lệ mắc các bệnh tình dục trong nhóm này cũng chiếm khoảng 7-10%. Ngoài được xét nghiệm HIV miễn phí, các bạn được tư vấn các vấn đề liên quan đến đa dạng tình dục, tầm quan trọng của sức khỏe tình dục, các vấn đề liên quan đến HIV và các bệnh lây qua đường tình dục, vấn đề về nghiện chất, về kỳ thị và đối phó với kỳ thị, tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế…
Theo bác sĩ Việt, trong quá trình tiếp cận, chữa bệnh cho các bạn đồng tính, các bác sĩ, tư vấn viên cũng gặp không ít tình huống dở khóc, dở cười. Có bạn được đưa đến các cơ sở chuyển gửi, trước đó đã được tư vấn rất kỹ, vui vẻ đi khám, nhưng khi nhân viên phòng khám đang liên hệ với cơ sở tiếp nhận, quay lại thì khách hàng đã “lặn mất tăm”.
Tăng cường tuyên truyền, hạn chế lây nhiễm HIV
Hiện nay kiến thức về sức khỏe tình dục của giới trẻ nói chung, và người đồng tính nói riêng còn khá hạn chế. Đây là một vấn đề khá mới nên nhiều đơn vị chưa có đủ thông tin để tuyên truyền cho cộng đồng. “Hiện chúng tôi đang tuyên truyền về sức khỏe tình dục, trong đó có các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho các bạn với 2 hình thức là trao đổi thông tin trực tiếp tại cộng đồng, qua phòng khám SHP và qua các kênh online. Để làm tốt điều này, các bác sỹ, tư vấn viên phải qua một lớp đào tạo về can thiệp nâng cao sức khỏe tình dục; cũng như những khóa tập huấn về tư vấn xét nghiệm HIV, kỹ năng làm việc với các nhóm dễ bị tổn thương, phỏng vấn tạo động lực. Mặt khác, chúng tôi còn đến các địa điểm mà cộng đồng người đồng tính thường xuyên có mặt để gặp gỡ làm quen, tham gia các hoạt động cộng đồng, tạo sự tin tưởng của họ, sau đó mới tuyên truyền, cung cấp thông tin, cung cấp vật liệu giảm hại như bao cao su và chất bôi trơn”, bác sĩ Việt chia sẻ.
Được biết, bên cạnh việc tư vấn, khám chữa bệnh, phòng khám SHP cũng nhiều lần tiếp các bậc phụ huynh đến nhờ chữa “bệnh đồng tính” cho con em mình. Có gia đình đến phòng khám khóc lóc vì con họ có xu hướng tình dục khác thường, khăng khăng “đòi” các bác sỹ điều trị để con khỏi đồng tính”, khi đó, các bác sỹ, tư vấn viên đã cung cấp cho các bậc phụ huynh những bằng chứng khoa học về nhận dạng tình dục và xu hướng tình dục, cũng như những khó khăn mà các bạn phải trải qua. Từ đó, gia đình có thể giúp con em mình bớt mặc cảm, hòa nhập với bạn bè, và tiến bộ trong học tập.
Bác sĩ Việt cho biết thêm, một số nhân viên phòng khám cũng là MSM nên tiếp cận và làm việc với các bạn MSM khá thuận lợi. Số còn lại khác xu hướng tình dục, nên việc hiểu được các bạn MSM, hòa mình vào cộng đồng này không phải là việc dễ dàng. “Hy vọng, các bạn có thể vượt qua mặc cảm để đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục, bảo đảm sức khỏe cho bản thân cũng như cộng đồng”, bác sĩ Việt nói.