CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:25

Chuyện buồn - vui của cặp đồng tính

Vợ chồng” trong căn phòng “đặc biệt”

Từ phường 11 (TP Vũng Tàu), vượt qua cầu Cửa Lấp chừng 20 phút, không khó khăn mấy tôi gặp được Phương và Nhật - cặp đôi đồng tính mà tôi đã hẹn trước. Không ngỡ ngàng vì chất “men” của “cô vợ” có “mai dài, râu quai nón”, mà ngỡ ngàng vì cách xưng hô rất tự nhiên của họ. Phương gọi Nhật bằng “bà ấy, vợ ơi”, còn Nhật gọi Phương bằng “ông nhà tui nhìn vậy chứ chiều tui lắm đó”. Vừa bỏ mũ bảo hiểm ra khỏi đầu, Phương đã hỏi tôi: “Anh đi xa không? “vợ chồng” em chờ anh ở cà phê tin tin bên kia đường kia kìa”. Gặp tôi, Nhật bẽn lẽn: “Ồ! anh điển trai quá nha. Suýt nữa là em cho anh “leo cây” đó”. Nhật tình tứ ngồi sau xe, ôm eo “chồng”, rồi phóng đi về phía làng chài Phước Tỉnh. “Cô” ngoắc tay tôi: “Đi theo em nghe cưng”.

Hạnh phúc trong ngày lễ đính hôn.  

Tổ ấm của họ là căn phòng trọ thuê chừng 35m2, ở giữa con hẻm sâu hun hút. Phương kéo cửa sắt, bảo “anh đưa xe vào nhà đi”, rồi kéo cửa lại. Khác với phòng khách của người thường, phòng khách của Phương và Nhật rất màu mè. Hai bên tường vẽ chữ  “Music Boy” bằng màu đỏ, đen lòe loẹt. Trên trần nhà treo mấy cái “đèn kéo quân” màu xanh, đỏ. Móc vào đó là mấy chiếc quần bò mà Phương bảo với tôi là “mấy bữa trời mưa, đồ giặt không chịu khô nên “bả” nhà em móc phơi ở đấy”. Cũng có bếp nấu ăn, tủ lạnh, ti vi, bàn trang điểm... những vật dụng đầy đủ của một gia đình.

- Anh uống gì? - Phương hỏi tôi.

- Cho anh chai trà xanh không độ.

- Có liền – Phương đáp và đưa cho tôi chai trà.

-  Anh tự nhiên nha, để em kêu “bà xã” về chiên mấy con cá nhậu lai rai cho vui. Nhà má “vợ” em ở bên bển, “bả” sang đó lấy đồ rồi.

Thấy tôi cứ nhìn lên trần nhà, rồi quanh căn phòng, Phương phân trần: “Nhà trọ thôi anh, tháng thuê triệu sáu. Trước đây “vợ chồng” em bán nước giải khát, cà phê nghe nhạc boy đi-di. Nhà này chỉ tiếp đàn ông thôi, không bao giờ tiếp đàn bà. Những người tới đây ăn chè, uống cà phê, nước ngọt là đàn ông và đồng giới. Bây giờ không bán nữa, “vợ em” đang học nghề “bách cấp” (uốn tóc, sửa my – PV). Em mấy ngày nữa lên Sài Gòn học trang điểm rồi”.

- “Anh ơi, mực nè. Vô đây giúp em một tay đi”- Nhật đem ba con mực một nắng từ nhà mẹ mình về. “Rồi, để đấy anh làm cho”. Phương trả lời rồi vào bếp chiên mực cùng “vợ”. Qua bức mành chắn đan bằng tre, Phương cởi trần mặc quần đùi. Họ xưng hô “vợ chồng” rất tự nhiên không hề ngượng. Thỉnh thoảng Phương lại dùng vai đẩy vào người “vợ”, còn Nhật nhìn “chồng” say đắm vẻ hạnh phúc.

Lời trần tình chua xót

 Thấy Phương cởi mở, tôi không ngần ngại hỏi về “đời tư” của “Vợ chồng” anh. Nghĩ anh sẽ không hé răng vì điều tế nhị mà lẽ ra anh phải “sống để bụng, chết đem đi”, nhưng không, Phương nói tự nhiên như thể trần tình về nỗi đau tinh thần và mối tình ngang trái của mình. Như để lấy can đảm, Phương uống 3 ly rượu một lúc. Mỗi lần uống, Phương đều đưa lên mời tôi cùng “dô”. Phương kể: “Em quê gốc Sài Gòn. Em đã học xong đại học rồi anh. Lúc nhỏ em được ba mẹ cưng chiều lắm. Đến năm 16 tuổi, em thấy mình thích con trai. Em đã cố gắng gạt cảm xúc đó đi để yêu một người con gái. Nhưng rồi những buổi đi chơi nắm tay bạn gái mà cứ dửng dưng, không cảm xúc. Đó là năm 19 tuổi, em học Đại học Nông Lâm Sài Gòn. Bạn gái em cũng học cùng trường”.

Bên nhau ngày cưới, ảnh tác giả chụp lại.

Trong lúc Phương kể chuyện, Nhật cúi mặt nhìn xuống nền nhà. Dường như “cô” xúc động trước những lời trần tình của “chồng” với khách. Dĩ nhiên, đó không phải là lần đầu Nhật nghe “chồng” kể về chuyện ấy. Uống thêm ly rượu pha với nước ngọt cô-ca, Phương hỏi tôi: “Uống rượu pha nước ngọt cho nhanh say anh. Hôm nay em muốn say, em phải nói hết”. Nãy giờ, Nhật ngồi cạnh Phương, “cô” nhìn “chồng” như muốn chia sẻ với Phương điều gì đó nhưng không nói được. Từ linh cảm, tôi hiểu, Nhật cũng có nỗi niềm riêng trước đó như Phương.  “Hôm nay em phải nói hết cho vơi nỗi buồn. Anh biết không, nhiều lúc nghĩ mình đồng tính, em chỉ muốn chết cho xong, nhất là mỗi khi ra đường gặp ai cũng nhìn em bằng ánh mắt khinh rẻ xem thường. Nhưng rồi em nghĩ, mình cũng như họ, chỉ khác là mình không thể yêu con gái. Em chua xót lắm anh”, Phương chia sẻ.

Uống thêm ly rượu nữa, Phương kể chặng đường mà anh đã vượt qua rào cản để đến với người mình yêu thương. “6 năm trước, khi ba mẹ biết em đồng tính nam, không thích con gái, họ đã bực tức. Một đêm, ba mẹ gọi em vào giữa phòng khách và tuyên bố “từ mặt em” nếu em không nghe lời. Nhưng em không thể lấy người mà em không yêu. Người em yêu không phải là nữ mà là nam. Bạn ấy cũng ở Sài Gòn. Ba mẹ em không hiểu gì hết”- Phương xúc động. “Sau đó, ba mẹ em đã đi nước ngoài. Em không đi, vì không thể để người yêu ở lại Việt Nam. Nhưng rồi mối tình đầu ấy cũng tan vỡ. Sau đó em dạt về Vũng Tàu và gặp “bà này”, Phương quay sang Nhật nói, rồi đặt tay lên đùi “vợ”. Nhật bẽn lẽn nhìn “chồng” rồi lại nhìn tôi tìm sự cảm thông.

- Bạn gặp “bà xã” trong trường hợp nào? Rồi bên nhà “vợ” có cấm cản gì không?

- Tôi hỏi.

- Em bỏ nhà đi Vũng Tàu, dạt về Phước Tỉnh này đi đánh cá, rồi gặp “bả”. Phương quay sang nhìn “vợ”. “Lúc đầu, gia đình “má vợ” em cũng cấm đoán dữ lắm, nhưng khi biết “vợ” em cũng vậy (ý nói là cùng giới tính) và đau khổ, nên má và các chị cũng không nói gì nữa. Coi như chúng em đã đính hôn rồi. Điều quan trọng nhất bây giờ là chúng em sống hạnh phúc chứ không phải là lời dị nghị từ bên ngoài. Em đi ra ngoài mua đồ, cả xóm này ai chẳng biết em mua về cho “vợ” em. Sống với nhau gần 3 năm rồi, “bà” ấy cũng hiểu tính em. Nói chung là êm ấm. “Bây giờ hai em đi ra ngoài, có ai nhìn, xì xào gì không”? tôi hỏi. “Không anh. Cả khu phố này, ai chẳng biết vợ chồng em. Họ đã quen rồi”, Phương chia sẻ chân thành.

 Sau gần 3 năm sóng gió, đàm tiếu và rào cản từ phía gia đình, cuối cùng hai bên gia đình cũng chấp nhận để họ “làm vợ chồng” với nhau. Phương cho biết: “Nhà em có 12 anh chị em. Em thứ 10, chẳng ai giống em. “Bà ấy” con út trong gia đình, các anh chị cũng đã lập gia đình riêng. Trước khi đến với nhau, gia đình đã cho em đi tiêm hóc môn đàn ông, nhưng em lại nghiêng về nữ tính”. Hãnh diện về “chồng”, Nhật cho biết: “Má em còn quí “ổng” hơn em nữa đấy anh. Cái gì má cũng gọi “ảnh”, nhiều khi em phát ghen lên”. Và để chấp nhận cho Nhật, Phương thành “vợ chồng”, trong dịp tổ chức lễ cưới cho con gái, bà Nhung- mẹ Nhật đã chứng giám lễ trao nhẫn cưới cho “con gái và con rể” tại nhà mình. Sau đó, cho cả bốn con đi tắm biển và chụp ảnh chung với nhau.

Nói về chuyện có con, Phương cho biết, sau này sẽ xin con nuôi, hoặc nhờ người sinh hộ. Em cũng mong pháp luật sớm chấp nhận, có lối mở về hôn nhân cho người đồng tính được hòa nhập cộng đồng. Còn rất nhiều cặp đôi giấu thân phận của mình trong bóng tối. Tôi hỏi: “Vợ chồng ra đường có ngại gặp bạn bè”?, Nhật trả lời: “Làng chài này ai cũng biết bọn em, điều quan trọng là sống thế nào để họ tôn trọng mình thôi, chứ giới tính chúng em thì ai cũng biết rồi”.

Xe duyên cho con lấy người đồng tính

 Từ ngày được bà Khánh chấp thuận coi là “con rể” trong nhà, Phương luôn tỏ ra là người con hiếu thảo với má vợ. Từ việc bổ củi, múc nước đến kéo thuyền từ bãi biển lên bờ, đều một tay Phương làm. Vì vậy Phương luôn được lòng “vợ”, còn Nhật cũng rất hành diện về “chồng” của mình.

Phải cố làm quen, coi như thân tình lắm, tôi mới được bà Khánh bộc bạch: “Biết con trai mình thuộc giới tính thứ ba không thể kết hôn với nữ giới, nên khi thằng Phương đến thưa chuyện đi lại với thằng Nhật, tui buồn thúi ruột. Đánh nó thì không thể, mà bắt nó lấy con gái thì càng không, thôi thì để nó tự quyết định”. Nghe mẹ nói vậy, Nhật chen vào: “Thoạt đầu má em cũng làm dữ lắm. Cứ “ông xã” tới là má em đuổi, rầy la em. Nhưng khi em nói thật về giới tính của mình, rồi anh Phương thuyết phục, má em cũng hiểu ra không rầy la nữa. Bây giờ má em hoàn toàn không phản ứng gì. Má coi anh Phương là con trong gia đình. Anh Phương cũng gọi má là má vợ, gọi riết rồi quen”.

Bà Khánh tuy đau khổ, song luôn tôn trọng ý kiến và quyết định của con. Bà nói: “Tui cũng cho chúng nó tiền mua tủ lạnh, ti vi, rồi phụ giúp mở quán nước đó chớ. Nó học uốn tóc tui cũng cho tiền. Làm má, tui chẳng sung sướng gì khi biết con mình như thế, nhưng phải chấp nhận để nó đi tìm hạnh phúc cho riêng nó chớ cấm cản mãi sao được. Mẹ nào đành bỏ con. Thôi thì đành chấp nhận xe duyên cho nó chớ sao bây giờ”. Hỏi về chuyện quan hệ tình dục, Phương cho biết, trước khi đến với nhau, cả hai đã đi xét nghiệm HIV và đều an toàn. Người đồng giới có nhu cầu tình dục rất cao và thường hay thay đổi bạn tình, do vậy phải biết sẻ chia thông cảm với nhau mới sống lâu dài được.

Thấy tôi cứ ngước nhìn lên gác xép - chốn phòng the của “vợ chồng” Phương. Phương bảo: “Nói thật với anh, “bả” nhà em ghen lắm. Quan điểm là tình ai người đó giữ nhưng luôn nghĩ về nhau. Nếu có làm “G-roup” thì phải cả hai đồng ý. Em cũng chiều bả thích đổi mới, nhưng phải an toàn tuyệt đối”. Tôi hiểu Phương nói làm “G-roup” nghĩa là làm tình tay ba.

Tiếp xúc với “vợ chồng” người đồng tính này, tôi hiểu thêm một điều nữa về “chung cơm không chung tiền” của họ. Mặc dù coi nhau như vợ chồng, nhưng chưa bao giờ họ xài tiền chung. Một mặt, họ luôn nghi ngờ lòng chung thủy của “vợ”, “chồng” mình; một mặt họ đều cảm nhận được hạnh phúc mong manh, không có gì làm điểm tựa chắc chắn. “Tuy sống với nhau được gần ba năm, song hai người vẫn “góp gạo thổi cơm chung” chứ không xài chung tiền. Ví dụ hôm nay em đi chợ, thì ngày mai “ông” ấy đi. Chỉ góp tiền chung thôi, còn tài chính của ai nấy giữ. Công việc có thể làm chung nhưng tiền xài riêng. Còn mỗi lần có khách thì “ông xã” bỏ ra, sau đó tính”, Nhật nói.

Chia tay họ, tôi không biết nói gì hơn ngoài câu chúc “vợ chồng” luôn hạnh phúc. Dẫu không thể biết chính xác được rằng, liệu cuộc tình của họ có được mãi trọn vẹn như tình cảm hiện tại họ đang dành cho nhau không. Ông trời luôn công bằng, đã lấy của họ quyền được làm một con người bình thường, ắt sẽ bù đắp cho họ sự hạnh phúc như họ hằng mong muốn. Cầu mong vậy.

TRẦN MẠNH TUẤN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh