THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 07:52

Sức sống mới ở xã nghèo Sông Cầu

 

Nằm trên tuyến đường tỉnh lộ 2 và nay có thêm con đường Nha Trang - Đà Lạt băng ngang qua, Sông Cầu được xem là xã có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Đất đai ở đây màu mỡ, địa hình chủ yếu là đất đồi nên rất thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía hay trồng cây ăn quả. Phát huy lợi thế này, Sông Cầu đã có những bước chuyển biến tích cực…

Theo Hội nông dân xã Sông Cầu, do vận dụng tốt các lợi thế về thổ nhưỡng và ứng dụng khoa học-kỹ thuật nên cuộc sống người dân nơi đây đã khởi sắc chứ trước đây rất nghèo. Với đặc thù của xã miền núi, để phấn đấu xóa được đói, giảm được nghèo, Hội Nông dân Sông Cầu đã bám sát Nghị quyết Chi bộ vận động hội viên, nông dân tích cực đẩy mạng trồng trọt, chăn nuôi, khuyến khích nông dân phát triển ngành nghề tại chỗ và làm dịch vụ. Tất cả các công việc này đều có sự hướng dẫn của cán bộ Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh.

Có thể nói, 20 năm qua, cây mía đã trở thành nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình, nhất là cây mía, đu đủ và con bò đã giúp nông dân nơi đây từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đến nay diện tích trồng mía của xã đạt trên 490 ha, gần 20 ha điều, 14 ha mì, trên 400 con bò, 200 con heo, trên 50 ha đu đủ… Mấy năm gần đây xã phát triển thêm nghề mộc gia dụng, nghề đan ghế mây xuất khẩu, sản xuất hạt dưa cũng đến hàng chục hộ và hàng chục hộ làm dịch vụ có thu nhập ổn định.

Ngoài ra còn có hàng chục hộ làm nghề tăm nhang, vừa tăng thu nhập vừa giải quyết lao động nông nhàn. Ở xã Sông Cầu sau khi tiếp nhận các kiến thức, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất ngày càng xuất hiện nhiều triệu phú như ông Nguyễn Diệu trồng 10 ha mía cao sản, thu nhập 150 triệu đồng. Ông Trần Ngọc Hùng với mô hình trồng cây ăn quả thu nhập 85 triệu đồng; ông Nguyễn Như Ý trồng trên 10 ha mía và làm dịch vụ thu nhập 160 triệu đồng; ông Phan Thạch trồng trên 20 ha mía thu nhập 80 triệu đồng; anh Phan Văn Chương thu nhập từ 6 ha Trang trại trên 200 triệu đồng; anh Nguyễn Văn Khoa trồng 8 sào đu đủ thu nhập trên 80 triệu đồng; chị Nguyễn Thị Ba chăn nuôi 20 con bò, nuôi cá nước ngọt thu nhập trên 200 triệu đồng; anh Hoàng Đình Hằng chăn nuôi trên 20 heo rừng lai, 2 ha mía cao sản, trồng cây ăn quả thu nhập 120 triệu đồng/năm…

Hiện nay xã Sông Cầu có gần 20 trang trại trồng cây điều, cây chuối, chăn nuôi bò, trồng rừng, trồng chanh, trồng cây ăn quả; có 130 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Hội Nông dân đã phối hợp tạo điều kiện cho nông dân vay hàng trăm triệu đồng để phát triển sản xuất, mở mang ngành nghề, đặc biệt là 20 hộ người dân tộc thiểu số đã biết chăn nuôi, lập vườn, làm nghề tăm nhang để thoát nghèo, nhiều hộ đã có đời sống khá lên, xây dựng được nhà ở kiên cố, sắm sửa được ti vi, xe máy..  

 

                      Anh Khoa bên mô hình trồng đu đủ của mình                            

 

 

Từ chỗ đời sống người dân bị thiếu ăn, đến nay xã Sông Cầu đã cơ bản xóa được hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5% (theo chuẩn mới); 99% hộ đã có nhà ngói, được sử dụng điện lưới quốc gia và có phương tiện nghe nhìn; đường giao thông nông thôn được bê tông, nhựa hóa; 100% con em của nông dân được đến trường, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Đặc biệt là nông dân ở thôn Nam - thôn có 100% đồng bào dân tộc thiểu số nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, Hội Nông dân đã tín chấp cho vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, lập vườn nay đã biết cách làm ăn để thoát nghèo không trông chờ vào Nhà nước như trước nữa.         

Đến Sông Cầu hôm nay chỉ thấy một màu xanh của cây mía, cây mì, cây ăn quả; xóm làng đang khoác lên mình một diện mạo mới. Hy vọng với lợi thế đất đai dồi dào, phì nhiêu, trong thời gian không xa, nông dân Sông Cầu sẽ tự làm giàu trên vùng đất của mình.

ĐÔNG HƯNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh