Phát triển mỗi xã một sản phẩm - Người dân thêm cơ hội thoát nghèo
- Dược liệu
- 13:17 - 15/05/2017
Làm giàu ngay trên quê hương
Từ năm 2008, Bộ NN&PTNT đã triển khai thí điểm ở một số địa phương mô hình “Mỗi làng một sản phẩm”. Theo đó, đối với những làng đã có nghề, có sản phẩm được tạo ra thì ưu tiên hỗ trợ cải tiến mẫu mã, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đối với những làng có nhiều nghề, nhiều sản phẩm, thì lựa chọn ra ít nhất một nghề có sản phẩm mang nét đặc trưng nhất về địa lý, phong tục, văn hóa địa phương để hỗ trợ. Những làng chưa có nghề, chưa có sản phẩm đặc trưng nổi bật, thì khai thác thế mạnh của địa phương để phát triển các ngành nghề dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho người dân. Kết quả triển khai thí điểm cho thấy, các sản phẩm được hỗ trợ đã khẳng định triển vọng phát triển của ngành nghề nông thôn Việt Nam. Các sản phẩm như sơn mài, chạm khắc gỗ, đá, đúc đồng với mẫu mã cải tiến, được chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao, phục vụ tốt cho nhiều thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời, trở thành nơi thu hút khách du lịch đến tham quan và mua đồ lưu niệm.
Gian hàng "Mỗi xã, phường một sản phẩm" tỉnh Quảng Ninh.
Tiếp nối kết quả thí điểm của Bộ NN&PTNT, một số tỉnh, thành phố đã chủ động áp dụng thực hiện để triển khai phát triển ngành nghề tại địa phương. Trong đó, từ năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai đề án “Tỉnh Quảng Ninh – Mỗi xã, phường một sản phẩm”, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai chương trình này một cách bài bản, có hệ thống, từ việc hình thành bộ máy chỉ đạo tổ chức thực hiện, ban hành cơ chế, chính sách, đến hướng dẫn quy trình triển khai...
Chia sẻ kinh nghiệm của Quảng Ninh trong quá trình thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh nêu ra 3 mục tiêu quan trọng mà Quảng Ninh đã và đang thực hiện. Thứ nhất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế ở các xã, phường, thị trấn gắn với xây dựng nông thôn mới. Thứ hai, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thứ ba, thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn, góp phần tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho nhân dân, hạn chế việc di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.
Kết quả bước đầu đạt được sau 3 năm triển khai đề án đã khẳng định, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” là hướng đi đúng, sáng tạo của tỉnh trong phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy những thế mạnh của địa phương.
Địa phương chủ động phát huy huy thế mạnh
Ông Trương Công Ngàn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), người được coi là đặt nền móng đầu tiên cho chương trình này chia sẻ, từ thực tiễn 3 năm triển khai của tỉnh Quảng Ninh cho thấy, đây là chương trình không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất, mà còn có ý nghĩa trong giải quyết những vấn đề quan trọng của nông thôn. Đó là giảm nghèo, việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng được những tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững, tăng khả năng sản xuất và tiêu thụ, tạo ra nhiều việc làm ổn định, đồng thời tăng thu nhập cho người dân địa phương... Sự xuất hiện các sản phẩm của làng, xã góp phần thu hút khách du lịch đông đảo hơn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Thực tế trong việc xây dựng nông thôn mới cho thấy, để đảm bảo phát triển nông thôn bền vững, vấn đề quan trọng hàng đầu là tổ chức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, việc triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng nông thôn mới cần gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở phát huy vai trò chủ động lựa chọn sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh của người dân nông thôn. Nhà nước có nhiệm vụ hỗ trợ, nhằm phát triển sản xuất và thương mại ngành nghề theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, lợi thế của địa phương”.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, sau 10 năm triển khai Nghị định 66 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, bên cạnh những thành quả nổi bật, vẫn còn tồn tại khá nhiều hạn chế như chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu mã bao bì còn lạc hậu, thủ công. Chưa chủ động được nguồn nguyên liệu nên chưa thể sản xuất hàng hóa lớn. Cơ sở hạ tầng nhiều làng nghề còn thiếu thốn, gây ô nhiễm môi trường.
Để khắc phục được những hạn chế trên, Bộ NN&PTNT vừa có tờ trình gửi Chính phủ chủ trương xây dựng Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030. Thông qua Chương trình sẽ thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, hạn chế di dân ra đô thị, bảo vệ môi trường và phát triển nông thôn bền vững.