CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:58

Quy tội thế nào nếu 'quan' nhận hối lộ bằng tình dục?

 

Ngoài quy định người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn đòi, nhận hối lộ bằng tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm… thì bị phạt tù từ 2-7 năm theo Điều 367, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), dự thảo lần này cũng quy định mức phạt tù như vậy đối với người nào nhận hối lộ bằng lợi ích phi vật chất. 

Hối lộ “chân dài” định giá thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, đây là một điểm rất mới trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam. Đó cũng là việc thực hiện Công ước về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên nêu rõ, hối lộ bây giờ không chỉ có tiền bạc mà còn hối lộ bằng thứ phi vật chất “chân ngắn, chân dài”.

“Đưa tội nhận hối lộ bằng “chân dài” vào Bộ luật Hình sự để xử lý là cần thiết. Tuy nhiên, khi xử lý hơi “vướng” vì khi nói đến hối lộ thì người ta thường nói giá trị là bao nhiêu tiền trở lên thì mức hình phạt là bao nhiêu. Còn trường hợp hối lộ “chân ngắn, chân dài” như thế thì không biết định giá bao nhiêu?. Nếu về mặt xét xử, của hối lộ phi vật chất bằng “chân ngắn, chân dài” hơi phức tạp khi tính toán để tăng nặng hình phạt”- ông Việt băn khoăn. 

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hóa xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hóa xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi chúng ta hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế nhiều thành phần, cuộc sống tốt hơn thì các loại tội phạm cũng tăng. Việc Bộ Luật Hình sự sửa phần lớn các điều khoản cũng thể hiện sự chuyển động của pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế. “Đối với các tội phạm mới nảy sinh, trong đó có tội nhận hối lộ bằng thứ phi vật chất, cần phải có chế tài xử phạt nghiêm và đủ tính răn đe”.

Cần quy tội “để xảy ra tham nhũng nhưng không xử lý”?

Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc Luật Hình sự với nhiều Điều, khoản như vậy là rất cần thiết. Sau Hiến pháp 2013 đặt ra rất nhiều vấn đề sửa đổi pháp luật, các hệ thống pháp luật của nước ta. Cùng với đó, việc Việt Nam hội nhập, tham gia vào các công ước quốc tế nên cần thiết phải sửa đổi Luật cho phù hợp. Việt Nam đổi mới thì xuất hiện rất nhiều tình huống liên quan đến thành tựu nhưng cũng có những mặt trái liên quan đến tội phạm.

“Điều tôi quan tâm là việc sửa đổi có đúng, có trúng không? Còn sửa đổi nhiều để phù hợp với yêu cầu thực tiễn là cần thiết. Trong bối cảnh của Việt Nam và thế giới hiện nay, sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này phải đặc biệt đến các tội phạm tham nhũng”- ông Lê Truyền nói.

Ông Lê Truyền cho rằng, tội tham nhũng, nhận hối lộ để “mua quan, bán chức” hiện nay đang là vấn đề gây nguy hiểm cho xã hội. Việc này diễn ra khá kín đáo, để “bắt quả tang” được là rất khó. Số vụ mà chúng ta phát hiện ra là quá nhỏ so với thực tế. Thậm chí nhiều vụ khi có thông tin, tất cả các ban ngành chức năng vào cuộc nhưng cuối cùng không tìm được chứng cứ. Việc “mua quan, bán chức” hiện nay không chỉ bằng vật chất mà còn bằng lợi ích phi vật chất, trong đó có việc hối lộ tình dục “chân ngắn, chân dài”.

Theo ông Lê Truyền, với loại tội phạm này, tài sản thu hồi kiểu gì là cũng là vấn đề đặt ra, quy hình phạt như thế nào cũng cần phải tính toán. “Nhưng cùng với các loại tội phạm trên thì cũng phải có quy định xử phạt hình sự tội môi giới để “mua quan, bán chức”, môi giới nhận hối lộ…”.

Giáo sư Trần Ngọc Đường, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đồng ý quan điểm hình sự hóa các tội phạm về tham nhũng nhưng tìm tội nào. “Tội mua chức, báo quyền cũng chính là tội hối lộ. Khi mua chức, anh sẽ định lượng được số tiền phải trả giá. Hành vi nào cần phải hình sự hóa trong tham nhũng cần phải cân nhắc. Chẳng hạn đã có quy định phải xử lý những người đứng đầu cơ quan khi để xảy ra tham nhũng lớn, nhưng trên thực tế chưa xử lý được ai? Nên chăng cần có quy định xử lý hành vi “để xảy ra tham nhũng nhưng không xử lý” và phải xử lý người đứng đầu đó như thế nào, xem người đó là tội phạm. Đó là hành vi mới chưa quy định trong Luật, nhưng cần suy nghĩ để đưa vào luật”.

Theo ông Hà Văn Núi, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, trong thảo luật chỉ quy định tội tham nhũng đối với những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng như thế là chưa hợp lý. “Đối với các tội tham nhũng thuộc khu vực ngoài Nhà nước cũng cần phải quy định các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, môi giới tài sản…. Ở các khu vực này, không cần chức vụ người ta vẫn có thể tham ô tài sản, nhận hối lộ, môi giới tài sản… Đây là tội chung chứ không chỉ có chức vụ mới phạm tội này. Bất cứ ai tham nhũng đều phải chịu tội như nhau”- ông Núi đề xuất./.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Cảnh báo bệnh tay chân miệng bùng phát mùa hè: cha mẹ cần biết gì?

Cảnh báo bệnh tay chân miệng bùng phát mùa hè: cha mẹ cần biết gì?

Tay chân miệng – cơn ác mộng mùa hè của bé yêu nhà bạn? Đừng chủ quan! Bệnh có thể biến chứng nguy hiểm chỉ trong tích tắc. Cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách...
5 tháng trước