Sự trưởng thành của học sinh là niềm vui của thầy cô
- Giáo dục nghề nghiệp
- 18:00 - 19/11/2015
Các em học sinh khuyết tật hát Quốc ca bằng ký hiệu trong giờ chào cờ đầu tuần.
Dạy học là đam mê
Ông Phan Bùi Hải, Giám đốc trung tâm, dẫn chúng tôi vào thăm phòng truyền thống của trường. Tại đây có rất nhiều bằng khen, giấy khen, huân,huy chương... Nhưng cái mà thầy cô ở Trung tâm và ông Hải vui sướng nhất là tình cảm của các em học sinh và sự trưởng thành, thành công của các em. Ông Hải hồ hởi: “Vui chú ạ, mình mang đến cho các em được ít kiến thức, kỹ năng sống mình sướng lắm”.
Dạy học là một nghề khó. Dạy những người bình thường đã khó, dạy những em nhỏ không may mắn đã khiếm khuyết một phần cơ thể mình lại muôn vàn khó khăn. Thế nhưng từ mái trường này nhiều em học sinh đã trưởng thành, nhiều người trở thành ông chủ, lập gia đình, công ty và đã quay lại giúp đỡ những hoàn cảnh như mình.
Trung tâm GD – DN người khuyết tật Nghệ An đóng trên địa bàn xóm 8, xã Nghi Phú, TP. Vinh, Trung tâm có 234 em học sinh trong đó 154 em ở nội trú. Đối tượng học sinh được chia thành 3 nhóm: Nhóm tật khiếm thính 120 em, tật vận động 30 em, chậm phát triển trí tuệ 84 em. Độ tuổi các em từ 6 – 25 tuổi, các em đến từ các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Mặc dù nhận được nhiều sự quan tâm của các sở, ban, ngành, các tổ chức, cá nhân từ Trung ương đến địa phương, nhưng với tính chất đặc thù của giáo dục đối tượng đặc biệt. Chúng tôi cũng cảm nhận được những khó khăn, vất vả của các thầy giáo, cô giáo trong việc quản lý, giáo dục các em cả về đạo đức cũng như kiến thức và tay nghề để trang bị cho các em sau này bước vào đời.
Với bộ máy bao gồm 44 cán bộ, giáo viên trong đó có 26 giáo viên bao gồm cả giáo viên văn hóa và giáo viên dạy nghề. Thầy cô giáo ở Trung tâm, tận tình, tận tâm dạy dỗ, bảo ban các em. Ngoài ra nhà trường còn tổ chức các hoạt động như Thi đồ dùng dạy học tự làm, dự giờ, thao giảng, cử giáo viên đi tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ sư phạm để phục vụ tốt hơn cho việc dạy học.
Các em học sinh khuyết tật trong giờ thể dục.
Cơ sở vật chất bước đầu được đầu tư, có nhà đa chức năng và phòng học mới. Tuy nhiên xưởng thực hành thì xuống cấp chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của các em. Xưởng mộc chưa được đầu tư, thực chất là một phòng thực hành các em muốn thực hành nhóm thì cả thẩy trò phải kéo nhau ra ngoài sân để thực hành. Mùa mùa hè thì nắng cháy đầu, mùa đông thì gió lạnh thấu xương, những hôm trời mưa các em phải nghỉ thực hành. Thế nhưng sự trưởng thành của các em học sinh đã xóa đi hết mọi mệt nhọc, tiếp sức cho thầy cô đam mê hơn trong sự nghiệp trồng người.
Thành công của học sinh là niềm vui của thầy cô
Cô Nguyễn Thị Liễu, người đã gắn bó với Trung tâm hơn hai mươi năm nay, tâm sự: “Đối với các em học sinh khuyết tật việc soạn giáo án của các thầy cô cũng hết sức khó khăn, đồ dùng dạy học ở một số bài học chưa đáp ứng được yêu cầu. Dù vậy chúng tôi cũng đã rất nỗ lực để mang đến cho các em những điều kiện tốt nhất để học tập và vượt qua chính mình”.
Khó khăn lớn nhất với các thầy cô giáo ở Trung tâm là các em học sinh mới vào chưa hiểu hết ký hiệu ngôn ngữ. Đặc biệt là các em khuyết tật ở vùng sâu vùng xa chưa được tiếp cận nhiều thông tin. Giáo viên phải gặp từng em khuyến khích, động viên hòa nhập với những người vào trước.
Điều trăn trở nhất mà từ lãnh đạo đến các cán bộ giáo viên của Trung tâm là chất lượng cuộc sống của các em. Tiền ăn của các em trung bình một ngày khoảng 16.700 đồng/em/ ngày, chưa kể các khoản như dầu mỡ, mắm muối... Trong khi giá cả ngày càng tăng cao. Đa phần các em ở đây là con nhà nghèo, bố mẹ khó khăn nên không chu cấp được mấy. Vì vậy các em ai cũng còi cọc, gầy yếu.
Vào những ngày mùa đông các em phải chống chọi với cái lạnh thấu xương, những hôm nhiệt độ xuống dưới 10 độ thì quá khó khăn. Phòng tắm không có hệ thống nóng lạnh, phòng ở cũng không có sưởi ấm. Nhất là với các em có tật vận động cuộc sống lại càng thêm khó khăn.
Thầy giáo Phan Thanh Hải, Trưởng phòng văn hóa, cho biết: “Khó khăn thì nhiều, nhưng chúng tôi vui vì các em sau khi ra trường đã tự mình nuôi sống bản thân, gia đình, thậm chí còn giúp đỡ được những người khó khăn hơn mình”.
Trong thời gian tới Trung tâm tiếp tục tuyển sinh, giáo dục, đào tạo nghề phục hồi chức năng, nâng cao hiệu quả chất lượng và dạy nghề. Xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên chất lượng, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, sử dụng các phương tiện thiết bị đồ dùng dạy học có hiệu quả.
Các thầy cô tại trung tâm luôn được cập nhật những phương pháp giáo dục mới nhất, hiệu quả nhất để phù hợp với điều kiện giảng dạy. Ngoài niềm đam mê và tình thương với các em học sinh, các giáo viên đã không ngừng học hỏi, tìm tòi vận dụng những phương pháp mới nhất phù hợp với môi trường và hoàn cảnh của các em.