THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:08

Sống với mặt nạ tuồng cổ

Ông “Bảy mặt nạ” bên chiếc xe đạp cà tàng rong ruỗi mưu sinh.

Khi nghề kén người đam mê

Kể về niềm đam mê nghệ thuật hát bội, ông Nguyễn Đức Duy, sinh trưởng tại vùng An Hòa (huyện An Lão, Bình Định) cho biết, hơn trăm năm nay Bình Định được biết đến như một thủ phủ của sân khấu hát tuồng ở Việt Nam, nơi sinh ra và lưu danh nhà soạn tuồng nổi tiếng Đào Tấn (1845 - 1907). Thuở còn bé, ông thường trốn nhà đi xem hát bội tại các đình làng trong vùng, mặc dù nhiều lần chịu đòn roi của cha nhưng vẫn không chừa. Ấn tượng để lại trong ông sau mỗi lần xem hát bội là điệu bộ, sắc diện xuất thần của các kép tuồng trong hình tượng Quan Công, Tào Tháo, Lưu Bị, Trịnh Ân, Tiết Cương...

Năm 1992, ông Duy khăn gói đi vào Sài Gòn lập nghiệp. Sau một thời gian thử sức với các nghề khác nhau, cuối cùng ông quyết định làm mặt nạ tuồng. Nói về quyết định của 20 năm về trước, ông Bảy tâm sự: “Sở dĩ  tôi chọn nghề này  vì 2 mục đích, thứ nhất là muốn duy trì cuộc sống mưu sinh, thứ hai mong muốn gìn giữ một phần nào đó “cái hồn” trong sân khấu tuồng cổ”. 

“Bảo tàng đi động” của ông Bảy.

Chăm chút từng nét vẽ

Ông Duy cho biết, để làm được một chiếc mặt nạ hoàn chỉnh có thần sắc, quy trình chế tác phải trải qua 3 công đoạn cơ bản.

Công đoạn đầu tiên phải tạo hình khối bằng đất sét, đây được xem là khâu cơ bản và rất quan trọng bởi nếu hình khối không có những nét đặc trưng của một nhân vật sẽ không có chiếc mặt nạ thẩm mỹ.

Khi hình khối đã chuẩn về mặt kỹ thuật cũng như thẩm mỹ, công việc kế tiếp là đúc mặt nạ bằng khuôn thạch cao hoặc silicon. Ở công đoạn này đòi hỏi người đúc phải thao tác đều tay, để mặt nạ thô (chất liệu bột đá poly) sau khi đúc phải trơn láng và đều đặn.

Sau khi mặt nạ thô đã được phơi khô và chà nhám cho mịn, tiếp đến khâu cuối là vẽ trang trí trên khuôn mặt.

Trao đổi về kỹ thuật vẽ, ông Duy cho rằng: “Để một tác phẩm hoàn chỉnh về mặt thẩm mỹ, khâu vẽ cực kỳ quan trọng. Khác với tranh thông thường, vẽ mặt nạ đòi hỏi năng khiếu, sự rèn luyện lâu năm để tay vẽ thuận cả hai mặt trái phải. Tất cả các nét vẽ phải dứt khoát, đối xứng ở cả hai bên mặt theo trục thẳng đứng trừ trán chạy dọc sống mũi rồi đến cằm. Sau khi hoàn chỉnh một nửa khuôn mặt ở bên trái, tiếp đến mới vẽ bên phải. Ngoài ra, người vẽ phải có kiến thức sâu về tuồng cổ, hiểu rõ nhân vật để từ đó có những nét vẽ nêu bật được cá tính. Như vẽ các bậc trung quân nụ cười phải nhân hậu, ánh mắt sắc bén có thần thái, tạo nên sự trìu mến đầy thiện cảm.  Đối với kẻ gian thần, nét vẽ sao cho lộ rõ ánh mắt lấm lét, miệng cong cớn đầy chua ngoa...

Hình khối đất sét để làm khuôn đúc lăn lóc đầy sàn nhà.

Điều khá ngạc nhiên là ông Duy nắm rất vững các quy trình sản xuất mặt nạ nhưng lại là một người tay ngang, bởi ông chưa hề học qua trường lớp dạy về làm mặt nạ bộ môn hát bội. Nhớ những ngày đầu vào nghề, ông Duy tâm sự: “ Hồi mới khởi nghiệp tôi gặp không ít khó khăn về kỹ thuật, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa học hỏi từ sách vở liên quan đến hát bội. Dần dần tay nghề cũng được nâng lên, khách hàng vì thế cũng biết mình nhiều hơn.”

Lam lũ nuôi đam mê

Căn hộ thuê chưa đầy 16 m2 ở cư xá Lam Sơn (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) là nơi làm việc và tá túc của gia đình ông, khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Rất nhiều khuôn đúc, bột đá nằm lăn lóc trên sàn nhà, trong một không gian chật hẹp nồng nặc mùi sơn.

Hàng ngày sau giờ rong ruổi bán hàng, từ chập tối đến hơn nửa đêm là khoảng thời gian ông tập trung vào việc chế tác mặt nạ.

Nói về cuộc mưu sinh, phì phèo điếu thuốc Khánh Hội ông tâm sự: “Là thu nhập chính trong gia đình, vì vậy tui cày cả ngày lẫn đêm, mong sao đủ tiền cho hai đứa nhỏ ăn học. Trung bình mỗi mặt nạ có giá dao động từ 200 đến 400.000  đồng tùy theo chất liệu cũng như công chế tác, trừ tất cả chi phí cũng kiếm được 80 đến 100.000 đồng. Có hôm may mắn tôi bán được 3 - 4 cái, cũng có hôm không được cái nào, tuy buồn nhưng không nản. Xác định sống với đam mê tui cũng thừa hiểu, khách hàng tìm mua mặt nạ có giới hạn, đa phần chỉ là sinh viên mỹ thuật, thế hệ có tuổi đam mê tuồng cổ hay du khách nước ngoài hiếu kỳ…”

Phút thư giãn của ông “Bảy mặt nạ” sau những giờ tập trung làm việc.

Ngày nay hát bội không còn nhiều người ái mộ, lâu lắm mới thấy xuất hiện trong các dịp lễ cúng đình. Thế nhưng giữa đất Sài Gòn, ông “Bảy mặt nạ” vẫn thế, vẫn cứ cọt kẹt với cái “bảo tàng di động” trên khắp nẻo đường.

Đào Hùng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh