Mưu sinh trong lòng hồ Trị An
- Dược liệu
- 14:48 - 25/02/2015
Nhọc nhằn mưu sinh
Khu vực lòng hồ Trị An thuộc địa bàn ấp 4 có khoảng 100 hộ sinh sống bằng nghề nuôi cá lồng, chủ yếu là bà con Việt kiều trở về từ Campuchia. Đi đến đâu chúng tôi cũng nghe những lời ca thán về chuyện nguồn nước ô nhiễm và tôm cá ngày càng khan hiếm.
6 giờ sáng, mặt hồ còn bảng lảng khói sương, anh em nhà họ Dương là Lâm và Sơn đã rủ tôi xuống thuyền đi giăng lưới. Lâm khoảng 14 tuổi, hai chân khua mái chèo điệu nghệ luồn lách qua những đám lau, mai dương, điên điển, đôi tay thoăn thoắt thả lưới.
Sơn kém anh 4 tuổi, ngồi nối lưới trao cho anh. Mất 1 giờ, đi xa bè chừng 2km, chúng tôi mới rải xong 500m lưới tơ. Trở về bè dọn dẹp, nghỉ ngơi, 3 giờ sau chúng tôi đi gỡ lưới.
Chỉ được một mớ cá diếc, thiểu, mè ranh, chõn, cá lau kính... lòng tòng dưới đáy khoang thuyền. Số cá vụn ấy, phần lấy kéo cắt nhỏ cho cá lăng ăn, phần cho vào máy xay nhuyễn cho cá lóc con tạp.
Gia đình anh Dương Văn Út, bố của Lâm và Sơn, từ Siem Reap, Campuchia về đóng bè sinh sống và nuôi cá trên hồ Trị An từ năm 1996. Với hai bè cá, mỗi ngày, 4 thành viên trong gia đình phải thay nhau đi chèo chống khắp một vùng hồ; lớn thì chạy ghe dầu đi cào, nhỏ thì giăng lưới tơ.
Cá lớn thì bán đổi gạo, rau, mắm, muối..., cá vụn thì để làm mồi cho hơn 1.000 con cá lăng nuôi. Đi từ sáng, chúng tôi chỉ kiếm được 3kg cá vụn, ăn không đủ no nên bầy cá quẫy, táp lục sục dưới bè.
Giọng anh Út rầu rầu: “Mỗi ngày phải 30kg cá vụn mới đủ làm mồi cho chúng. Nhưng bây giờ khó khăn quá, ngày nào giỏi lắm mới kiếm được phân nửa”. Thiếu mồi nên lẽ ra chỉ 10 tháng là cá bán được, nhưng bây giờ phải 12 tháng mới đủ lớn để xuất bán.
Cách bè nhà anh Út 15 phút chèo thuyền, là cụm bè của gia đình ông Nguyễn Văn Nga. Năm 2005, ông Nga dắt vợ và 5 con từ Siem Reap về hồ Trị An. Mua lại cái bè với giá 4 triệu đồng, nuôi cá lăng nha, cá lóc.
Nhân lực đông, tôm cá cũng nhiều nên chỉ 3 năm sau ông đã dần dần đóng riêng cho mỗi cậu con trai một bè. Với dân xóm bè, ông Nga được nhắc đến như một gia đình thành đạt. Hai cô con gái đã lên bờ đi học rồi làm ăn tại TP. Hồ Chí Minh.
Đầu năm 2009 từ tiền hai cô con gái báo hiếu gửi về, cùng tiền bán cá ky cóp nhiều năm, ông bà đã mua được một nền đất trị giá cả trăm triệu đồng. Hiện tại, vợ chồng ông đã dựng nhà trên mảnh đất hơn ba sào và chí thú với nghề trồng xoài, ba bè cá giao lại cho gia đình ba anh con trai.
Mới mười tuổi trẻ em ở các gia đình nuôi cá lồng đã biết chèo thuyền thả lưới.
Từ năm 2008, ngoài cá lăng nha và cá lóc, ông đầu tư nuôi thêm cua đinh. Ông Nga cho biết: “Mua 5.000đ một con giống, thức ăn thiếu nên nuôi hơn hai năm rồi mới được hơn 1kg/con. Nước từ sông Đồng Nai đổ về ô nhiễm quá, nên từ 500 con thả lúc đầu, giờ chỉ còn hơn 100 con”.
Cách đó chừng hai chục mái chèo, Phương- cậu con trai thứ của ông Nga đang đằm mình lấy những miếng cao su bịt kín bè để phòng nước ô nhiễm bất thần đổ về làm chết cua đinh. Phương than ngắn thở dài: “Giờ làm ăn khó quá. Năm rồi thu được 30 triệu đồng thì tiền dầu chạy ghe cào đã mất một nửa”. Theo ông Nga, năm nhiều đánh bắt cá, lãi được 7 triệu đồng, ít chỉ tầm 2-3 triệu đồng, mua rau gạo đắp đổi qua ngày.
Tận diệt nguồn lợi thủy sản
Người nuôi cá lồng trên hồ Trị An đang phải đối mặt với những khó khăn bởi hồ rộng lớn đang bị nhiều hộ dân dùng cọc, lưới bao che chắn lại tạo thành từng ô, khoảnh rộng cát cứ nuôi thủy sản.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những “lãnh địa” bị chiếm hữu này là tài sản có “chủ quyền”, bất khả xâm phạm. Vào mùa khô, khi nước rút cạn, các đối tượng này cho đóng cọc, quây lưới.
Lúc đầu, lưới, cọc hạ dính thấp trực tiếp gần đáy, khi mực nước cao lên dần vào mùa mưa cũng là lúc cá trong tự nhiên đến mùa vào bờ sinh sản, lưới được kéo lên cao, nhốt tất cả cá lớn, nhỏ vào bên trong.
Khi mùa khô đến, mực nước cạn, lúc này họ chỉ việc thu gom lượng cá khổng lồ, thu lợi lớn mà không phải mất công nuôi.
Người dân nuôi cá lồng khu vực lòng hồ Trị An, ấp 4, xã La Ngà (huyện Định Quán, Đồng Nai).
Hồ Trị An rộng 323km2, trải dài trên địa bàn các huyện Định Quán, Vĩnh Cửu, Tân Phú, Thống Nhất... Cơ quan kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cho biết, từ khi hồ Trị An được giao về cho khu bảo tồn quản lý, khu vực lòng hồ có 2 đội kiểm lâm phụ trách kiểm tra.
Tuy nhiên do lực lượng mỏng, diện tích mặt hồ rộng, do đó việc kiểm tra xử lý gặp nhiều khó khăn. Mặc dù thời gian gần đây lực lượng kiểm lâm đã ra nhiều quyết định xử phạt hành chính đối với các đối tượng làm đăng chắn ở lòng hồ, tuy nhiên những đối tượng này vẫn ngoan cố và không chấp hành việc tháo dỡ bửng chắn.
Khu vực bị “phân lô” xí phần nhiều nhất là mặt nước hồ ở phía xã La Ngà, huyện Định Quán.
Lợi dụng địa hình rộng lớn, cộng với sự lơ là, chồng chéo trong quản lý của cơ quan chức năng, các “đại gia” nuôi cá móc nối với nhau, ngang nhiên “làm ăn lớn”. Khi mặt hồ đã được xẻ ra từng khoảng, trên mặt nước chi chít cọc, lưới và chòi canh của các “chủ ao” thì cơ quan chức năng có mặt cũng... không làm gì được vì không có đủ quy định, chế tài xử lý.
Thậm chí, các “chủ ao” còn thuê tay chân thân tín canh chừng, thấy có người lạ xuất hiện là lập tức tỏ thái độ hăm dọa. Với trách nhiệm của mình, Khu bảo tồn đã kiểm tra, cảnh cáo và xử phạt hành chính hơn chục trường hợp, nhưng rồi “đâu lại vào đó”, thậm chí vấp phải sự chống đối quyết liệt.
Theo tìm hiểu, có 29 hộ dân là “chủ chính” của những diện tích lòng hồ chiếm giữ trái phép. Một ngư dân cho biết: “Chỉ những người có tiền và thế lực mới đủ điều kiện đầu tư được như vậy. Còn cả ngàn hộ dân nghèo sinh sống bằng nghề đánh bắt thì bị thiệt thòi”.
Theo ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, việc xâm chiếm cả vùng rộng lớn lòng hồ khiến môi trường nước bị đe dọa, nguồn thủy sản tự nhiên cạn kiệt dần, gần 1.500 hộ dân ký hợp đồng được phép đánh bắt mưu sinh trên lòng hồ, đang phải đối mặt với khó khăn.
Đây là hành vi vi phạm quy định bảo vệ lòng hồ, làm ảnh hưởng đến an toàn, gây ô nhiễm, mất trật tự, mỹ quan, tận diệt các loài thủy sản, thủy sinh, ảnh hưởng trực tiếp hàng ngàn ngư dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên lòng hồ.
Khu bảo tồn vùng đất ngập nước nội địa Trị An, Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên di tích Vĩnh Cửu là ba vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được UNESCO công nhận "Khu dự trữ sinh quyển thế giới" năm 2011. Tổng diện tích của Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai trên 100.000 ha, gồm 67.903 ha đất lâm nghiệp và hơn 32.000 ha đất mặt nước hồ Trị An. |