THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:08

Sống khỏe với nón lá Trường Giang

 

Sức sống ở một làng nghề

Cũng như bao chiếc nón truyền thống khác của Việt Nam, chiếc nón Trường Giang được xem như một thứ phục trang luôn gắn bó với người phụ nữ. Những thiếu nữ khi đến tuổi cập kê thường có trong tay nghề làm nón, khi lấy chồng mang theo và phát triển nghề. Tương truyền rằng nghề sản xuất nón lá Trường Giang được du nhập vào làng Tuy Hòa từ năm 1867, rồi tới Yên Lai và phát triển phổ biến ở các làng, các xã lân cận trong vùng như Trường Trung, Trường Sơn, Trường Minh...

Những chiếc nón lá được làm cầu kỳ, tỉ mỉ

Trước đây, nghề làm nón lá ở xã Trường Giang được xem là nghề phụ, bởi giá trị thu nhập thấp, người dân tranh thủ làm nón lúc nông nhàn chưa có sự đầu tư công sức và tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ năm 2000 trở lại đây, do nhu cầu của thị trường, trong lúc không ít nghề truyền thống ngày càng bị mai một thì nghề làm nón lá ở xã Trường Giang vẫn tiếp tục phát triển, giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo và có cuộc sống khá giả.       

Nón lá ở Trường Giang được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau nhưng chủ yếu bằng lá cọ, lá dừa nước. Những chiếc lá xanh, vàng nhăn nheo sau khi cắt về được phơi, ủ, hơ qua lửa cho bền, là phẳng, đốt diêm sinh hơ cho lá trắng ra được những người thợ cất giữ cẩn thận. Chiếc nón hoàn chỉnh trải qua 4 công đoạn: Làm vành, làm lá, may lá, hoàn chỉnh nón.

Nguyên vật liệu làm nón được lựa chọn kỹ càng

 Từ những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân những thanh tre được chuốt nhẵn rồi uốn thành vòng tròn có đường kính to nhỏ khác nhau thành những vành nón. Vành nón to có đường kính đến 50cm, cái tiếp theo nhỏ dần, có đến 16 vòng khác nhau, vòng nhỏ nhất cũng chỉ bằng đồng xu. Tất cả được xếp lên một khuôn hình chóp.

Những chiếc lá sau khi qua công đoạn làm trắng được những người thợ thủ công cẩn thận lựa chọn từng chiếc lá, là cho phẳng rồi cắt chéo đầu. Những sâu lá chừng 24-25 chiếc được xếp đều trên khuôn với khung nón rồi khâu. Đây là công đoạn quan trọng nhất, đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo để đường kim thẳng đều, mềm mại theo độ cong của vành nón. Cẩn thận hơn những người thợ thủ công còn dùng chỉ màu khâu, thêu hoa văn hay trang trí trong lòng nón bằng những giải lụa mềm mại, đủ màu sắc càng làm tôn thêm vẻ đẹp khuôn mặt của các cô gái dưới vành nón...

Nón lá sau khi hoàn tất được quét một lớp dầu bóng bằng nhựa thông pha cồn, để tăng độ bóng, độ bền, chống thấm nước rồi mới đưa ra chợ bán. Trung bình mỗi lao động làm được 2-3 chiếc/ngày, thợ lành nghề 5-7 chiếc nón. Bình quân mỗi chiếc nón có giá 20.000-40.000 đồng, nếu nón làm đẹp, khâu hoa văn tỷ mỷ, chất lượng tốt thì giá có thể cao hơn...

Hướng thoát nghèo bền vững

Hiện ở xã Trường Giang có hơn 1.400 hộ, trên 6.600 nhân khẩu thì có gần 1.000 cơ sở làm nón lớn, nhỏ. Mỗi năm đưa ra thị trường trên 1,5 triệu sản phẩm chủ yếu ở các thị trường nội địa, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho hơn 85% lao động nông thôn. Doanh thu từ làm nón, chiếu đạt hàng chục tỷ đồng, đây là một trong những nguồn thu chủ yếu của địa phương.

Không đòi hỏi nhiều công sức, lại tận dụng được thời gian.

Để phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương, chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nhằm thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo của xã, năm 2009, UBND xã cũng đã tổ chức cho 12 thợ lành  nghề đi học làm nón Huế nhằm thay đổi mẫu mã, phấn đấu xây dựng thương hiệu nón lá Trường Giang. Sau 1 tháng học nghề số thợ này về đã truyền đạt lại kinh nghiệm sản xuất cho bà con, lao động trong xã từng bước thu ngắn công đoạn sản xuất, họa tiết tinh sảo, hoa văn trang trí ngày càng đẹp mà giá trị thì cao hơn.

Tuy nhiên, quá trình sản xuất nón lá ở Trường Giang vẫn chưa tập trung, không có tổ chức hầu hết là kinh doanh cá thể, hộ gia đình. Một số hộ đã hình thành sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, tổ chức hàng trăm lao động có việc làm từ khâu cung ứng vật liệu đến tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm làm ra vẫn chưa có kiểm soát kỹ thuật và mỹ thuật nên chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế; quy trình quản lý từ khâu nguyên liệu đến tiêu thụ chưa định hình và thống nhất; việc tiêu thụ sản phẩm còn mang tính tự túc, tự phát nên giá trị thực sự của sản phẩm vẫn chưa cao...

Trở thành nghề chính giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, làm giàu

Vừa cẩn thận đưa những đường kim, mũi chỉ vừa tiếp chuyện chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thơ, một trong những hộ sản xuất nón ở thôn 3 cho biết: "Ngoài thời gian làm đồng vào các ngày mùa, thời gian còn lại cả hai vợ chồng tôi đều làm nón. Ở trong thôn đa phần hộ nào cũng làm nón, những đứa trẻ 9-10 tuổi đã học và thạo nghề. Mỗi ngày tôi làm được 2-3 cái, trừ chi phí bán ra lời gần 100 ngàn, công việc thì nhẹ nhàng mà tận dụng tối đa được thời gian và sức lao động. Tháng nào ít tôi cũng kiếm trên 1 triệu đồng, cả hai vợ chồng cùng làm tính ra cũng đủ chi tiêu. Nón làm ra đến đâu thương lái ngoài thành phố Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định...tới thu mua đến đó, bữa nào mưa thương lái không đến thì tôi mang ra chợ nhập tuy có rẻ hơn chút nhưng vẫn không có đủ hàng để bán".         

Để từng bước nâng cao hiệu quả làng nghề, đưa nghề làm nón trở thành hướng thoát nghèo bền vững, ông Nguyễn Văn Lân, Phó chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho hay: "Hiện tại chúng tôi đã ký kết hợp đồng với Sở KH&CN và đang từng bước xây dựng dự án Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Nón lá Trường Giang” cho sản phẩm Nón lá huyện Nông Cống và bảo vệ thành công thương hiệu cấp Quốc gia cho “Nón lá Trường Giang”. Đây là 1 trong 5 dự án thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2012-2015, tỉnh Thanh Hóa thực hiện trong 3 năm (2013-2015). Mục tiêu nhằm xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể nón lá Trường Giang. Quản lý và khai thác có hiệu quả nhãn hiệu tập thể, nhằm mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ của nón lá. Thiết lập được cơ chế bảo hộ, quản lý và phát triển đối với nhãn hiệu tập thể “Nón lá Trường Giang”, nâng cao danh tiếng, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; góp phần giải quyết công ăn việc làm ổn định, đảm bảo đời sống và tăng thu nhập cho các hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nón lá trên địa bàn huyện".

Đề án thực hiện hoàn thành Trường Giang không chỉ biết đến là làng nghề mà sẽ là điểm du lịch làng nghề lý tưởng trong tua du lịch đi Bến En và các di tích lịch sử, văn hóa khác.

               

Anh Tuấn

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh