THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:06

Nông dân làm giàu từ trang trại

“Thủ phủ” bò sữa       

Theo con số thống kê của Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh tổng số đàn bò sữa toàn thành phố khoảng 100.000 con, với hơn 8.500 hộ nuôi, trong đó huyện Củ Chi có số lượng đàn bò lên tới 60.000 con và được mệnh danh là “thủ phủ” bò sữa. Hầu hết những trang trại nuôi bò sữa của Củ Chi được nuôi tập trung ở các xã: Tân Thạnh Đông, An Phú, An Nhơn, An Nhơn Tây, Phạm Văn Cội, Tân Thạnh Tây, Phước Vĩnh An...

Đây là những địa phương cung cấp nguồn sữa chủ yếu cho các công ty sữa lớn và uy tín về thương hiệu ở Việt Nam hiện nay như: VinaMilk, Duteh lady. Hầu hết chủ trang trại nuôi bò sữa ở Củ Chi là những người nông dân, họ từng một thời lam lũ với  “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn không thoát cảnh nghèo khó.

Một trang trại bò sữa.

Một trang trại bò sữa.

Khoảng 10 năm trở lại đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, được sự giúp đỡ hỗ trợ về mọi mặt của chính quyền địa phương, Hội Nông dân, họ đã kịp thời xoay chuyển cách làm ăn theo định hướng phát triển nông nghiệp đô thị.

Vốn là những nông dân với bản tính cần cù chịu khó, ham học hỏi, biết vận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuận vào quy trình chăn nuôi bò sữa, nên họ đã thành công và vươn lên thành những chủ trang trại với quy mô tuy không lớn, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ những người nông dân nghèo năm xưa, hiện nhiều người trong số họ đã trở thành những “triệu phú bò sữa” với thu nhập từ 500 triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Một số nông dân cho biết, với giá khoảng 13.000 đồng/kg sữa bò tươi như hiện nay, nếu một nông hộ nuôi 10 con bò sữa, sẽ đạt lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng/năm. Hiện nay để đảm bảo chất lượng sữa bò theo yêu cầu của đơn vị thu mua, nông dân đã ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi, chăm sóc đàn bò từ khâu trồng cỏ sạch, phòng chống dịch bệnh, đến việc vắt sữa bằng máy...

Nhờ lựa chọn giống bò tốt, chăm sóc đúng kỹ thuật, năng suất sữa theo chu kỳ của một con bò ngày càng tăng và đảm bảo chất lượng cao. Trước đây một con bò chỉ đạt khoảng từ 3, 5 – 4 tấn sữa/chu kỳ, hiện đã đạt khoảng 5,5 – 6 tấn sữa/chu kỳ.

Hoa lan nở trên vùng “đất thép”

Một lãnh đạo Hội Nông dân xã Tân Phú Trung cho biết, Củ Chi bây giờ không chỉ nổi danh là “thủ phủ” bò sữa, mà còn nổi tiếng bởi đã và đang hình thành những trang trại hoa lan, cây cảnh lớn nhất TP. Hồ Chí Minh.

Một góc trang trại hoa lan ở huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.Một góc trang trại hoa lan ở huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.

Cùng thời điểm nhiều nông dân hưởng ứng thực hiện mô hình nuôi bò sữa, thì một số nông dân khác vì quỹ đất hạn chế và đồng vốn ít nên mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lan cắt cành. Từ đó mô hình trồng lan cắt cành thực sự mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp và có sức lan toả rộng rãi ở địa phương.

Đến nay, sau khoảng 10 năm hình thành và phát triển mô hình trồng lan cắt cành đã tạo cơ hội cho nhiều nông hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu, với quy mô từ vài ngàn mét vuông đến vài ha, lợi nhuận đạt từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm. Những trang trại trồng lan cắt cành tập trung nhiều ở các xã: Tân Phú Trung, Tân Thông Hội và Phạm Văn Cội với nhiều giống lan quý được nhập khẩu từ Thái Lan như:

Makara, Dendro bi um, Aranda, Kara Wara... Đây là những giống lan rất hợp với khí hậu và thổ những của vùng “đất thép” Củ Chi nên sinh trưởng tốt. Theo một số nông dân, nếu nắm bắt được kỹ thuật thì trồng lan cắt cành không khó, chỉ sau 6 tháng xuống giống đã có thể cắt cành bán hoa.

Khi cây sinh trưởng được khoảng 5 năm, với chiều cao khoảng 2 m bắt đầu cho hạ độ cao để cây mẹ nảy mầm phát triển thành những cây con. Cây con này bán cho những nông hộ mua lan giống cũng là nguồn thu nhập đáng kể, hoặc giữ lại để phát triển mở rộng diện tích trồng mới cho trang trại. Trong khi đó, cây lan mẹ vẫn sinh trưởng tốt và tiếp tục cho hoa bình thường.

Các trang trại trồng lan ở Củ Chi hiện nay hầu hết được thiết kế hiện đại, với hệ thống tưới phun nước tự động hóa hoàn toàn. Ông Nguyễn Mạnh Khải, chủ trang trại lan rộng 2 ha, với khoảng 30.000 gốc lan Dendro bium và 50.000 gốc lan makara khẳng định: Trồng lan theo hướng hàng hóa như hiện nay ở Củ Chi là một hướng làm nông nghiệp đô thị đầy triển vọng.

Thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam nhu cầu về hoa, trong đó có hoa lan các loại là rất lớn, bằng chứng là dịp Tết Ất Mùi vừa qua, nhiều trang trại hoa lan “cháy hàng”, lượng hoa “cung” không đáp ứng “cầu”.

Lương Định

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh