CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:14

Sớm tăng lương tối thiểu để bảo đảm mức sống của người lao động

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu.

Ngày 1/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; tổng kết thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ Nghị quyết 42.

Phiên thảo luận của Quốc hội được truyền hình trực tiếp trên kênh  để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi.

Cần có biện pháp thực hiện ngay lộ trình cải cách tiền lương

Quan tâm đến vấn đề tiền lương, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) nêu, cử tri cho rằng một trong những giải pháp hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực với cán bộ công chức, viên chức, là thu nhập phải đảm bảo cuộc sống. 

“Thu nhập chính từ lương hàng tháng hiện nay thấp, đã và đang bào mòn liêm sỉ, nhân phẩm và lòng tự trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức”, vì thế đại biểu Phương kiến nghị cần nhanh chóng có biện pháp hữu hiệu thực hiện ngay lộ trình cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người lao động. 

“Cần nhận thức rằng, đây là khoản đầu tư nguồn lực con người, đầu tư cho sự phát triển, là nguồn lực nội sinh quan trọng, là động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội ở nước ta”, ông nhấn mạnh.

Chung quan điểm, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đánh giá cao trong thời gian qua Đảng, Nhà nước và xã hội đã có nhiều chính sách hỗ trợ công nhân lao động khó khăn trong và sau đại dịch.

Trong 2 năm, 2020 và 2021 để chia sẻ khó khăn với cộng đồng DN và nền kinh tế, lương tối thiểu của người lao động không tăng từ ngày 1/7/2022 theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia, mức lương tối thiểu này sẽ được tăng thêm 6%.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng giá tiêu dùng trong thời gian vừa qua thì thực tiễn là người lao động giờ đây không chỉ phải làm thêm giờ mà phải làm thêm việc, nhiều người lao động sau thời giờ làm công việc chính thức phải làm thêm công việc khác tại nơi làm việc khác với số giờ làm việc dài, vắt kiệt sức khỏe và vượt ra khỏi sự kiểm soát của cơ quan nhà nước.

Do đó, đại biểu mong Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu năm 2023 để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Người lao động cần được chia sẻ khó khăn

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cho rằng người lao động ủng hộ, đón chờ quyết định việc tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022 tới. Họ cho rằng, trong thời gian qua người lao động đã chia sẻ rất nhiều với doanh nghiệp, nhất là trong thời gian dịch bệnh, họ phải làm việc 3 tại chỗ, đồng ý tăng thời giờ làm thêm.

Đại biểu phân tích, trước năm 2020, theo thông lệ, việc tăng lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ ngày 1/1 hàng năm, tiền lương tối thiểu của người lao động thường được tăng mỗi năm từ 5-7% nhưng trong 2 năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của COVID-19 tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, tiền lương tối thiểu vùng đã không tăng, thu nhập giảm, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn.

“Vì thế, đến thời điểm này, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá đang tăng. Trong bối cảnh đó, việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 là đúng đắn và cần thiết”, bà Xuân nói và chia sẻ, tuy DN sẽ gặp khó khăn trong việc tăng chi phí tiền lương, nhưng việc tăng lương tối thiểu không chỉ cho người lao động mà chính là giúp DN có thêm động lực để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, giúp giữ chân lao động ở lại DN.

Đồng thời, nữ đại biểu đoàn Đắk Lắk nhấn mạnh, tăng lương tối thiểu kịp thời lúc người lao động đang khó khăn thể hiện tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta là tăng trưởng kinh tế gắn với duy trì và nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

“Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu đối với người lao động theo hợp đồng kể từ ngày 1/7/2022 như Tờ trình của Bộ LĐ-TB&XH cũng như kiến nghị của Tổng LĐLĐVN và theo nguyện vọng của hàng triệu lao động theo hợp đồng trên cả nước”, đại biểu Nguyễn Thị Xuân nói.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh