THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:08

Bạo lực gia đình: Phần “chống” đã tương đối, “phòng” còn hạn chế, phải “gia cố” hơn các biện pháp “phòng”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 31/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về hai dự án Luật: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Khi Luật được thông qua, phải tạo chuyển biến trong thực tiễn

Cho ý kiến thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình cao với việc sửa đổi Luật sau 14 năm thực hiện.

Việc sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giải quyết những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp năm 2013;

Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Nêu quan điểm tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn phải làm rõ hơn nữa các biện pháp “phòng” bạo lực gia đình. “Phòng” bao giờ cũng phải là cơ bản, đi trước.

Tuy nhiên, phần “chống” đã tương đối nhưng “phòng” còn hạn chế, mới chủ yếu tập trung vào thông tin tuyên truyền. Theo Chủ tịch Quốc hội, phải “gia cố” nhiều hơn nữa cho các biện pháp “phòng” và mối quan hệ giữa “phòng” với “chống” để người ta không thể và không dám có hành vi bạo lực gia đình.

“Không thể" tức là hệ thống pháp luật phải chặt chẽ. "Không dám" là chế tài phải nghiêm. Nếu không thì ban hành Luật ra cũng khó tạo được chuyển biến căn bản trong lĩnh vực này” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhấn mạnh, gia đình là tế bào của xã hội, song theo ông Huệ, dự luật cũng chưa thể hiện rõ mối quan hệ giữa gia đình – nhà trường và xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, phải phát huy vai trò của nhà trường và xã hội nói chung đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình chứ không phải chỉ là vấn đề xã hội hoá nguồn lực để phòng, chống bạo lực gia đình (xây dựng nhà an toàn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình…).

Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải tiếp tục suy nghĩ, làm rõ vấn đề này. Làm sao đến kỳ họp cuối năm nay, khi dự luật được trình Quốc hội xem xét thông qua thì sẽ tạo chuyển biến trong thực tiễn.

Lấy ví dụ về các vụ việc gây bức xúc dư luận gần đây để cảnh báo tình hình bạo lực gia đình đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc rất nghiêm trọng, theo Chủ tịch Quốc hội, việc phát hiện chủ yếu là qua các cơ quan thông tấn báo chí, còn bản thân các thiết chế trong hệ thống chính trị, nhất là cơ quan chủ trì trong từng lĩnh vực chưa được thể hiện rõ.

Về nhận diện hành vi bạo lực gia đình, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự tán thành với dự thảo Luật. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích, nhận dạng cho đầy đủ các hành vi bạo lực gia đình.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Bổ sung hành vi bạo lực gia đình trên không gian mạng

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) chỉ ra rằng, Tờ trình của Chính phủ có nêu 90,4% phụ nữ bị bạo hành thể xác, hoặc tình dục nhưng không tìm kiếm sự giúp đỡ, như vậy là vụ việc không được đưa ra để xử lý. Đại biểu cho rằng đây là con số rất đáng quan ngại.

Theo đại biểu dự thảo Luật lần này phải tăng được hiệu quả xử lý các vụ việc bạo lực gia đình; cần có giải pháp mạnh mẽ để khắc phục tình trạng này.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu rõ, Tờ trình có thống kê số vụ việc bạo lực gia đình, nhưng không thống kê số vụ giải quyết hay không giải quyết, giải quyết có hiệu quả hay không hiệu quả…. Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ nội dung này.

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn An (Thái Bình) chỉ ra rằng, tại khoản 1 Điều 20 dự thảo Luật quy định “Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình là việc người tiến hành hòa giải hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp để không làm phát sinh bạo lực gia đình hoặc chấm dứt bạo lực gia đình”.

Theo đại biểu, dự thảo Luật chỉ quy định hướng dẫn là chưa đầy đủ, phổ quát hết các hình thức hòa giải trong thực tiễn; mặt khác, nếu theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở, ngoài hướng dẫn ra còn có giúp đỡ. Do đó, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung thêm các hình thức hòa giải khác như: giúp đỡ, giải thích, các biện pháp vận động, thuyết phục khác…

Ngoài ra, một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, qua thực tiễn theo dõi, giám sát, tại địa bàn sinh sống của một số đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn giữ phong tục, tập quán lạc hậu, tình trạng tảo hôn và bạo lực gia đình tương đối phổ biến, một số hành vi bạo lực gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ chung trong cả nước.

Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với các địa phương, khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum nhận định: Bạo lực về thể xác, kinh tế có thể nhận ra được, nhưng bạo lực tinh thần thì không hề đơn giản. Và khu trú ra bằng các biểu hiện bên ngoài như thế nào để lượng hóa hết cho đầy đủ là không hề đơn giản dù đã có nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các tầng lớp Nhân dân.   

"Chẳng hạn, chúng ta nói nhiều về bạo lực tình dục, nhưng đây là vấn đề tế nhị, ít được đề cập đến, nên khó nói được hết những gì cần phải nói", Bộ trưởng lấy ví dụ và cho biết cơ quan soạn thảo dựa trên Hiến pháp 2013 - quyền con người và quan điểm, đường lối của Đảng về vấn đề xây dựng gia đình, coi gia đình là tế bào của xã hội, là cái gốc để hình thành nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn, đạo đức; từ đó nhận diện và lựa chọn 18 hành vi được quy vào bạo lực gia đình.

Tham gia ý kiến góp ý đối với dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh)

Đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật bổ sung hành vi bạo lực gia đình trên không gian mạng. Theo đại biểu, trong nhiều trường hợp, những người trong gia đình mâu thuẫn, không bằng lòng nhau đã đưa lên không gian mạng các thông tin cá nhân nhạy cảm của người thân và đây chính là hành vi bạo lực gia đình.

"Bạo lực này còn khủng khiếp hơn những hành vi bạo lực bên trong nội bộ gia đình, vì bản thân mỗi người luôn rất ngại khi người khác biết được nỗi khổ của bản thân", đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại quy định về góp ý, phê bình và hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình.

Theo đại biểu, việc tổ chức phê bình, góp ý của tổ dân phố với người có hành vi bạo lực gia đình cần được quy định trên cơ sở tính toán toàn diện các yếu tố tác động bởi khi người chồng hoặc vợ bị phê bình dưới hình thức này có thể quay trở lại "bạo lực kép" với người thân.

Thể hiện sự băn khoăn với quy định người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực gia đình trong suốt thời gian áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc từ 50 m trở lên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng việc tiếp xúc không chỉ dừng ở hoạt động giao tiếp nói chuyện với nhau, bằng hành động trực tiếp mà còn có thể trên không gian mạng hay như một đại biểu đã nói là "nửa vòng trái đất người ta vẫn có thể dùng những hành vi bạo lực gia đình".

Do đó, đại biểu cho rằng quy định này mang tính phiến diện, chưa đầy đủ, chưa toàn diện, "đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm", đại biểu nói.

Nữ đại biểu cũng cho rằng, để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình cần có sự phối hợp liên ngành, nhất là vai trò các hội như Người cao tuổi, bảo vệ quyền trẻ em… cần được ghi nhận trong luật vì thời gian gần đây vẫn còn "người cao tuổi, trẻ em bị đánh đập, bỏ mặc”.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Quang (đoàn Hải Phòng) nhấn mạnh, bạo lực gia đình không chỉ là hành vi giữa vợ - chồng mà còn cha mẹ - con cái, rồi thói quen ứng xử, dạy dỗ con cái vượt quá phạm vi giáo dục, sự xuống cấp đạo đức ở giới trẻ gây tổn thất cả vật chất và tinh thần cho cha mẹ.

Bày tỏ đồng tình với cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Xã hội rằng việc sửa đổi các quy định về biện pháp cấm tiếp xúc là cần thiết để khắc phục tồn tại, hạn chế trong việc triển khai biện pháp này. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo quan tâm về khả năng áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc cho một số nhóm đối tượng đặc thù như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật…

Thành Công - Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh