CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:18

Khuyến khích các doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn lao động là người Việt Nam chất lượng cao

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội ở Quốc hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội ở Quốc hội.

Ngày 1/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; tổng kết thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ Nghị quyết 42.

Trong phát biểu tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) đánh giá kết quả thực hiện kinh tế-xã hội Quý IV 2021 và những tháng đầu năm 2022 có bước phát triển khởi sắc hơn, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì sự ổn định, thu ngân sách nhà nước đạt khá so với dự toán, lạm phát được kiểm soát, xuất siêu đạt 4 tỷ USD.

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả ấn tượng, tăng trương 25,2%.

Theo đại biểu, những kết quả đạt được nêu trên rất đáng trân trọng, nhưng các bộ, ngành, địa phương vẫn cần còn có các kịch bản để thích ứng với tình hình chính trị, kinh tế của thế giới và khu vực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ,Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên họp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ,Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên họp.

Đại biểu chỉ ra, xuất khẩu tăng mạnh nhưng tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI vẫn lớn nhất trong cấu trúc thương mại của Việt Nam, năm 2021 đóng góp 74% tổng kim ngạch xuất khẩu, điều này phản ánh xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng cũng tạo ra nhiều bất trắc tiềm ẩn cho nền kinh tế.

Nhiều nước lớn đang có xu hướng bảo hộ thương mại cũng như sự thay đổi nhanh chóng của khoa học và công nghệ. Chúng ta vui mừng vì xuất khẩu nhiều loại linh kiện điện tử, điện thoại, đồ gỗ, nhưng thị phần xuất khẩu và tỷ trọng xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ lực đều được thực hiện bởi các DN FDI…

Điều này phản ánh năng lực cạnh tranh của các DN còn hạn chế, thiếu sự liên kết giữa DN trong nước và DN FDI. Những DN trong nước chưa đủ mạnh để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, do đó nếu DN không nhanh chóng có sự phát triển, nền kinh tế dễ bị tổn thương nếu chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

"Cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng kinh doanh, đặc biệt là vào lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao để củng cố nền tảng trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn lao động là người Việt Nam chất lượng cao".

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) phát biểu tại phiên họp.

Từ đó, đại biểu nêu rõ thêm: "Các trường đại học, cao đẳng, các địa phương cần có chương trình đào tạo lao động với các ngành nghề kinh tế số, kĩ thuật số, ứng dụng tin học, điện tử viễn thông, công nghệ chế tạo và tiến hành rà soát chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp FDI, tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo DN FDI sử dụng đúng nguồn lực để đảm bảo các cam kết đầu tư".

Đồng thời góp ý, du lịch đang phục hồi, là động lực phát triển kinh tế cho nhiều địa phương, nên chú trọng chính sách hỗ trợ phát triển DN như visa thông thoáng, tạo thuận lợi cho du khách nước ngoài đi lại, mở rộng thêm các nước được miễn thị thực vào Việt Nam, thúc đẩy du lịch ra nước ngoài…

Nghị quyết được thông qua khẩn trương, nhưng triển khai tiến độ rất chậm

Nêu ý kiến đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) bày tỏ lo ngại khi gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội, quy mô gần 350 nghìn tỷ theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội chậm giải ngân. 

“Chúng ta thảo luận, thông qua nghị quyết này một cách khẩn trương nhất, nhưng đến nay có vẻ chưa qua được vòng thủ tục, tiến độ rất chậm dù có cơ chế đặc thù”, bà Yên nói.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) phát biểu tại Kỳ họp.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) phát biểu tại Kỳ họp.

Nữ đại biểu dẫn báo cáo của Ủy ban Kinh tế nêu 16.000 tỷ đồng của Chương trình Mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021 dù đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đang “rất trông chờ”.

Tương tự, vốn vay ODA mới giải ngân đạt 32,85% kế hoạch, nhiều bộ, ngành đạt dưới 20%. “Tình trạng này kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục”, bà Yên nhận xét và lưu ý, chậm giải ngân, tiến độ chậm sẽ giảm hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn, gây lãng phí. 

“Tiền đầu tư chủ yếu là đi vay, chịu lãi suất, phía quản lý, do đó giải ngân chậm thì tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư sử dụng vốn”, bà Yên lo ngại.

Từ đó, đại biểu cho rằng, tăng cường kiểm soát, chỉ ra tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc triển khai chậm trễ này là cần thiết để các quyết sách của Nhà nước được thực thi có hiệu lực, hiệu quả rõ rệt, đáp ứng được sự mong đợi của người dân.

Những vụ thao túng thị trường gây thiệt hại cho nhà đầu tư, an toàn tài chính đất nước

Bà Yên còn đề cập đến một số biểu hiện lệch lạc trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm trang thiết bị y tế, do một số tổ chức cá nhân vi phạm quy định của pháp luật, thao túng thị trường, không minh bạch thông tin. 

“Khi các cá nhân này vướng vào vòng lao lý thì kéo theo rất nhiều cán bộ nhà nước quản lý chuyên ngành, lĩnh vực đó”, bà nói.

Theo đại biểu đoàn Điện Biên, cử tri rất thắc mắc “tổ chức, cá nhân đó bằng cách nào mà vượt qua được các cơ quan quản lý Nhà nước một cách dễ dàng như vậy, trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường”?

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) nêu thực tế trong thời gian qua xảy ra tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng kẽ hở để “đục nước béo cò”.

Biểu hiện rõ qua các vụ việc buôn lậu xăng dầu, hàng giả, hàng lậu, thao túng thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vật tư y tế; tuyên truyền xuyên tạc gây tâm tâm lý hoang mang, nhiễu loạn thị trường.

Đề cập giải pháp, đại biểu đề nghị đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, trong đó có vai trò người đứng đầu. “Còn tình trạng đùn đẩy, ngại khó, ngại khổ, mưu cầu lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân và che đậy tinh vi hơn ở một bộ phận cán bộ quản lý” – ông nói. Bên cạnh đó cần tiếp tục các biện pháp phòng, chống và tổ chức đấu tranh hiệu quả tham nhũng, lành mạnh hóa bộ máy nhà nước và doanh nghiệp, cả khu vực công và tư.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (tỉnh Bình Định) cũng đề cập tới phát triển thị vốn, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. 

Theo bà Hạnh, các thị trường này vừa qua đã phát triển nhanh, là kênh huy động vốn hấp dẫn, nhưng những vụ việc của một số cá nhân, tổ chức thao túng thị trường đã gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ảnh hưởng tới an toàn tín dụng, tài chính đất nước.

Ngoài các biện pháp xử lý vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, nữ đại biểu tỉnh Bình Định cho rằng cần rà soát các quy định pháp luật về chứng khoán, trái phiếu và quản lý chặt phát hành trái phiếu riêng lẻ thông qua sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp… 

Nữ đại biểu đặc biệt nhấn mạnh, phải có giải pháp để các thị trường này phát triển, tạo điều kiện doanh nghiệp huy động vốn nhưng phải đảm bảo chặt chẽ quyền lợi nhà đầu tư, hạn chế tối đa hành vi trục lợi và nhà đầu tư tham gia theo hội chứng đám đông.

“Hoạt động giám sát trên thị trường chứng khoán, trái phiếu cần siết chặt, thông tin thị trường tới nhà đầu tư đầy đủ hơn nhằm tránh việc người dân, nhà đầu tư thiếu thông tin nên tham gia theo hội chứng đám đông, bị lợi dụng”, bà Hạnh nêu ý kiến.

Đánh giá cao thời gian qua các cơ quan hữu quan triển khai nhiều biện pháp để lành mạnh hóa thị trường, phát hiện xử lý kịp thời các sai phạm, tuy nhiên, đại biểu lưu ý đây là vấn để mới, sức ảnh hưởng lan tỏa rộng nên cần xử lý triệt để. Do đó, các bộ ngành cần rà soát soát quy định pháp luật để quản lý chặt chẽ hơn, hạn chế tối đa hành vi trục lợi như thời gian qua.

Thanh Nhung - Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh