Sóc Trăng: Đồng bào Khmer thu nhập cao từ trồng hẹ
- Bài thuốc hay
- 13:08 - 28/10/2016
Theo những hộ chuyên trồng màu ở huyện Mỹ Xuyên và huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), những năm gần đây trong các loại cây hoa màu, cây hẹ được xem là cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ở một số xã trồng hẹ nhiều như Đại Tâm, Tham Đôn (Mỹ Xuyên), Phú Mỹ (Mỹ Tú), cây hẹ được trồng quanh năm, nhưng trồng nhiều nhất là vào đầu mùa mưa. Đặc tính của cây hẹ là ưa nước, càng nhiều nước thì lá và bông hẹ càng phát triển tốt, tuy nhiên khi trồng phải lên luống cao, tránh cho cây hẹ bị úng gốc và tưới một lượng nước thật hợp lý. Những năm qua nhiều hộ nông dân đồng bào Khmer đã coi cây hẹ là cây xóa nghèo và chọn làm cây trồng chủ lực. Theo họ, cây hẹ rất dễ trồng, vốn đầu tư thấp hơn so với những cây màu khác, khi trồng hẹ người trồng chỉ mất chi phí mua giống 1 lần gieo xuồng đất, sau khi thu hoạch gốc hẹ có khả năng tự nhiên đâm chồi phát triển thành cây hẹ mới. Thời gian sinh trưởng trung bình sau 3- 4 tháng xuống giống trồng thì cây hẹ cho thu hoạch bông hoặc lá đợt đầu. Tùy vào điều kiện thổ nhưỡng vào kỹ thuật chăm sóc của các nhà vườn mà cây hẹ có thể cho năng suất cao, thời gian thu hoạch dài hơn bình thường. Cũng tùy vào điều kiện thời tiết và điều kiện chăm sóc của mỗi nhà vườn, họ có sự lựa chọn khác nhau về thu hoạch lá hay bông. Nếu lựa chọn thu hoạch lá thì có sự chăm sóc khác sao cho lá càng phát triển tốt càng hiệu quả kinh tế hơn.
Trung bình cứ 2,5 tháng cắt lá một lần, mỗi lấn cắt 1 công (1.000 mét vuông) đạt khoảng từ 400 kg – 600 kg hẹ lá, giá bình quân 7 000 – 8 000 đồng/kg. Nếu nhà vườn trồng hẹ để thu hoạch bông thì cứ cách 2 ngày cắt 1 đợt bông, mỗi đợt bông có thể thu hoạch khoảng 100 kg, nhưng giá cao hơn hẹ lá nhiều lần.
Nhờ chuyên canh cây hẹ thu nhập cao mà nhiều hộ đồng bào Khmer không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên thành hộ khá, hộ giàu
Theo một số nhà vườn, trồng hẹ để thu hoạch bông vẫn là cách lâu dài và hiệu quả nhất, vì giá hẹ bông hiện nay trung bình trên 10.000 đồng/kg vào mùa mưa, còn mùa khô cao hơn gấp 2 – 3 lần. Có thể thấy, lợi nhuận từ trồng hẹ khá cao, sau khi trừ mọi chi phí, trung bình một công hẹ (1.000 mét vuông) có thể đảm bảo thu nhập từ 30 triệu – 40 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và một số cây màu khác.
Theo chính quyền địa phương, hiện nay mô hình chuyên canh cây hẹ ngày càng phát triển, mở rộng thêm diện tích. Tại xã Đại Tâm có khoảng 100 ha đất chuyên canh cây hẹ, tập trung nhiều nhất ở các ấp Đại Ân, Đại Nghĩa Thắng, Trà Mẹt… Nhờ chuyên canh cây hẹ mà nhiều hộ nông dân Khmer trước dây thuộc hộ nghèo thì giờ đã không chỉ thoát nghèo, mà còn đã và đang vươn lên thành hộ khá, giàu./.