Sóc Trăng: Nhiều dự án, mô hình thiết thực giúp dân xóa nghèo
- Dược liệu
- 14:14 - 12/03/2017
Lãnh đạo Sở LĐ – TB & XH tỉnh Sóc Trăng cho biết, khi triển khai thực hiện CTMTQG giảm nghèo các ngành, các cấp và địa phương đã nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của mục tiêu xóa đói, giảm nghèo trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ nhận thức đó đã cụ thể hóa thành chương trình, nghị quyết chuyên đề của các cấp ủy Đảng và kế hoạch của UBND tỉnh. Các dự án khi triển khai thực hiện đã từng bước phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả cao, giúp người dân, đặc biệt là người nghèo có cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh tự tạo việc làm và có việc làm ổn định để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Đồng thời cũng góp phần vào sự thay đổi diện mạo của nông thôn, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và góp phần vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong số những dự án được triển khai thực hiện, trước tiên phải kể đến dự án tín dụng ưu đãi hộ nghèo đã phát huy hiệu quả đáng kể. Từ 2006 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) các cấp đã phát vay cho hàng trăm ngàn lượt hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi với bình quân mỗi hộ vay khoảng 10 triệu đồng để đầu tư sản xuất, mua con giống thức ăn chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.
Đồng thời, NHCSXH tỉnh còn phối hợp với các hội, đoàn thể trong tỉnh xây dựng kế hoạch liên tịch về việc cho vay hộ nghèo thanh niên, phụ nữ để giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu lao động.
Nuôi bò sữa là một trong những mô hình hiệu quả kinh tế cao, đã và đang tiếp tục được nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh
Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn phát động phong trào “Thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo”, thành lập tổ thanh niên tự góp vốn giúp nhau làm kinh tế hộ gia đình, đến nay có hàng chục ngàn hội viên tự góp vốn, với tổng số tiền hàng chục tỷ đống.
Trong các năm qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Hội Nông dân và các hội, đoàn thể của tỉnh đã xây dựng được hàng trăm mô hình trình diễn về giống, vật nuôi, cây trồng mang lại hiệu quả và năng suất cao trong sản xuất nông nghiệp.
Điển hình là các mô hình như: Nuôi tôm + lúa, Cá + lúa phát triễn mạnh ở hai thị xã: Vĩnh Châu, Ngã Năm, các huyện: Trần Đề, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú. Nhiều nông dân đã xây dựng được mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp như trang trại gà, heo ở huyện Châu Thành, TP Sóc Trăng, hợp tác xã bò sữa ở Trần Đề, Mỹ Xuyên, Mỹ tú
Ngoài ra đã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn cách làm ăn cho người nghèo với hàng chục ngàn lượt người nghèo tham dự tiếp thu những tiến bộ khoa học, kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, đoàn thanh niên và các hội, đoàn thể đã tổ chức các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật về mô hình VAC, Biogas, kỹ thuật canh tác, kỹ thuật chăn nuôi bò, cá nước ngọt, kỹ thuật trồng màu, cây ăn trái có hàng chục ngàn lượt đoàn viên, hội viên và người dân tham gia.
Từ những dự án, mô hình thiết thực ấy, đã góp phần phát triển kinh tế ở địa, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần của người nông dân và xây dựng nông thôn mới hiệu quả.