Sóc Trăng: Khuyến nông, khuyến ngư giúp nông dân Khmer xóa nghèo
- Dược liệu
- 15:57 - 28/03/2017
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo chiếm tỷ lệ cao là do nhiều hộ không có đất, hoặc thiếu đất sản sản xuất, đất ở và tập quán canh tác lạc hậu thiếu sự kiến thức khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi.
Để giúp bà con nông dân đồng bào dân tộc Khmer vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay tại quê hương mình, Trung tâm Khuyến nông – lâm – ngư tỉnh đã chủ động đưa cán bộ chuyên môn về tận phum, sóc mở các lớp tập huấn. chỉ dẫn bà con cách chọn cây, con giống, chăm sóc, phòng trừ sâu, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi…
Nhờ đó, toàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình làm ăn mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh, mang lại thu nhập đạt từ 70 – 80 triệu đồng/ha/năm.
Từ nhiều năm qua bà con nông dân Khmer đã triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, biết áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật (KHKT) trong nuôi trồng thủy sản, chăm nuôi gia súc, gia cầm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thông qua các chương trình khuyến nông, mô hình chăn nuôi bò sữa đã và đang được nhân rộng ở vùng đồng Khmer Sóc Trăng
Lãnh đạo Sở LĐ – TB & XH tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong những năm qua, toàn tỉnh chuyển giao tiến bộ KHKT về sản xuất, chăn nuôi cho hàng chục ngàn lượt nông dân là đồng bào Khmer.
Đến nay đã có hơn hàng chục ngàn lượt hộ dân tộc Khmer được công nhận và tái công nhận danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Điều quan trọng là hiện nay nông dân Khmer đã biết áp dụng phương pháp sạ hàng theo lịch để né tránh rầy, thực hiện chính sách quản lý dịch hại trên lúa theo IPM và mô hình “3 tăng, 3 giảm”…
Đặc biệt nông dân biết sử dụng phân vi sinh thay cho phân hóa học để vừa tăng năng suất, vừa bảo vệ môi trường và sức khỏe cho cộng đồng.
Những năm gần đây, trong phong trào kinh tế hợp tác xã ở Sóc Trăng đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu là cộng đồng người Khmer.
Điển hình như câu lạc bộ nuôi tôm sú ở ấp Giồng Me, xã Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu, với hàng chục thành viên tham gia, mỗi năm đạt doanh thu trên 2,5 tỷ đồng, trừ mọi chi phí còn có lãi ròng 1, 4 tỷ đồng, trong đó 60% thành viên có thu nhập từ 80 triệu đồng – 100 triệu đồng/ năm.
Có thể nói, từ sự quan tâm đẩy mạnh các chương trình khuyến nông, khuyến ngư của tỉnh, những năm qua đã giúp cho đồng bào Khmer xóa bỏ tập quán trồng trọt, chăn nuôi lạc hậu, sang tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nhờ đó, những năm gần đây tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào Khmer giảm nhanh, tỷ lệ hộ khá và giàu tăng dần, chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần được cải thiện, nâng cao đáng kể.