Sóc Trăng chăm lo chu đáo đời sống gia đình Thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng
- Người có công
- 18:44 - 18/01/2023
Đảm bảo cho người có công được “Yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần”
Có thể khẳng định, việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Trong thời gian qua Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng quyết tâm không để người có công với cách mạng nào không được tri ân, chăm sóc.
Theo ông Võ Thanh Quang – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 53.300 người có công với cách mạng, với tổng cộng 29.000 hộ gia đình chính sách. Trải qua 2 cuộc kháng chiến gian khổ chống giặc ngoại xâm, để giành độc lập tự do cho Tổ quốc, sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân, đã có trên 15.300 người con ưu tú qua nhiều thế hệ của quê hương đã ngã xuống, hơn 6.500 người đã hy sinh một phần thân thể, gần 6.200 người hoạt động kháng chiến và gần 9.000 người có công giúp đỡ cách mạng được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến; có 2.325 bà mẹ được tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (hiện nay 103 mẹ còn sống đều được các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng đến cuối đời) và hàng ngàn người được thụ hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước.
Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện chi trả đầy đủ, chính xác chế độ trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng người có công với số tiền trên 200 tỉ đồng/năm; trợ cấp một lần 166,6 tỉ đồng, mua bảo hiểm y tế 59,6 tỉ đồng, trợ cấp ưu đãi giáo dục cho 1.963 trường hợp với tổng số tiền là 12,2 tỉ đồng, chi trả chế độ dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng gần 2,9 tỉ đồng; tổ chức đưa gần 7.000 lượt người có công đi điều dưỡng tập trung kết hợp tham quan tại các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Đà Nẵng với tổng kinh phí hơn 9,3 tỉ đồng; cấp tiền điều dưỡng tại gia đình kịp thời, đầy đủ cho các đối tượng chính sách với tổng số tiền 33,7 tỉ đồng. Đến thời điểm hiện tại (giữa tháng 6/2022), 103 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc đến cuối đời.
“Thơi gian qua, các chế độ ưu đãi được thực hiện đa dạng đến người có công như trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi hỗ trợ y tế, giáo dục, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, tạo việc làm, hỗ trợ, cải thiện nhà ở, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn kinh doanh và miễn hoặc giảm thuế. Sở cũng tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng 103 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đến cuối đời”, ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Sóc Trăng cho biết.
Trong giai đoạn 2017 – 2021, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 8.363 căn nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí là 271,694 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng và sửa chữa nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 7.486 căn, với tổng kinh phí là 253,4 tỷ đồng (trong đó kinh phí địa phương là 21,74 tỷ đồng). Qua đó, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho người có công.
Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các sở, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức và cộng đồng xã hội tích cực hưởng ứng. Tính đến nay, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh đã vận động được 20,64 tỷ đồng. Công tác quản lý, sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được thực hiện theo Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28/4/2006 của Chính phủ đảm bảo chặt chẽ, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
Chế độ trợ cấp ưu đãi đối với người có công trong những năm qua được thực hiện đúng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và bám sát lộ trình cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công. Hàng năm, ngân sách Nhà nước dành sự ưu tiên đặc biệt, bố trí nguồn kinh phí đảm bảo chi thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công. Qua nhiều lần điều chỉnh, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của người có công. Mức chuẩn để xác định mức trợ cấp ưu đãi người có công hiện nay là 1.624.000 đồng (cao hơn mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức).
Mang mùa Xuân đến với Người có công với cách mạng
Thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” Đảng bộ và Nhân tỉnh Sóc Trăng đã vận động “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng” cùng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, đảm bảo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng có cuộc sống ngày một tốt hơn. Đặc biệt, quan tâm và chăm sóc Người có công với cách mạng nhân dịp mừng Xuân Qúy Mão 2023 ấm áp và nghĩa tình.
Để đảm bảo việc thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước và quà của Chủ tịch UBND tỉnh đến các đối tượng người có công với cách mạng được trân trọng, kịp thời và chu đáo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Sóc Trăng đã hướng dẫn về việc tổng hợp các nhóm đối tượng theo biểu mẫu, lập dự toán và cấp phát quà đúng đối tượng, không trùng lắp, bỏ sót và kịp thời đến tay đối tượng. Và tổ chức viếng Nghĩa trang Liệt sĩ và dâng hương trên các Nghĩa trang và Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ của đơn vị quản lý.
Hiện, toàn tỉnh có 17.684 người có công với cách mạng đủ điều kiện nhận quà tặng của Chủ tịch nước và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, với kinh phí thực hiện hơn 9 tỷ đồng bao gồm:
Cán bộ tiền khởi nghĩa; Bà mẹ Việt Nam anh hùng 94 người; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân 09 người; thương binh, bệnh binh có tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên 70 người; thân nhân có 02 liệt sĩ trở lên và thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp nuôi dưỡng 16 người; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học từ 81% trở lên 38 người.
Mức quà tặng 1.000.000 đồng/đối tượng (bao gồm: quà của Chủ tịch nước: 600.000 đồng/người và Quà của Chủ tịch UBND tỉnh: 400.000 đồng/người): Có 230 người, kinh phí thực hiện là 230.000.000 đồng; trong đó: ngân sách Trung ương là 138.000.000 đồng; ngân sách tỉnh là: 92.000.000 đồng.
Đối với Thương binh có tỷ lệ thương tật, bệnh tật dưới 81% là 3.202 người; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học dưới 81% là 1.025 người; đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sĩ 1.520 người; đại diện người thờ cúng liệt sĩ 10.356 người; người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày 132 người; người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp 364 người.
Mức quà tặng 500.000 đồng/đối tượng (bao gồm: quà của Chủ tịch nước: 300.000 đồng/người và Quà của Chủ tịch UBND tỉnh: 200.000 đồng/người): Có 16.599 đối tượng, kinh phí thực hiện hơn 8 tỷ đồng (trong đó: ngân sách Trung ương là 4.979.700.000 đồng; ngân sách tỉnh là: 3.319.800.000 đồng).
Quà của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh: 715 ngườ gồm các đối tượng ; mức quà tặng 500.000 đồng/đối tượng; kinh phí thực hiện là 357.500.000 đồng (gồm: Con của người hoạt động kháng chiến bị dị tật, dị dạng do nhiễm chất độc hóa học 497 người; tuất từ trần 184 người; quân nhân hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg, công an nhân dân hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ 33 người; thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp hàng tháng 01 người).
Đối tượng là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc các huyện, thị xã, thành phố, gồm: Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ; trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em không nơi nương tựa; trẻ em khuyết tật; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em vi phạm pháp luật; trẻ em nghiện ma túy; trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em bị mua bán; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải Điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc: Tổng số 1.100 phần quà (mỗi đơn vị 100 phần); mức quà tặng 300.000 đồng/phần quà; kinh phí thực hiện là 330.000.000 đồng.
Nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, ông Võ Thanh Quang cho biết, thời gian tới ngành LĐ-TB&XH tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời các chính sách cho đối tượng là người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả người có công được thụ hưởng đầy đủ các chế độ chính sách người có công đúng quy định pháp luật.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên các phương tiện thông tin đại chúng đến từng hộ gia đình về chính sách đối với người có công và thân nhân của họ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công; ngăn ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu cực trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công.
Rà soát, kịp thời giải quyết các trường hợp tồn đọng về xác nhận, công nhận để những người thực sự có công với cách mạng được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước. Triển khai thực hiện kế hoạch giảm nghèo đối với hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng, phấn đấu các hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. Đảm bảo 100% gia đình người có công đều có nhà ở ổn định.
Triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" với 5 chương trình tình nghĩa: Xây dựng nhà tình nghĩa; lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc thương binh nặng và nhận phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam anh hùng.