THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:59

Sợ trò thất học, 8 cô giáo trẻ tình nguyện đứng lớp không lương

“Học trò ở đây nghèo lắm. Nhiều cháu phải từ trong rừng ra đây ở trọ để được đi học. Nhiều hôm lên lớp, có cháu lả đi vì đói nhưng không cháu nào nghỉ học cả. Thương học trò, các cô trong trường còn tự bỏ tiền túi ra mua đồ ăn cho các cháu. Các cô đi dạy không lương cũng vì sợ các cháu thất học, thiệt thòi khi vào lớp 1 …”, giọng cô Nguyễn Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Pơ Lang nghẹn đi phía đầu dây bên kia.

Bếp sập, nhà dột không dám sửa

Điểm trường của Trường Mầm non Hoa Pơ Lang tại bon Đắk Snao 1 (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) cách trung tâm xã gần 20km. Ba lớp học này được tận dụng từ các lớp học của một trường tiểu học cũ, tất cả học sinh trong lớp đều là đồng bào dân tộc Mông.

Sợ trò thất học, 8 cô giáo trẻ tình nguyện đứng lớp không lương - Ảnh 1.

Học sinh đồng bào Mông chân đất, đi bộ tới trường sau khi về nhà ăn cơm trưa

Đầu giờ chiều, các lớp học vẫn im phăng phắc. Không phải vì lớp được nghỉ mà do học sinh đã ngủ gần hết. Không có bếp ăn bán trú nên sau giờ học buổi sáng, các em trở về nhà ăn cơm trưa, đến đầu giờ chiều lại đến học. Do nhiều em ở nhà xa, phải đi bộ đến lớp, nhiều em mệt quá nên lăn ra lớp ngủ luôn. Thành ra các cô chủ yếu là coi các cháu chứ không dạy được gì.

Cạnh dãy lớp học cũ, dãy nhà công vụ cũng tồi tàn, xuống cấp sau mùa mưa dài hơn 6 tháng. Tường nhà loang lổ những vết ẩm mốc, mái nhà phải phủ thêm lớp bạt để mưa không dột vào bên trong, 5 năm nay đây là nơi ở của gia đình 3 cô giáo trẻ.

Sợ trò thất học, 8 cô giáo trẻ tình nguyện đứng lớp không lương - Ảnh 2.

Dãy nhà công vụ xập xệ nơi gia đình 3 cô giáo trẻ đang ở

Cô Ngô Thị Thanh (SN 1994, quê Quảng Nam) tâm sự, sau khi tốt nghiệp, cô xin về đây công tác rồi lập gia đình với một công nhân khai thác mủ cao su. 5 năm cô là giáo viên hợp đồng của Trường Mầm non Hoa Pơ Lang, mỗi năm được 9 tháng hợp đồng giảng dạy còn 3 tháng hè thì đi làm thuê kiếm sống.

“Lương hợp đồng chỉ đủ trang trải sinh hoạt gia đình nên cả nhà vẫn phải ở nhờ trong nhà công vụ của nhà trường. Hè vừa rồi, em về quê mấy tháng, đến khi quay lại thì một phần gian bếp bị sập hết. Bây giờ cũng chưa biết lấy tiền đâu để sửa vì chồng vẫn chưa có lương, còn em cũng chưa được ký hợp đồng”, cô Thanh cho biết.

Sợ trò thất học, 8 cô giáo trẻ tình nguyện đứng lớp không lương - Ảnh 3.

Một phần gian bếp bị sập do đã mục nát, xuống cấp

Cạnh nhà cô Thanh, gia đình 4 người của cô Phạm Thị Hồng Lĩnh (quê Nghệ An) cũng tá túc trong căn phòng rộng chưa đầy 20m2. Mùa mưa vừa rồi, mái tôn đã hư hỏng khiến nước chảy thành dòng vào nhà, gia đình cô Lĩnh phải dùng một tấm bạt lớn để phủ toàn bộ mái nhà.

Nữ giáo viên lớp Lá 3, Trường Mầm non Hoa Pơ Lang chia sẻ: “Nếu lợp lại mái thì phải mất gần chục triệu đồng, nhưng gia đình có con nhỏ nên vợ chồng em cũng chưa dám sửa. Để đến mùa khô này, nếu mua được tôn cũ về sửa lại thì cũng dùng được mấy năm nữa”.

Bám trường, bám lớp vì thương trò

Theo cô Nguyễn Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Pơ Lang, các cô giáo đứng lớp đều là giáo viên hợp đồng của những năm trước. Năm nay huyện không được hợp đồng nữa nên các cô cũng không được ký hợp đồng giảng dạy tại trường. Tuy nhiên, từ tháng 8/2019, dù biết không được ký hợp đồng, nhưng các cô vẫn tự nguyện lên lớp, giúp trường quản lý gần 300 trẻ.

Sợ trò thất học, 8 cô giáo trẻ tình nguyện đứng lớp không lương - Ảnh 4.

Phần lớn các cô tự nguyện đứng lớp để coi học sinh

“Năm nay, cả trường chỉ có 3 cô, nhưng đến gần 300 cháu ở cả hai điểm trường nên không thể nào bố trí đủ cô giáo đứng lớp. Thương học trò, lo các cháu thất học nên các cô tự nguyện đến lớp để dạy. Thú thực, hai tháng nay các cô chưa nhận được bất cứ một đồng lương, một đồng trợ cấp nào, tất cả đều dựa vào đồng tiền lương của chồng. Các cô đến dạy vì tình cảm với trường, tình cảm với trò”, cô Oanh chia sẻ.

Cũng theo nữ hiệu trưởng, trong số các cô giáo tự nguyện đứng lớp, có những cô đã đi dạy từ ngày thành lập trường, cô ít nhất năm công tác nhất cũng là 4 năm. Giờ về quê cũng không được mà bỏ đi làm việc khác thì cũng không nỡ, vì các cô rất thương học trò, gắn bó với các con mấy năm rồi.

Sợ trò thất học, 8 cô giáo trẻ tình nguyện đứng lớp không lương - Ảnh 5.

các cô giáo tự nguyên đứng lớp, có những cô đã đi dạy từ ngày thành lập trường

“Chúng em đều từ tỉnh thành khác đến đây làm rồi lập gia đình luôn ở đây. Nếu sau này không thể dạy nữa, em sẽ về quê chồng để làm ruộng. Mấy tháng nay không có lương nhưng chúng em cũng vì đã chọn theo nghề giáo, vì thương học trò nên mới đứng lớp. Nếu lớp không mở, các cháu cứ đi lang thang ngoài đường thì nguy hiểm lắm”, cô Võ Thị Lan Anh rơm rớm nước mắt.

Sợ trò thất học, 8 cô giáo trẻ tình nguyện đứng lớp không lương - Ảnh 6.

"Nếu sau này không thể dạy nữa, em sẽ về quê chồng để làm ruộng", cô Lan chia sẻ

Ông Đoàn Ngọc Phương, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Đắk G’Long cho biết, các cô giáo đang tình nguyện đứng lớp trước đây đều được ký hợp đồng giảng dạy mỗi năm. Năm học 2019-2020, mặc dù gặp áp lực về tình trạng thiếu giáo viên nhưng huyện không được hợp đồng với các giáo viên nữa.

“Đầu năm học, rất nhiều cô tự nguyện đến lớp dù không được ký hợp đồng, tuy nhiên được khoảng 3 tuần thì các cô nghỉ gần hết. Hiện tại chỉ có Trường Mầm non Hoa Pơ Lang là còn duy trì được. Chúng tôi cũng động viên các cô vì đã giúp đỡ ngành giáo dục đồng thời cũng có những kiến nghị để có nguồn hỗ trợ cho các cô công tác”, ông Phương nói.

Theo Dương Phong/ Báo Dân Trí

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh