CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:45

Có chính sách thiết thực để "giữ chân" giáo viên vùng đặc biệt khó khăn

 

Phóng viên (PV): Thưa ông, những năm qua, ngành giáo dục tỉnh Lai Châu đã thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên công tác ở các vùng đặc biệt khó khăn như thế nào?

Ông Đỗ Văn Hán: Lai Châu hiện nay là một trong những tỉnh khó khăn nhất nước. Tỉnh có 75 xã đặc biệt khó khăn với 2.727 lớp ở các bậc học. Hiện nay, toàn tỉnh có 6.876 cán bộ giáo viên trong tổng số 11.262 cán bộ giáo viên trong toàn tỉnh công tác ở các xã đặc biệt khó khăn. Đội ngũ giáo viên này luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của địa phương và ngành giáo dục. Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu đã tham mưu cho địa phương thực hiện các chế độ chính sách đặc thù đối với giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn. Các khoản trợ cấp, phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm ở khu vực có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Đối với những nơi hiểm trở, chia cắt, mật độ dân cư thấp, phân bố không đều, điều kiện cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, giáo viên ít được tiếp cận với thông tin, ngành giáo dục đã tích cực huy động các trang bị máy móc, phương tiện hỗ trợ giáo viên trong công tác giảng dạy; huy động nguồn lực xây dựng các điểm trường, khu nhà ở giáo viên. Bên cạnh đó, các nhà giáo đang công tác vùng đặc biệt khó khăn được cử đi học bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ; được hỗ trợ tiền mua tài liệu để học tập và hỗ trợ 100% tiền học phí, tiền phụ cấp đi lại, nhà ở... Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh Lai Châu tổ chức tuyên dương, khen thưởng giáo viên công tác 5 năm trở lên tại các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

PV: Từ kinh nghiệm của ngành giáo dục tỉnh Lai Châu, theo ông, để làm tốt hơn nữa việc bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cần có những chính sách cụ thể nào? 

Một lớp học tại Trường Tiểu học Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Ảnh: QUỐC BẢO. 

Ông Đỗ Văn Hán: Khó khăn nhất đối với cán bộ, giáo viên đang công tác lâu năm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là điều kiện bảo đảm để ổn định đời sống, mà cụ thể là đất ở, nhà ở để cán bộ, giáo viên có thể ổn định lâu dài. Vì thế, trước tiên các địa phương cần rà roát quy hoạch phát triển quỹ đất ở tại các huyện, xã, bản để hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên có đất ở bảo đảm ổn định cuộc sống và yên tâm công tác lâu dài. Hai là, không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất, mà cần chăm lo cả đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ, giáo viên tại các địa bàn này, ví dụ như trang bị các văn hóa phẩm, sách báo... cho các điểm trường và các thầy cô giáo. Ba là, các địa phương cần có phương án, chính sách luân chuyển cán bộ hợp lý, minh bạch và công bằng để tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên khi đủ thời gian công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có nguyện vọng được về công tác tại các khu vực thuận lợi hơn. Bốn là, cần chủ động tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng cho giáo dục tại các địa bàn khó khăn. Huy động các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và xã hội hóa để xây dựng hệ thống trường lớp, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong dạy và học. Các địa phương cũng cần có những chính sách để thu hút nguồn nhân lực tại chỗ, có nghĩa là tuyển chọn giáo viên là con em đồng bào dân tộc về công tác tại quê hương mình.

Đồng chí Đỗ Văn Hán, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu. 

PV: Thưa ông, việc tuyển dụng giáo viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số về công tác tại địa phương mình là vấn đề còn khó khăn. Để thực hiện hiệu quả chính sách này, các địa phương cần làm gì?

Ông Đỗ Văn Hán: Thực tế cũng đã có tình trạng nhiều học sinh là con em đồng bào dân tộc bản địa, sau khi đi học không trở về công tác ở địa phương. Nguyên nhân chủ quan là do các em sau khi tốt nghiệp thường muốn làm việc ở những nơi có điều kiện thuận lợi hơn. Nhưng lý do khác là bản thân các em cũng ít có cơ hội được lựa chọn. Bởi hiện nay, theo quy định về tuyển dụng viên chức thì không có chính sách cộng điểm ưu tiên ngay trong thi tuyển, xét tuyển đối với các đối tượng này, mà chỉ có chính sách ưu tiên xét tuyển trong chỉ tiêu cuối cùng đối với những thí sinh có cùng điểm xét tuyển.

Nhằm thu hút đội ngũ giáo viên là con em đồng bào dân tộc bản địa về công tác, tỉnh Lai Châu nói riêng và nhiều địa phương khác đã có những chính sách ưu tiên, thu hút sinh viên giỏi, sinh viên xuất sắc là con em dân tộc bản địa. Tuy nhiên, việc thực hiện này cần phải đồng bộ và thống nhất giữa các địa phương. Để tạo điều kiện thuận lợi cho con em người dân tộc thiểu số tại địa phương có cơ hội trúng tuyển trong các kỳ tuyển dụng, thi công chức, ngành giáo dục cần tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện tạo điều kiện cho đối tượng này được ký hợp đồng ngắn hạn. Qua thời gian thực tế, các em sẽ vững vàng hơn về chuyên môn, nghiệp vụ và nếu công tác tốt có thể tăng thêm cơ hội cho các em trong các kỳ tuyển dụng, thi công chức tại địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh