Sở Khanh ra đi, thôn nữ cô đơn, những đứa trẻ có tên Hão Huyền ở lại
- Y học 360
- 23:20 - 11/12/2016
- Làng SOS là mô hình lý tưởng để chăm sóc trẻ em mồ côi
- Cháu mồ côi mẹ bị bà ngoại "bắt cóc"
- Những đứa trẻ mồ côi dưới chân núi Kong
- Nữ sinh mồ côi cha mẹ cật lực làm thuê kiếm tiền vào đại học
- Trao hơn 1000 suất quà cho học sinh khuyết tật và mồ côi tại khu vực phía Nam
- Ấm lòng trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa và trẻ HIV/AIDS
Nỗi buồn dai dẳng
Thủy điện sông Ba Hạ, nằm tại xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) là một trong những công trình thủy điện lớn ở nước ta. Công trình này chính thức khởi công vào tháng 4/2004 và hoàn thành vào đầu năm 2010. Cách đây mấy năm, khi công trình đang bộn bề trong đất đá, xe máy và người tứ xứ đến cũng là thời đỉnh điểm thi công, lượng công nhân tập trung lên đến 5.000-6.000 người. Từ ngày có công nhân đến, cuộc sống làng buôn gân đây thay đổi hẳn với số lượng người đông đúc, xe và và các quán xá mọc lên đầy. Mấy năm trôi qua, rồi công trình cũng đến ngày hoàn tất. Niềm vui lớn là công trình đã đem lại ánh điện cho bà con nơi đây và nhiều vùng trong nước nhưng đằng sau nguồn sáng ấy còn có một thực tế đáng buồn vì có không ít sơn nữ, thôn nữ nơi buôn làng xa hút này ngày đêm nuôi con một mình vì trót “ăn trái cấm” cùng những công nhân thủy điện mang họ Sở…
Chúng tôi dừng chân cạnh khu vực đập chính hồ Thủy điện Sông Ba Hạ mà cảm thấy buôn làng bây giờ yên ắng lạ thường. Quán xá “xập xình” cạnh công trường như trước kia giờ đã dẹp bởi công nhân đã rút lâu rồi. Khi được hỏi về chuyện những phụ nữ trót ăn trái cấm cùng với một số công nhân thủy điện và những đứa con mà người cha vô thừa nhận, dệt nên những câu chuyện cay đắng, buồn phiền ở nơi này thì được nhiều người chỉ vanh vách.
Tại buôn Xây Dựng, xã Suối Trai, chuyện tình của chị A Lê H’Mâu (34 tuổi) được người dân nhớ nhất. Năm 2005, H’Mâu là nhân viên điểm bưu điện văn hóa xã Suối Trai, công việc tấp nập vì nhiều công nhân xa quê vào thư từ liên lạc với gia đình. Trong đó, có chàng tên Thân (quê Nghệ An) hay lui tới nhất. “Đến với mình, ảnh nói những lời lọt tai hay lắm, không như trai trong buôn. Mình tưởng Thân thiệt cái bụng, nên ưng… Vậy mà khi mình bảo bắt chồng thì Thân hẹn miết. Và khi thủy điện xây xong, thì mất hút luôn…” - Hờ Mâu phẩy tay nói vẻ chẳng vui chẳng buồn. Sau khi biết mình bị lừa, chị Hờ Mâu sinh con rồi đặt tên là A Lê Toàn Hão Huyền. “Mình đặt tên con gái như thế để luôn nhớ cái quá khứ quá hão huyền khi tin và trao thân cho một người đàn ông xa lạ…”.
Những đứa trẻ không cha lủi thủi chăn bò
Hơn thế, chị H’Nhan (30 tuổi), ở buôn Thống Nhất cũng yêu và thầm nhớ người tình công nhân thủy điện nói tiếng Bắc. Nhiều người cho rằng H’Nhan hạnh phúc hơn các sơn nữ khác, vì sau khi đứa con trai đầu của mình với anh công nhân kia là A Lê Y Kỳ ra đời thì anh ta đã đến thưa chuyện với cha mẹ H’Nhan để tính chuyện trăm năm. Thế nhưng tiếp theo đứa con thứ hai - A Lê Y Huy được một tuổi, gã này đã cao chạy xa bay theo dòng chảy công trình. Từ đó, cuộc sống của ba mẹ con H’Nhan cứ lặng lẽ buồn trôi với công việc chăn bò, làm mướn nơi núi rừng heo hút cùng nương rẫy và cảnh nghèo thiếu.
Một cán bộ phụ nữ xã cho hay: “Tâm tình chị em với nhau, có đứa nói: thôi, mình làm mình chịu, than thở được gì, chỉ bị cha mẹ chửi thôi! Ở đất núi này, một mình mang thai, sinh đẻ, nuôi con thì khổ cực trăm đường, lượm lặt được gì ăn nấy, nhiều khi con bệnh không có đồng bạc mua thuốc, thấy con người ta uống sữa mà tủi thân,… nhưng rồi cũng lây lất, cũng quen thôi! Mấy thằng đàn ông, nó thích thì đến, không thích thì đi…”. Chị này cũng cho hay, nghe phong thanh có “thằng thủy điện” nói kiểu phủi tay “nhiều thằng chơi, biết có phải là con mình…?!”; thế nhưng một chị trong cảnh ngộ đã nói: “Nói vậy sao được! Đúng là em có gặp gỡ vài công nhân nhưng chỉ “cho” cái thằng… im im, và em cũng đã có nói với nó, tính ngày tháng đều trúng y, giống nó như đúc mà! Thế mà nó dày mặt, nó “lặn” mất tăm!”.
Hy vọng mong manh
Chị Bùi Thị Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Suối Trai cho rằng, không thể “vơ đũa cả nắm” nhưng những chàng “phủi trách nhiệm” kiểu này đúng là những gã “vu vơ, hoang đàng”, khi xa nhà chỉ chăm chắm lợi dụng sự khờ khạo, thật thà của những sơn nữ. “Nhiều công nhân “theo” thủy điện, có lối sống không biết đâu mà lường. Còn chị em trước giờ chưa ra khỏi làng, bị lợi dụng thì chẳng biết địa chỉ nào mà tìm theo. Nói thiệt, đàn ông ở đây rất thật thà và thụ động trong chuyện quan hệ nam nữ, vì tục “bắt chồng” vẫn còn tồn tại. Thế nên chị em rất khó “trở tay” với những lời đường mật của những kẻ “dã tâm”…”. Theo chị Hương, đây thực sự là một vấn đề xã hội không hề nhỏ và hầu hết các công trình thủy điện khi xây xong đều có… con rơi, để lại biết bao thân phận, sinh linh lớn lên vật vờ trong cảnh nghèo túng, bởi không cha, buôn làng dị nghị…
Điểm bưu điện xã cũng trở nên cô quạnh
Trong số những sơn nữ trót ăn trái cấm với những anh “thủy điện”, nhiều chị vẫn còn nồng nàn tin tưởng người đã “bay xa”. Ví như, Hờ Von (ở buôn Xây Dựng) nói: “Hồi trước, ảnh có cho tiền nuôi con, giờ hết rồi. Nhưng ảnh vẫn còn gọi điện, nói là do khó khăn, sẽ trở lại sau, mình phải thông cảm chớ! Không có ảnh thì mình phải gắng một mình nuôi, cho con ăn học thôi…” (?).
Theo nhiều người sống ở đây thì những phụ nữ một mình nuôi con này rất khó thể… đi bước nữa bởi họ đều nghèo, đa số làm rẫy, làm mướn, chạy ăn từng bữa, lấy đâu ra của cải để bắt chồng. Theo tục lệ, khi còn son, thường phải 4-5 con bò mới bắt được chồng. Giờ đã có con thì phải “đền bù, phạt thêm” 1-2 bò nữa, lấy đâu ra…? Ngược lại, tục người Ê Đê ở đây cũng phạt nặng việc đàn ông bỏ vợ. Ví như, trước đây nhà gái “bắt chồng” 5 bò thì đàn ông bỏ vợ buộc phải trả lại gấp đôi (10 bò), nếu đã có con thì phải… thêm bò. Thế nên, chỉ có nhà giàu mới dám bỏ vợ và rất ít đàn ông dám “tạt ngang, tạt ngửa”!”.
Chị Hương cũng cho hay, trước đây, cuộc sống buôn làng đã bị xáo trộn nặng nề về lối sống, do quá đông công nhân đàn ông đến xây thủy điện, nhưng hiện giờ thì hầu hết các cặp trai gái ở đây cưới nhau đều có đăng ký kết hôn. Tục lệ nhà trai “đòi lễ” nhà gái vẫn còn tồn tại trong cộng đồng người Ê Đê ở đây nhưng nhiều đám đã được “châm chước” ít tốn kém hơn trước. Hội phụ nữ xã cũng đã phối hợp với các đoàn thể khác tham gia hòa giải để trai gái bớt gánh nặng do tập tục cưới hỏi, nhưng cũng chỉ từng bước... Riêng sự hỗ trợ vốn vay cho các chị em một mình nuôi con “thủy điện” thì cũng có hạn, bởi đa số chị em này cũng chỉ biết “vơ vào” nương rẫy thôi…
Nói về thực tế đáng buồn này, một kỹ sư gắn bó lâu năm với nhiều công trình thủy điện cho rằng: Do môi trường làm việc “lang bạt” theo các công trình nơi hoang vắng, đã làm cho một số công nhân có lối sống phóng túng, bất chấp hậu quả. Và chính các cô gái ở vùng gần công trình là đối tượng “ngắm” của họ. Nhiều người còn tạo ra “lý lịch giả” để tiện bề “hoạt động”; thế nên, lắm cô gái sau khi mang thai, nghe tin chàng đã “bay” nơi khác, khi lên báo cáo lãnh đạo công trường thì “tìm hoài chẳng thấy tên người nào như vậy”(!). Chẳng những công nhân, một số cán bộ, kỹ sư ngành thủy điện cũng rất “bạt mạng” trong chuyện “săn… thôn nữ, sơn nữ”, dẫu nhiều người đã có vợ con đuề huề ở quê…