THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:26

Làng SOS là mô hình lý tưởng để chăm sóc trẻ em mồ côi

 

Làng SOS chăm sóc 5.874 trẻ em

Theo số liệu thống kê, hệ thống Làng trẻ em SOS (Làng SOS) Việt Nam hiện nay có tại 17 tỉnh/thành phố: Bến Tre, Bình Định, Cà Mau, Đà Nẵng, Điện Biên, Gia Lai, Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Bình, Thanh Hóa, Thái Bình và Thừa Thiên Huế.

Đến cuối tháng 9/2016, tổng số trẻ đã và đang được nuôi dưỡng tại các Làng SOS, lưu xá thanh niên là 5.874 trẻ, trong đó số hiện đang nuôi dưỡng tại 17 Làng trẻ em SOS và lưu xá thanh niên là 2.954.

Tổng số trẻ đã và đang nhận hỗ trợ từ chương trình tăng cường gia đình ở cộng đồng là 2.424 trẻ. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và bà mẹ, bà dì cơ hữu hiện đang công tác trong hệ thống Làng SOS Việt Nam là 1.246 người. Tổng số tiền SOS Quốc tế đã viện trợ cho SOS Việt Nam đến hết năm 2015 là 107.236.880 USD.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tính hết tháng 9/2016, tại 17 Làng SOS cơ sở có 230/239 nhà gia đình hoạt động; 2.240 trẻ đang được nuôi dưỡng, tăng 45 trẻ so với năm 2015; 714 trẻ ở ký túc xá, ở nhà trọ để học chuyên nghiệp và bán tự lập, tăng 72 trẻ so với năm 2015. Số trẻ trung bình/gia đình đạt 8,18; số trẻ đã cắt hỗ trợ tài chính từ trước tới nay là 2.092 trẻ, trong đó: 1.171 trẻ đã tự lập hoàn toàn (trong số này đó có 619 em đã xây dựng gia đình).

Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ được Làng và các gia đình thực hiện chu đáo, đảm bảo cuộc sống cho các cháu về ăn, mặc và các nhu cầu khác liên quan đến cuộc sống hàng ngày của trẻ. Toàn bộ trẻ em trong độ tuổi đều được tiêm phòng, uống vắc xin phòng bệnh đầy đủ. Bà mẹ bà dì được cung cấp các kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, tâm sinh lý, giáo dục, vệ sinh phòng bệnh; các kỹ năng sống, kỹ năng kỷ luật tích cực, quyền trẻ em… Việc học tập và rèn luyện của trẻ được Làng SOS quan tâm, tỉ lệ lên lớp và tỉ lệ tốt nghiệp bình quân hàng năm đạt trên 98%; có trên 85% trẻ sau khi kết thúc học văn hóa được đi học nghề, học chuyên nghiệp. Công tác hướng nghiệp được các Làng tổ chức nhằm tư vấn và lắng nghe nguyện vọng của thanh niên; cung cấp thông tin tuyển sinh, nhu cầu lao động của xã hội giúp thanh niên có cơ sở chọn ngành nghề phù hợp với khả năng mình. Thanh niên học tốt được định hướng thi ĐH và CĐ, số còn lại vào học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề hoặc đi làm ngay sau khi kết thúc học tập.

Bên cạnh mô hình chăm sóc trẻ tập trung tại Làng SOS còn có chương trình tăng cường gia đình nhằm hỗ trợ tài chính cho thân nhân đang nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở cộng đồng thực hiện tại Bến Tre, Cà Mau, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Nghệ An, Quảng Nam và Thái Bình. Mục đích của chương trình là để phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho trẻ được tiếp tục học tập và sống cùng thân nhân, nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bỏ rơi. Tính đến 30/9/2016, có 2.424 trẻ đã và đang được hỗ trợ, trong đó có 924 trẻ đã rời chương trình, 1.500 trẻ đang nhận hỗ trợ. Mức hỗ trợ cho mỗi trẻ là 300.000 đồng/tháng, trong đó 50% kinh phí được Bộ LĐ-TB&XH cấp.

Chăm sóc trẻ tại làng SOS là một hình thức chăm sóc thay thế

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Đào Hồng Lan ghi nhận và biểu dương những kết quả Làng SOS đã đạt được trong công tác chăm sóc trẻ em. Thứ trưởng nhấn mạnh: SOS là hệ thống nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em lớn trên thế giới. Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, mô hình Làng SOS là mô hình lý tưởng để chăm sóc cho trẻ em mồ côi. Thời gian tới Làng SOS cần quan tâm bảo đảm quyền của trẻ em, các quy định về bảo vệ trẻ em trong hệ thống SOS, làm sao để các em lớn lên có thể tự chủ trong cuộc sống.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội nghị.

 

Sau gần 30 năm thực hiện Hiệp định với SOS, có kết quả hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Việt Nam và SOS quốc tế. Việt Nam được ưu tiên, hỗ trợ rất nhiều của SOS quốc tế, Việt Nam có số làng đứng thứ 3 trên thế giới (sau Ấn Độ và Braxin). Đó là do Việt Nam rất được quan tâm, đồng thời cũng có nhiều trẻ em mồ côi. Trong những năm qua, hệ thống SOS đã chuyển đổi rất nhiều, thực hiện cơ chế tự chủ ở các trường Hermann Gmeiner, các Làng vận động sự tham gia của các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, tháng 4/2016, Luật trẻ em đã được Quốc hội thông qua với nhiều chính sách mới, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Nhiều chính sách, đề án được ban hành về quyền tham gia, lao động trẻ em, bảo vệ trẻ em, phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích. Nhờ đó, có nhiều chính sách để thực hiện tốt quyền trẻ em. Dự kiến tháng 2/2017 sẽ trình Chính phủ Nghị định Luật trẻ em, có hiệu lực từ tháng 6/2017.

Thứ trưởng đề nghị, các Làng cần chú ý nâng cao nhận thức, thực hiện đúng quy định của nhà nước. Cần nghiêm túc triển khai các văn bản pháp luật về trẻ em. "Trong hệ thống Làng không được vi phạm quyền trẻ em. Đồng thời, bảo đảm uy tin về sự hợp tác của Việt Nam với quốc tế, các vấn đề cần đảm bảo công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi cho trẻ em. Năm 2017 là năm tổng kết 30 năm thực hiện Hiệp định với SOS. Các Làng và văn phòng SOS Việt Nam cần đánh giá lại kết quả hoạt động thời gian qua và các định hướng trong thời gian tới, nội dung đề xuất cụ thể, cách triển khai Chiến lược đến 2030"- Thứ trưởng Đào Hồng Lan lưu ý 

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh