CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:24

Những đứa trẻ mồ côi dưới chân núi Kong

 

Đi lên từ đau thương

Chúng tôi tìm đến làng H're, dưới chân núi Kong, nơi có một căn nhà lá lụp xụp, là nơi sinh sống của 7 anh em mồ côi người dân tộc Ba Na. Ông Dun (người dân trong làng) chỉ tay vào đứa lớn nhất trong nhà cho biết: "Đây là nhà thằng A Đưng. Nó tội lắm, từ khi 13 tuổi, mẹ nó bệnh hiểm nghèo rồi mất, bố nó đi tự tử để lại 7 anh em nheo nhóc nuôi nhau. Dân làng ai cũng coi 7 anh em nó như con cháu trong làng, ai có gạo, rau đều mang qua cho anh em nó nấu ăn thì chúng nó mới sống được tới bây giờ đó...".
A Đưng giờ đây đã là cậu thanh niên 19 tuổi, nhưng thân hình rất nhỏ bé, còi cọc, vì lam lũ kiếm sống từ nhỏ. Ngồi bên bếp lửa, A Đưng nghẹn ngào trong nước mắt nhớ lại: Hồi đó, A Đưng mới lên lớp 4, mẹ Đưng đi rẫy về thì bị sốt cao, uống thuốc thế nào cũng không khỏi. Mấy ngày sau thì mẹ Đưng mất, để lại bố và 7 anh em đang còn tuổi ăn, tuổi học. Sau khi vợ mất, bố Đưng  buồn lắm, ít nói hơn, hay uống rượu một mình. Thế rồi hai tuần sau, dân làng phát hiện bố Đưng treo cổ trên cây cách nhà chừng vài cây số. Nỗi đau mất mẹ chưa qua, giờ lại phải gánh chịu thêm nỗi đau mất cha, 7 anh em nhà A Đưng thành những đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa. Cha mẹ mất để lại cho 7 anh em căn nhà sàn lợp tranh, xung quanh là tre, nứa, diện tích chưa đầy 4m2 cùng với đàn gà.

                                                  Anh em A Đưng
Cuộc sống của 7 đứa trẻ rơi vào bế tắc, không nơi nương tựa. Lúc đó, em út A Xóa mới được 2 tháng tuổi, lại hở hàm ếch và mù một mắt bẩm sinh. Đêm nào A Xóa cũng khóc vì thiếu sữa. Là anh cả, thế nhưng A Đưng lúc đó cũng chỉ mới 13 tuổi, không biết làm gì nên suốt ngày bế em đi từng nhà xin sữa và nhờ dỗ em cho khỏi khóc. Trách nhiệm nuôi 6 đứa em nhỏ đều đặt lên vai cậu bé A Đưng và em quyết định nghỉ học để đi làm kiếm tiền nuôi các em ăn học.
 Buổi sáng khi bà con í ới gọi nhau lên nương, A Đưng cũng vác cuốc đi theo, ai thuê gì thì làm nấy. Từ cuốc đất trồng mì, xuống ruộng cấy lúa, phun thuốc sâu, việc gì A Đưng cũng làm để mong đổi lấy bát gạo về nhà nuôi các em. Chiều tối, tranh thủ thời gian, A Đưng lại vào rừng tìm măng, lấy củi kiếm tiền mua sữa cho A Xóa và tiền ăn học cho các em. Khi mùa gặt xong, A Đưng cùng các em cầm túi đi mót từng hạt thóc còn sót lại, cứ như thế, mùa khoai mót khoai, mùa sắn mót sắn, ai cho gì, anh em ăn cái đó.

Hầu như mọi cánh rừng, thửa ruộng trên núi Kong đều có vết chân của anh em nhà A Đưng. Cũng vì đi bắt chim, bắt chuột kiếm sống nên A Đét (em thứ 3 của A Đưng) bị bẫy đập vào mắt. Không có tiền chữa trị và thuốc thang nên A Đét bị mù mắt trái.
Thấy cảnh nhà A Đưng khốn khó, nhiều người trong làng đến xin các em về nuôi, nhưng A Đưng một mực không chịu. "Họ nói là đưa em cho họ nuôi, rồi họ sẽ cho Đưng gạo và tiền. Chứ Đưng nuôi không nổi em đâu, các em Đưng lại đói, tội chúng lắm. Lúc đó, Đưng ôm cứng các em không cho ai bắt đi cả, vì Đưng quen sống với các em rồi. Sau đó, Đưng dẫn các em lên núi Kong trốn, lúc nào họ đi hết, Đưng mới dẫn các em về..." - A Đưng ngậm ngùi kể.


Tất cả vì "con chữ"

                                                   Quây quần chăm nhau
Khi được hỏi về chuyện học hành, trên nét mặt A Đưng không giấu nổi nét thoáng buồn. Có lẽ, con đường đến trường giờ đây đã quá xa vời trong niềm mơ ước của cậu bé người dân tộc Ba Na này. Tuy nhiên, do nhận thức được tầm quan trọng của việc học, đồng thời được sự động viên hỗ trợ của chính quyền địa phương và nhà trường, A Đưng quyết tâm cho các em của mình theo học đến nơi đến chốn. Hằng ngày, những đứa em Đưng phải đi hơn 1 giờ đường rừng để tới trường. Hôm nào rảnh, Đưng tranh thủ mượn xe máy chở các em đi, còn không, các em lại đội nắng, đội mưa đi học.
Thương các em, mỗi năm Đưng vẫn mua cho A Đối và A Đét một bộ quần áo trắng để đi học cho bằng bạn, bằng bè. Đưng luôn động viên các em cố gắng học cái chữ để mai sau, cuộc sống đỡ khó khăn. Thương anh, những đứa trẻ đã nỗ lực học tập nên kết quả cuối năm đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và học sinh tiên tiến. Những tấm giấy khen cất giữ cẩn thận trong góc tủ chính là nguồn động viên lớn để 7 anh em A Đưng cùng cố gắng.
Cũng như bao nhiêu chàng trai khác trong làng, 16 tuổi, A Đưng cũng có một tình yêu thật đẹp với cô gái bên làng Đăk Sơ Mei. Quen nhau được 3 năm, nhưng Đưng không dám dẫn cô gái làng bên về nhà và cũng chưa tính đến chuyện tình cảm. Ẩn bên trong là những nỗi buồn, nỗi lo sợ không nói thành lời của chàng thanh niên Ba Na mới lớn. Đưng sợ bị Vợ “bắt”, sợ không ai lo cho những đứa em còn thơ dại, đành dở dang mối tình đẹp vì các em còn quá nhỏ. Nhiều khi buồn, Đưng thường ngồi một mình hay đi vào rừng sâu săn thú. Gác lại chuyện tình cảm riêng tư, Đưng cố gắng đi làm để cho tất cả các em đều được đi học và đưa A Xóa, A Đét đi bệnh viện chữa trị mắt.
Cũng trong làng H're, cách nhà A Đưng vài nóc nhà là gia đình A Đê có 7 chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cũng giống anh em A Đưng, năm 2013, mẹ A Đê bị bệnh rồi mất, chưa đầy một tháng sau, người làng phát hiện cha treo cổ ngay trong nhà, từ đó, 7 chị em nhà A Đê trở thành trẻ mồ côi. Sau khi cha mẹ mất, chị gái đầu của A Đê lấy chồng rồi theo chồng về bên làng Đăk Sơ Mei, bỏ lại 6 chị em A Đê và ngôi nhà dưới chân núi Kong cùng bao nỗi mất mát, tang thương.
May mắn hơn những đứa trẻ trong gia đình A Đưng, chị em A Đê tuổi cũng đã nhỉnh hơn. Năm cha mẹ mất, em út A Chuyết đã lên 7 tuổi, A Đê đã 19 tuổi và “bắt” được một người chồng về nhà cùng phụ mình chăm lo cho các em. Khi được hỏi về chuyện “bắt” chồng, A Đê tâm sự: "Cha nó mất, mẹ nó tự tử theo. Thấy hoàn cảnh nó giống hoàn cảnh của gia đình mình, mình cũng thương nó, theo nhau về nhà thành vợ chồng. Nó cũng thương các em mình lắm. Hằng ngày, hai vợ chồng cùng đi làm thuê để lo cho các em, chỉ mong chúng được đến trường, được học con chữ".
"Vấn nạn tự tử trên địa bàn thường xảy ra ở đồng bào các dân tộc thiểu số. Thực tế, do đời sống kinh tế còn khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế nên khi gặp chuyện buồn bực, họ thường tìm đến cái chết để giải thoát bản thân. Chính quyền cũng đã tuyên truyền cho bà con hiểu, đồng thời cử công an xã, trưởng thôn và Đoàn thanh niên bám địa bàn để giải quyết những mâu thuẫn trong các gia đình, giúp bà con làm kinh tế để có cuộc sống ấm no, các cháu đều được tới trường trong điều kiện tốt nhất".
Ông A Djeoh, Chủ tịch UBND xã Đắc Tơ Ve cho biết.
Để lại sau lưng ngôi làng H're, dưới chân núi Kong, chúng tôi ra về mà lòng day dứt về hoàn cảnh, số phận của những đứa trẻ mồ côi cùng chung hoàn cảnh. Chỉ vì chút nông nổi của các bậc làm cha mẹ mà để lại những đứa con bơ vơ tự kiếm sống giữa núi rừng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Chư Pah nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung, vấn nạn tự tử vẫn còn xảy ra khá phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc Jrai, Ba Na và có chiều hướng gia tăng. Được biết, vấn nạn tự tử cao thường xảy ra ở các huyện Kông Chro, Kbang, Chư Pah, Chư Sê, Chư Prông, Ia Grai, Krông Pa... Các vùng này, bà con thường sống tách biệt từng làng, trình độ dân trí thấp nên gặp lúc tức giận, túng quẫn thường tìm đến cái chết để giải thoát mình. Hệ lụy để lại là những đứa trẻ mồ côi bơ vơ không nơi nương tựa.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp hữu hiệu, làm tốt công tác tuyên truyền để những bậc làm cha, làm mẹ, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc nuôi dạy con. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất cho các em được học tập và vui chơi. Hy vọng rằng, sẽ không còn những hoàn cảnh như nhà A Đưng hay A Đê trong xã hội, để các em được hưởng hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của cha mẹ.

Theo Báo Biên Phòng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh