THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:17

Sơ kết hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

 

 

Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng phát biểu tại Hội nghị

 

 Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng nhấn mạnh vai trò của hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG) đến việc bổ sung và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và trên thế giới. Hội nghị được tổ chức nhằm xem xét, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, thách thức cần phải giải quyết và xác định những giải pháp để thúc đẩy hệ thống phát triển.

Đánh giá, cấp chứng chỉ Kỹ năng nghề quốc gia nhằm công nhận trình độ kỹ năng nghề cho người lao động đạt được thông qua các khóa đào tạo chính quy, phi chính quy hoặc do người lao động tự học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình làm việc. Hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG có vai trò thúc đẩy người lao động tham gia học tập suốt đời, các doanh nghiệp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động, qua đó chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng cao.

Sau khi được cụ thể hóa tại Luật Dạy nghề năm 2006, các hoạt động tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG cho người lao động bắt đầu được triển khai từ năm 2008. Cho đến nay, đã xây dựng và ban hành được 191 bộ tiêu chuẩn KNNQG; biên soạn được ngân hàng đề thi cho 84 nghề; thành lập được 42 tổ chức đánh giá KNN phân bố tại các vùng miền trọng điểm trên toàn quốc; đã tổ chức đánh giá KNN cho gần 45 nghìn người lao động trong cả nước và cấp chứng chỉ KNNQG cho hơn 38 nghìn lao động, trong đó có các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đánh giá và cấp CCKNNQG còn những hạn chế, tồn tại như các tiêu chuẩn KNNQG chưa được xây dựng, cập nhật theo yêu cầu; số lượng các nghề có ngân hàng đề thi và số lượng các tổ chức đánh giá còn thấp; việc đào tạo, phát triển đội ngũ đánh giá viên còn hạn chế… Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm trong việc tiếp cận doanh nghiệp và người lao động khi triển khai đánh giá, các biện pháp kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện đánh giá; góp ý về các giải pháp để phát triển hệ thống và đánh giá trình độ KNN cho nhà giáo GDNN đạt chuẩn theo quy định.

Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng đề nghị các địa phương phối hợp với Tổng cục GDNN tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để người lao động, các doanh nghiệp và toàn xã hội hiểu rõ vai trò của hoạt động đánh giá kỹ năng nghề; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống pháp lý, cơ chế, chính sách để phân cấp cho các địa phương, huy động các nguồn lực từ xã hội hội hóa trong công tác xây dựng, cập nhật các tiêu chuẩn KNNQG, mở rộng danh mục các nghề và quy mô tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG; tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia và phục vụ cho việc công nhận trình độ và di chuyển lao động trong khối cộng đồng kinh tế chung ASEAN.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh