Quảng Ngãi: Đa dạng hóa hình thức tuyển sinh dạy nghề
- Giáo dục nghề nghiệp
- 15:58 - 27/09/2018
Ngày 19/12/2017, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp. Với sự vào cuộc tích của các cấp, các ngành, nhận thức của xã hội về dạy nghề, học nghề ở nhiều địa phương trong tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, thu hút được sự quan tâm của người dân, xã hội, doanh nghiệp đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm hay, thiết thực trong công tác tuyển sinh, tạo được dư luận tốt về học nghề. Sở LĐ-TB&XH với chức năng là cơ quản lý nhà nước về dạy nghề đã tổ chức nhiều sự kiện như: Ngày hội định hướng giáo dục nghề nghiệp-tuyển sinh năm 2018 tại 2 huyện Đức Phổ và Sơn Hà. Qua những cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa các trường nghề và học sinh đã tạo được sự liên kết chặt về nhận thức của học sinh về định hướng nghể nghiệp trong tương lai. Từ chỗ học sinh bị động về định hướng nghề nghiệp và chỉ thực sự tìm đến học nghề sau khi đã trượt đại học sẽ gây ra tốn kém về thời gian và tài chính cho học sinh, gia đình và xã hội. Thì hiện nay, học sinh đã tự mình chọn lựa ngành học phù hợp với điều kiện học lực, kinh tế gia đình cũng như cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường.
Ông Lương Kim Sơn phát biểu tại Ngày hội định hướng giáo dục nghề nghiệp-tuyển sinh năm 2018 tại huyện Đức Phổ
Theo báo cáo từ Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất, trong tổng số hơn 800 tân sinh viên, học sinh vừa nhập học đợt I tại trường có 40 em đã trúng tuyển vào Đại học. Thế nhưng thay vì nhập học để làm "thầy", các em đã tìm đến trường nghề học làm "thợ" với mong muốn có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp. Có học sinh đã trúng tuyển vào Đại học Nội vụ và Đại học Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, các em đã quyết định từ bỏ cánh cổng trường Đại học để theo học chuyên ngành Điện Công nghiệp tại trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất.
Có thể thấy học sinh đã có lập luận rất thực tế về định hướng nghề nghiệp khi phát biểu: "Điều quan trọng nhất với chúng em là không phải là học để có được bằng cấp thật cao mà phải học để có việc làm ổn định ngay sau khi ra trường". Lập luận này hoàn toàn có cơ sở khi học sinh sau 2 năm học nghề đã có thể vào làm 1 8 doanh nghiệp lớn của tỉnh ngay tại khu công nghiệp Vsip với mức lương từ 6-8 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, một trong những điều kiện tiên quyết để học sinh mạnh dạn học nghề là các trường sẽ cam kết tìm việc làm cho học sinh ngay sau khi ra trường như Trường Cao đẳng Kỹ Nghệ Dung Quất đã thông báo: "Trường cam kết tìm việc làm cho 100% học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Và điều đó đã được nhà trường thực hiện tốt trong nhiều năm qua. Đối với một số ngành thì ngay từ năm học thứ 2 các em đã được thực tập nâng cao tay nghề tại doanh nghiệp và được chính doanh nghiệp đó trả lương với mức 200 - 250 ngàn đồng mỗi ngày". Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tây đã từng phát biểu như vậy trong lễ khai giảng năm học mới 2018-2019 và cho biết, giai đoạn 2018 - 2020 nhà trường được đặt hàng đào tạo và cung ứng gần 16.000 nhân lực cho các doanh nghiệp tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi.
Lớp công nghệ Hàn tại Trường Cao đẳng kỹ nghệ Dung Quất.
Không ngừng đổi mới giáo trình nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng với nhu cầu thị trường, nhất là trong xu thế hội nhập hiện nay, đòi hỏi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tự trang bị kiến thức, vật tư dạy nghề cũng như củng cố và nâng cao trình độ cho giáo viên giảng dạy. Đơn cử như Trường Cao đẳng Nghề cơ giới Quảng Ngãi đã có những chiến lược “đi tắt đón đầu” khi mạnh dạn ký kết hợp đồng liên kết đào tạo cho 30 giáo viên của trường (văn bằng 2) với Trường Cao đẳng Thủy sản TPHCM với các ngành nghề chủ yếu liên quan đến ngành thủy sản như: Khai thác thủy sản, Thuyền trưởng-máy trưởng. Đây có thể là một cách làm hay khi nhà trường đã nắm bắt được nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ cho nghề đáng bắt thủy sản của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng cũng như các tỉnh Miền trung nói chung.
Trường Cao đẳng nghề cơ giới Quảng Ngãi cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực chế tạo thiết bị đào tạo nghề, nhằm nâng cao sự tìm tòi, sáng tạo của thầy và trò nhà trường. Vì vậy, trong những năm qua nhà trường đã có nhiều thiết bị tự chế tạo với giá thành rẻ chỉ bằng 50% giá thành trên thị trường. Nhằm đáp ứng và tiếp cận công nghệ 4.0 trong tương lai, ngay từ những năm chuyển giao hiện nay, nhà trường đã liên tục cập nhật các giáo trình tiên tiến vào công tác quản lý và đào tạo nghề.
Với thế mạnh là 2 trường trực các Bộ, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất và Trường Cao đẳng nghề Cơ giới đã tập trung cho công tác tuyển sinh với phương châm: Việc tìm người, việc làm gắn với nhu cầu xã hội tạo thu nhập ổn định. Ngay từ những tháng đầu năm, bộ phận tuyển sinh của các trường đã tiếp cận với học sinh đang học những năm cuối cấp trung học cơ sở thông qua hệ thống các Trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc tiếp xúc tại trường để học sinh có khái niệm cơn bản về học nghề. Các trường cũng dành những buổi tham quan tại trường, cho học sinh được tiếp xúc với thiết bị dạy nghề, tham gia các buổi thực hành tại chỗ để các em tự kiểm chứng năng lực cũng như sở thích của mình với những ngành nghề xã hội đang cần.
Học sinh tham gia Ngày hội định hướng giáo dục nghề nghiệp-tuyển sinh năm 2018 tại huyện Đức Phổ.
Theo báo cáo sơ bộ về công tác tuyển sinh trong 9 tháng đầu năm 2018 này, các trường trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh được 8000 học viên các cấp từ cao đẳng đến sơ cấp. Đây là tín hiệu rất khả quan về công tác đào nghề, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguồn nhân lực từ các doanh nghiệp đang đầu tư vào Quảng Ngãi. Song, cũng phải nhìn nhận khách quan rằng con số vừa nêu vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của các doanh nghiệp. Điển hình như Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất có nhu cầu tuyển dụng trong vòng 3 năm tới sẽ 8000 kỹ sư, công nhân lành nghề, nhưng đến thời điểm này con số lao động của Hòa Phát Dung Quất vẫn xấp xỉ 4000 lao động. Như vậy, vẫn còn rất nhiều vị trí việc làm đang được các doanh nghiệp chờ đón trong thời gian đến.
Xuất phát từ thực tế này, đã đặt ra cho các ngành chức năng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh rất nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thác thức không chỉ ở đầu vào của tuyển sinh, đào tạo mà còn liên quan đến đầu ra của việc làm. Yếu tố chất lượng nguồn nhân lực là điều mà rất nhiều doanh nghiệp có nhu tuyển dụng hiện nay đang quan tâm và cũng là bài toán cho các cơ sở đào tạo nghề. Làm thế nào mà một lao động được tuyển dụng có thể bắt tay ngay vào làm việc với hiệu xuất tốt luôn là điều mong mỏi từ nhiều phía. Khắc phục tình trạng học không đi đôi với hành, trong những năm gần đây các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo ngay tại doanh nghiệp trước khi vào làm chính thức.
Nhìn chung, công tác định hướng nghề nghiệp-tuyển sinh trong những năm qua trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đanh giá chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, tiến tới giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, đáp ứng 3 đột phá của tỉnh Quảng Ngãi là phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm chủ lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiến tới xây dựng tỉnh nhà thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 theo Nghị quyết của đại hội Đảng bộ lần thứ XIX.