Sở GD&ĐT Hà Nội nói gì sau 1 năm bỏ thi tuyển vào lớp 6?
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:47 - 10/05/2016
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa hướng dẫn các địa phương, trường học thực hiện tuyển sinh vào các lớp đầu cấp. Một trong những vấn đề được xã hội quan tâm là năm học 2016-2017, Sở tiếp tục yêu cầu tất cả các trường THCS trên toàn thành phố không tổ chức thi tuyển mà thay vào đó là hình thức xét tuyển.
Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội giải thích rõ hơn về việc duy trì thực hiện chủ trương trên.
PV: Sau 1 năm thực hiện không thi tuyển vào lớp 6 ở tất cả các trường THCS trên toàn quốc, xin ông cho biết, kết quả đợt tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển ở những trường có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu như thế nào?
Ông Phạm Văn Đại: Năm 2015, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thực hiện việc không thi tuyển vào lớp 6 mà thay vào đó là phương thức xét tuyển đối với học sinh trên toàn thành phố. Các trường THCS như: Hà Nội-Amsterdam, Cầu Giấy, Lương Thế Vinh, Nguyễn Tất Thành, Marie Curie có số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh đều chuyển sang phương thức xét tuyển.
Để chuẩn bị cho phương án này, Sở GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng các tiêu chí cẩn thận nên kết quả đợt tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển ở những trường trên đều tốt, không có vấn đề nào nổi cộm, gây xáo trộn ảnh hưởng đến công tác xét tuyển.
Năm học 2016-2017, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các trường THCS không tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức thi tuyển nên Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các trường THCS thực hiện công tác tuyển sinh bằng xét tuyển.
PV: Ông có nghĩ rằng, nếu các trường được phụ huynh đánh giá cao về chất lượng đào tạo và có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh mà không thi tuyển thì chất lượng học sinh vào trường sẽ không được tốt như mọi năm không, thưa ông?
Ông Phạm Văn Đại: Chúng ta muốn đánh giá chất lượng học sinh vào các trường được phụ huynh đánh giá cao và có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh thì cần phải có thời gian đánh giá, chứ không thể đưa ra nhận xét trong vòng 1 đến 2 năm.
Vì vậy, chúng ta cần có thêm thời gian để đánh giá xem việc bỏ thi tuyển đầu cấp và thay vào đó là hình thức xét tuyển có những ưu điểm, hạn chế gì để ngành Giáo dục Thủ đô có đề xuất với Bộ GD&ĐT đưa ra giải pháp phù hợp hơn.
PV: Nếu năm nay, một số trường THCS vẫn đề xuất phương án tuyển sinh lên Sở GD&ĐT Hà Nội bằng hình thức kiểm tra chỉ số IQ, EQ, AQ… thì Sở sẽ tiếp nhận đề xuất này như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Văn Đại: Năm 2015, một số trường đã đề xuất thực hiện công tác tuyển sinh bằng hình thức trên. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là nghiêm cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới bất kỳ hình thức nào nên Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thực hiện chỉ đạo đó và năm nay cũng sẽ thực hiện như vậy, chỉ cho phép các trường tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển.
PV: Thưa ông, mặc dù ngành Giáo dục cấm tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức thi tuyển nhưng niện nay, những cuộc thi giải Toán, tiếng Anh qua mạng Internet trở nên rất rầm rộ ở một số thành phố lớn. Có ý kiến cho rằng, đây là một hình thức thi tuyển khác nhằm kiểm tra trí thông minh của học sinh nhưng đã tạo áp lực học tập rất lớn đối với các em bậc Tiểu học, đặc biệt là học sinh chuẩn bị chuyển sang cấp THCS. Ông có thể giải thích rõ hơn về các cuộc thi này?
Ông Phạm Văn Đại: Các cuộc thi giải Toán, tiếng Anh qua mạng Internet là một sân chơi thử trí thông minh, sáng tạo của học sinh. Các em có quyền tự nguyện tham gia chứ không phải bắt buộc nên không thể nói là tạo ra áp lực học tập cho học sinh được.
PV: Thưa ông, hiện nay, phụ huynh đang rất lo lắng đối với việc xét tuyển vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập, rèn luyện 5 năm Tiểu học và cộng điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Bởi vì nếu con của họ có kết quả học tập 5 năm đều tốt nhưng lại không có giấy khen, bằng khen hay được cộng điểm ưu tiên ở các cuộc thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận thì khó có thể trúng tuyển vào những trường được đánh giá là có chất lượng cao. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?
Ông Phạm Văn Đại: Tùy theo từng trường sẽ xây dựng các tiêu chí tuyển sinh phù hợp để chọn lọc học sinh nhưng vẫn phải đảm bảo đều phải lấy kết quả học tập của các em ở cấp Tiểu học.
Việc đưa ra thêm các tiêu chí tuyển sinh vào trường có hồ sơ nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh như có thêm giấy khen, bằng khen, điểm ưu tiên ở các cuộc thi là quyền lựa chọn của các trường. Học sinh nào đáp ứng được các tiêu chí mà trường đưa ra thì mới trúng tuyển vào trường, chứ nhà trường không thể tuyển sinh hết được hồ sơ đăng ký.
PV: Xin cảm ơn ông!