CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:03

Nhận thức về ATVSLĐ của NLĐ và chủ DN cần được nâng cao hơn

 

Qua thanh tra đã phát hiện 541 sai phạm (bình quân 11 sai phạm/DN), đồng thời đưa ra các kiến nghị yêu cầu DN thực hiện ngay nhằm giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) đối với người lao động. Cụ thể: Hầu hết các doanh nghiệp chưa xây dựng kế hoạch ATVSLĐ, xây dựng kế hoạch sản xuất hằng năm. Có 8/49 DN chưa báo cáo định kỳ tình hình sử dụng và nhu cầu sử dụng lao động và 35 DN chưa báo cáo định kỳ về tình hình TNLĐ với cơ quan chức năng. Các DN ở đây đã ký hợp đồng lao động với 5.265/5.265 người lao động (NLĐ), tuy nhiên, đa số là hợp đồng thời vụ dưới 3 tháng. Nội dung hợp đồng lao động của 40/49 DN ghi chung chung, chưa thể hiện rõ quyền lợi và nghĩa vụ của NLĐ, cụ thể: Mục công việc phải làm ghi “theo sự sắp xếp của trưởng bộ phận và lãnh đạo công trình”; chưa quy định ngày nghỉ hàng tuần; chưa thể hiện khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hàng năm mà người sử dụng lao động phải trả cho NLĐ...

Bên cạnh đó, có 9/49 DN chưa bố trí cho NLĐ tại một số vị trí sản xuất được nghỉ tính bình quân một tháng ít nhất 4 ngày; 8/49 DN huy động NLĐ làm thêm giờ vượt quá 30 giờ trong 1 tháng và 200 giờ trong một năm; 12/49 DN chưa trả đủ tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ làm thêm giờ vào ngày làm việc bình thường, ngày nghỉ hàng tuần hoặc ngày nghỉ lễ, tết; 1.423 người chưa được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; 7/49 DN chậm đóng bảo hiểm xã hội, với tổng số tiền là gần 11 tỷ đồng.

Vụ tai nạn sập giàn giáo tại công trình đúc thùng chìm trọng lực cảng Sơn Dương dự án Formosa tối 25/3/2015.

Nhiều DN cũng chưa xây dựng nội quy vận hành máy, thiết bị và các biện pháp làm việc bảo đảm ATVSLĐ. Có 18 doanh nghiệp chưa tổ chức khám định kỳ cho người lao động và hầu hết các DN chưa đo tác hại môi trường nơi làm việc do trung tâm y tế dự phòng địa phương thực hiện. Hầu hết các thiết bị sử dụng điện chưa đảm bảo an toàn; nhiều vị trí thi công sử dụng giàn giáo chưa đảm bảo an toàn hoặc dùng máy cẩu để cẩu người lao động làm việc trên cao là trái quy định của Bộ luật Lao động.

Đáng chú ý, từ ngày 1/1/2014 đến thời điểm đoàn thanh tra Bộ LĐ-TB&XH làm việc, có 3 vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra, trong đó có 1 vụ tai nạn chết người, nhưng DN không tổ chức điều tra, lập biên bản khai báo rõ ràng. Cùng với đó, có 36 DN đang sử dụng 563 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ nhưng trong đó có 10 DN chưa thực hiện kiểm định kỹ thuật; có 23 DN chưa tổ chức huấn luyện ATVSLĐ lần đầu cho NLĐ, trong đó có 2.487 lao động Việt Nam.

Qua thanh tra cũng phát hiện một số vi phạm tại công trường xây dựng của các đơn vị nhà thầu, cụ thể: Các nhà thầu chính đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp thi công và biện pháp an toàn của các nhà thầu phụ, tuy nhiên việc giám sát các nhà thầu phụ thực hiện các biện pháp an toàn khi thi công chưa chặt chẽ, tại một số vị trí xây lắp xưởng cán nóng còn một số nhà thầu phụ thực hiện thi công nhưng chưa đảm bảo các điều kiện an toàn lao động, như: Có vị trí chân cột giàn giáo thép chưa được lồng vào chân đế; cho xe tải chở hàng chở người và thiết bị trên thùng xe; máy cắt kim loại không có che chắn phôi bắn; khoảng cách giữa bình oxy và gas khi hàn chưa đảm bảo (nhỏ hơn 5m); một số vị trí chưa trang bị đầy đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy; chưa trang bị phích cắm cho thiết bị sử dụng điện (quạt gió) tại một số vị trí; có vị trí NLĐ không sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân (mũ, giầy bảo hộ); các giàn giáo cao hơn 12m chưa làm cầu thang trong một khoang giàn giáo; sàn thao tác trên giàn giáo không đảm bảo quy định (chiều rộng sàn công tác của giàn giáo được nhỏ hơn 1m, không được cố định vào các thanh ngang của khung giáo); chưa đặt biển báo tại các vị trí nguy hiểm do vật có thể rơi tự do từ trên cao xuống...

Đánh giá về kết quả thanh tra, ông Phan Đăng Thọ, Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Không thể phủ nhận những kết quả đạt được của các dự án trong khu kinh tế Vũng Áng. Tuy nhiên, qua quá trình thanh, kiểm tra cho thấy nhiều chủ đầu tư còn chưa đôn đốc các nhà thầu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Bên cạnh đó, một số DN Trung Quốc chưa được cấp giấy phép xây dựng tại Việt Nam, nhưng trên cơ sở ký kết hợp đồng các gói thầu với nhà thầu chính đã mượn danh nhà thầu chính ký kết hợp đồng lao động với văn phòng điều hành dự án để đưa lao động vào làm việc tại dự án là sai phạm.

Ông Phan Đăng Thọ cũng cho biết thêm, qua quá trình thanh tra, đoàn đã yêu cầu các chủ đầu tư cần tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các nhà thầu thực hiện công tác ATVSLĐ khi thi công các hạng mục, đặc biệt trong việc sử dụng máy, thiết bị nâng hạ, thiết bị điện, sử dụng giàn giáo, làm việc trên cao và trong không gian hẹp; yêu cầu các nhà thầu phụ phân loại lao động để tổ chức huấn luyện; tổ chức đo kiểm tra môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; lập phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp, lập tình huống giả định sự cố để tổ chức diễn tập hàng năm.

Để nâng cao chất lượng công tác ATVSLĐ trong Khu kinh tế Vũng Áng nói riêng và trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Sở LĐ-TB&XH và các cơ quan chức năng của Hà Tĩnh cần tăng cường quản lý chất lượng hoạt động dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ và dịch vụ kiểm định an toàn thiết bị trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người sử dụng lao động trên địa bàn, trong đó chú trọng các chuyên đề phân loại nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, kỹ năng đánh giá nguy cơ và đề ra biện pháp an ATVSLĐ.

VL/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh