“Rút giấy phép doanh nghiệp huấn luyện ATLĐ nếu vi phạm"
- Bài thuốc hay
- 01:00 - 12/04/2018
Quảng cảnh buổi đối thoại
Tham dự hội nghị còn có ông Chang - Hee - Lee, Giám đốc tổ chức Lao động quốc tế tại Hà Nội. Đại diện các thành viên của Hội đồng, như: Bộ Y tế, Xây dựng, Công thương, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp và Sở LĐ-TBXH các địa phương.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết: Thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt hơn, việc đối thoại định kỳ về chính sách an toàn, vệ sinh lao động là hết sức cần thiết, nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn, các cơ quan nhà nước, Đối thoại cũng là cơ hội để kịp thời góp ý xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật phù hợp với thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu tham gia buổi đối thoại
Tại buổi đối thoại, các đại biểu đã thảo luận về những vấn đề liên quan đến các chính sách mới được ban hành, những tiến triển đã đạt được sau đối thoại của Hội đồng năm 2017. Các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp đã nêu ý kiến, đề xuất tới Hội đồng quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách, quy định của nhà nước trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là vấn đề quản lý các tổ chức, doanh nghiệp huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, những sáng kiến về cải cách thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Cục trưởng Cục ATLĐ phát biểu tại buổi đối thoại
Ông Nguyễn Hồng Quang, đại diện Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai cho biết, gần đây trên địa bản tỉnh Đồng Nai đã xảy ra hiện tượng các tổ chức, doanh nghiệp huấn luyện về ATLĐ rất lộn xộn, có tình trạng doanh nghiệp tổ chức huấn luyện cho xong. Các lớp huấn luyện được tổ chức với kinh phí rất thấp (1 lớp khoảng 3 - 4 triệu đông), nhiều doanh nghiệp gọi công nhân đến học ATLĐ nhưng chủ yếu để quay phim, chụp hình và thanh toán là chính. Còn nội dung huấn luyện rất sơ sài, huấn luyện không đủ thời gian, huấn luyện buổi trưa... Ông Nguyễn Khánh Long, Trưởng Phòng thông tin và huấn luyện ATLĐ, Cục ATLĐ cho rằng, theo qui định, công tác kiểm tra huấn luyện an toàn vệ sinh lao động là giao cho địa phương quản lý, để xảy ra tình trạng trên, tỉnh Đồng Nai cần nghiêm khắc trong việc thanh kiểm tra công tác huấn luyện an toàn lao động và kiên quyết xử lý các doanh nghiệp huấn luyện an toàn lao động vi phạm. Việc đảm bảo quy trình trong huấn luyện ATVSLĐ luôn được Bộ LĐ-TB&XH quan tâm. Chỉ tính riêng năm năm 2017, Cục An toàn lao động cũng đã phối hợp với Thanh tra Bộ thực hiện kiểm tra khoảng hơn 40 tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ. Đồng thời phối hợp với Sở LĐ-TB&XH các địa phương tổ chức 06 đoàn kiểm tra tại 30 doanh nghiệp và hơn 20 tổ chức hoạt động kiểm định; tập trung kiểm tra đối với các cơ sở hoạt động huấn luyện ATVSLĐ và kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Qua kiểm tra đã thu hồi 78 kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và yêu cầu các tổ chức hoạt động kiểm định nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật, quy trình kiểm định trong quá trình cung cấp dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
Đại diện doanh nghiệp nêu kiến nghị tại buổi đối thoại
Bức xúc trước những thông tin mà đại diện Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai đưa ra, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị Cục ATLĐ kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, doanh nghiêp vi phạm công tác huấn luyện ATLĐ. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi nghe thấy phản ánh trực tiếp của các địa phương, doanh nghiệp phản ánh về thực trạng này. Ngay sau buổi đối thoại hôm nay Bộ LĐ-TB&XH sẽ có văn bản gửi tới các cơ sở tham gia vào huấn luyện ATVSLĐ, nếu phát hiện tình trạng huấn luyện không đúng quy trình, không đảm bảo, Bộ LĐ-TB&XH sẽ rút giấy phép đối với cơ sở đó. Về những chồng chéo, vướng mắc trong pháp lý Bộ LĐ-TB&XH sẽ có những nghiên cứu đề xuất để tháo gỡ”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khẳng định.
Đại diện Bộ Y tế trả lời thắc mắc của doanh nghiệp
Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trên thế giới, mỗi ngày có khoảng 6.400 người chết do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, 680.000 người bị thương khi làm việc. Gánh nặng do thương tích, ốm đau, tử vong dẫn đến những thiệt hại nặng nề về con người và kinh tế, đặt ra nhu cầu bức thiết về việc đầu tư thỏa đáng vào công tác an toàn vệ sinh lao động ở cấp quốc tế, quốc gia và cấp doanh nghiệp. Ở Việt Nam hiện nay, hơn 1 triệu lao động trẻ bước chân vào thị trường lao động mỗi năm; trong đó lao động ở độ tuổi 15 - 24 chiếm 15% tổng lực lượng lao động cả nước. Lao động trẻ có tỉ lệ tai nạn lao động cao hơn 40% so với nhóm lao động lớn tuổi hơn. Ông Chang - Hee - Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Hà Nội cho rằng mục tiêu cải thiện an toàn vệ sinh lao động cho lao động trẻ chỉ có thể đạt được thông qua những nỗ lực tập thể từ nhiều phía, cơ quản quản lý nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động, các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động, người lao động, đặc biệt quan trọng là thanh niên và tổ chức của thanh niên.
Ngày thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc hàng năm 28/4 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thúc đẩy công tác phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Đây là chiến dịch nâng cao nhận thức nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào các xu hướng mới về an toàn vệ sinh lao động cũng như mức độ nghiêm trọng của các tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tình hình tử vong trên toàn thế giới.