CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:29

Tại các công trường xây dựng: Công tác giám sát thi công, đảm bảo ATLĐ chưa được coi trọng

  

 

Số người chết vì tai nạn trong xây dựng nhiều nhất

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH năm 2016, trên toàn quốc đã xảy ra 7.981 vụ tai nạn lao động làm 8.251 người bị nạn và 862 người chết. Trong đó, tai nạn lao động xảy ra trong lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ lệ lớn nhất với gần 24% tổng số vụ. Đây cũng là lĩnh vực có số người chết vì tai nạn lao động ở mức cao nhất so với các lĩnh vực khác (chiếm tới gần 25% tổng số người chết).

Trong số các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người thì nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 42,1% do không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 17,8% tổng số vụ; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 8,4% tổng số vụ; không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động chiếm 11,4% tổng số vụ; do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 3% tổng số vụ và không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân  trong lao động chiếm 1,5%. Trong khi, nguyên nhân từ người lao động chỉ chiếm 17,3%.

Ngay những tháng đầu năm 2017, nhiều vụ tai nạn chết người trong lĩnh vực xây dựng đã xảy ra. Đơn cử như ngày 23/3 tại công trường xây dựng Dự án Sunshine Garden (Hà Nội) đã xảy ra vụ tai nạn lao động khiến 2 công nhân tử vong. Ngày 8/4, tại công trường xây dựng ở Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), một công nhân đã tử vong do không được trang bị các phương tiện bảo hộ lao động và rơi tự do từ tầng 4 xuống đất. Mới đây, vào chiều 4/5 tại dự án chung cư 16 tầng ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã xảy ra vụ sập giàn giáo. Rất may, giàn giáo rơi vào một khe hẹp nên chỉ có 3 người bị thương.

Theo các chuyên gia, hơn 80% công nhân ngành xây dựng là lao động thời vụ và lao động tự do. Phần nhiều trong số họ chưa được đào tạo bài bản nên ý thức bảo hộ lao động kém, chỉ quan tâm làm lấy công, ít quan tâm đến an toàn lao động (ATLĐ). Trong khi đó, các chủ thầu có công nghệ hạn chế, công tác giám sát thi công, đảm bảo ATLĐ không được coi trọng nên đã dẫn tới nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm.

 

 

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn lao động

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, trong lĩnh vực thi công công trình, nơi có hàng chục vạn lao động làm việc, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn lao động đã và đang được quan tâm. Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng có nhiều đặc điểm, đặc thù riêng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động. Một số sự cố mất an toàn trong thi công lao động đã xảy ra, điển hình là sập dàn giáo tổ hợp công trình tại thành phố Đà Nẵng, sập dàn giáo tại Vũng Tàu… khiến nhiều người thương vong. “Những thiệt hại này để lại thiệt hại lâu dài cho người lao động và cả gia đình họ và xã hội, thiệt hại vật chất cũng như tiến độ công trình”, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nói.

Chia sẻ về vấn đề an toàn lao động trên các công trình xây dựng, ông Ngô Lâm, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cho rằng,  nguyên nhân các sự cố mất an toàn lao động trên công trình vẫn xuất phát từ con người, chính con người không tuân thủ quy định an toàn. Để tiếp tục tăng cường ta phải nâng cao ý thức chủ thể, để làm giảm thiểu tai nạn công trình. Bên cạnh đó, các quy định quản lý an toàn trên công trường đối với máy, thiết bị, người lao động... chưa cụ thể, rõ ràng. Bộ phận quản lý an toàn giao cho nhà thầu thi công thành lập nên việc xử lý các biện pháp an toàn kỹ thuật sai quy định còn bất cập, không chủ động khi có các tình huống bất hợp lý xảy ra trong quá trình thi công. Quy định xử lý vi phạm về an toàn lao động  còn hình thức, mức phạt thấp và chưa đủ tính răn đe đối với đối các vi phạm.

Trong năm 2017, Bộ Xây dựng sẽ tập trung rà soát hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công tác ATLĐ trong thi công xây dựng công trình để kịp thời điều chỉnh, bổ sung hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn trong thi công xây dựng công trình; xây dựng, ban hành quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn và hướng dẫn, kiểm tra hoạt động kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ trong thi công xây dựng công trình; đồng thời phổ biến, hướng dẫn thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra an toàn trong thi công xây dựng.

Ngày 30/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 04/2017/TT - BXD quy định về quản lý ATLĐ trong thi công xây dựng công trình theo hướng tăng cường chủ động phòng ngừa là chính để giảm thiểu sự cố gây mất ATLĐ.

Mặt khác, Bộ Xây dựng sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra an toàn trong thi công xây dựng; xử lý nghiêm các chủ thể vi phạm quy định pháp luật về ATLĐ trong thi công xây dựng; đẩy mạnh công tác quản lý an toàn và giảm tỷ lệ tai nạn lao động trong thi công xây dựng.

PHƯƠNG ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh