CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:13

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam vẫn sợ cạnh tranh

 

“Ở Việt Nam, tuy 30 năm cải cách chuyển sang kinh tế thị trường, tư duy của ta vẫn sợ cạnh tranh. Đáng ra phải thúc đẩy cạnh tranh, nhưng chúng ta lại sợ cạnh tranh, ngay trong quản lý nhà nước vẫn có cảm giác sợ cạnh tranh. Ở đâu đó có sự cạnh tranh quá mức hay quá gay gắt thì lại lo, trong khi kinh tế thị trường phải bàn đến là cạnh tranh có lành mạnh, công bằng hay không” – TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phát biểu tại hội thảo "Xây dựng và thực thi chính sách toàn diện về cạnh tranh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam", sáng 15/4, do CIEM tổ chức. 

ts. nguyen dinh cung: sau 30 nam doi moi, viet nam van so canh tranh hinh 0
Chuyên gia đánh giá thị trường điện, than Việt Nam vẫn đang là “điển hình” chưa tốt về cạnh tranh (Ảnh minh họa: TTXVN)

 

Cách quản lý còn gây cản trở cạnh tranh

Phân tích về sự chuyển mình của nền kinh tế nước ta, TS. Cung cho biết, sau 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu. Nhưng so với yêu cầu chuyển sang nền kinh tế thị trường hiện đại đầy đủ thì vẫn còn nhiều khiếm khuyết, cách biệt so với thế giới.

Ngay trong giai đoạn gần đây nhất, từ 2011-2015, nước ta thực hiện nhiều giải pháp để chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường (ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nguồn nhân lực; phát triển hệ thống hạ tầng…). Dù bước đầu những giải pháp này đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo ông Cung, “kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc, tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu, chất lượng chưa được cải thiện, chưa tạo được đột phá phát triển kinh tế- xã hội, tái cơ cấu kinh tế còn chậm…”.

Ông Đặng Quang Vinh, Nghiên cứu viên Viện CIEM, cũng cho rằng cạnh tranh chính là nền tảng của nền kinh tế thị trường. Dẫn ví dụ thực tiễn chứng minh lợi ích của cạnh tranh, ông Vinh cho biết: Thị trường viễn thông ở Việt Nam đã có cạnh tranh và cạnh tranh hiệu quả. Còn thị trường điện, than vẫn đang là “điển hình” chưa tốt về cạnh tranh. Trong khi đó, ở Nhật Bản, họ cũng cải cách chậm về điện nhưng nhờ có tự do hóa thị trường điện nên hiệu quả cạnh tranh đã tốt.

Một số ví dụ khác cho thấy giảm động lực cạnh tranh của nhà cung cấp, như: Hiệp hội Lương thực Việt Nam được quyền phân chia hợp đồng xuất khẩu gạo theo hợp đồng của Nhà nước, như thế là không cần cạnh tranh. Hay giá cước taxi thì tăng theo giá xăng nhưng xăng giảm thì cước lại không giảm.

Theo lập luận của ông Cung: Ở nền kinh tế thị trường, khi đặt ra một chính sách, cần đặt câu hỏi rằng, những quy định của chính sách đó có hạn chế cạnh ranh không, nếu có thì hệ quả ra sao? Nhưng thực tế ở nước ta, chưa đặt câu hỏi này khi xây dựng chính sách. Nước ta vẫn có tình trạng đặt ra chính sách là để quản lý, Nhà nước hiện rõ là một nhà nước kiểm soát và quản lý.

Vì thế, ông Cung cho rằng, nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta còn chưa đủ rõ, chưa thống nhất. Trong đó, nhất là về vai trò của Nhà nước, của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, quản lý giá cả, phân bổ nguồn lực…

Rà soát, loại bỏ rào cản cạnh tranh

Đến từ Australia, GS. Michael Woods, chuyên gia tư vấn quốc tế về cạnh tranh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban năng suất của Australia, cho rằng Chính phủ Việt Nam đang rất chú trọng đến tăng trưởng kinh tế bền vững, luật cạnh tranh, luật đầu tư và luật doanh nghiệp. Đáng chú ý là Nghị quyết 19/2015 của Chính phủ đề cập sự liên kết giữa cải thiện môi trường kinh doanh với tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi môi hình tăng trưởng, trong đó đề cập đến nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đảm bảo cạnh tranh công bằng.

“Trong giai đoạn 2016-2020, một trong những nhiệm vụ trọng tâm để chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì cần một chính sách cạnh tranh toàn diện. Phải phân định rõ chức năng của nhà nước và chức năng của thị trường. Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp”- TS. Nguyễn Đình Cung.

Trước khi bàn đến có đạt được mục tiêu đề ra về cạnh tranh không, GS. Michael Woods cho rằng, cần lưu ý có 3 điều kiện chính để tăng trưởng kinh tế: Các ưu đãi (được tạo ra thông qua một thị trường cạnh tranh hơn); Năng lực (lợi thế so sánh của các nhân tố có chi phí thấp, chất lượng cao); tính linh hoạt (mức độ thích nghi, tính di chuyển của các nhân tố).  

Cho nên, theo GS. Michael Woods, chính sách cạnh tranh có ý nghĩa rộng hơn rất nhiều so với Luật cạnh tranh. Vì Luật cạnh tranh là đưa ra các quy tắc nhằm đảm bảo tất cả các công ty đều tham gia một cách công bằng và có độ mở trên thị trường. Còn Chính sách cạnh tranh là tạo ra môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống của cộng đồng.

Do vậy, theo GS. Michael Woods những quy định trong chính sách được nhà nước ban hành ra không hợp lý có thể sẽ trở thành gánh nặng, cản trở cạnh tranh. Chẳng hạn, quy định cụ thể đối với doanh nghiệp được sản xuất gì, sản xuất với số lượng bao nhiêu, sản xuất như thế nào, chất lượng thế nào… Hay bản thân các quy định cũng tạo ra gánh nặng do tăng thêm chi phí quản lý và tuân thủ, bóp méo giá thị trường, giảm hiệu quả các quyết định phân bổ của các công ty.

Vì thế, GS. Michael Woods khuyến nghị, để phát triển cạnh tranh, Việt Nam cần có sự rà soát tổng thể các quy định chính sách hiện hành để có đánh giá, đề xuất cải thiện, giảm bớt quy định không cần thiết. Tất nhiên, việc này cần được thực hiện bởi cơ quan nghiên cứu kinh tế độc lập với các bộ, ngành quản lý liên quan thực hiện và phải có sự tham vấn của các bên liên quan.

Theo VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh