THỨ NĂM, NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2024 11:16

"Sao đỏ" trường học, cần không?

 

Phải để học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH

 

Ngoài việc truyền đạt kiến thức cho học sinh (HS), nhà trường còn có nhiệm vụ rèn luyện nhân cách, các nguyên tắc ứng xử thông qua những hoạt động dạy học. Đội "Sao đỏ" ra đời là nhằm quan sát mọi hoạt động, nền nếp của HS, từ đó giúp giáo viên (GV) giáo dục, nhắc nhở và tuyên dương HS kịp thời.

Lỗi do người lớn

Theo thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (TP HCM), vai trò của đội "Sao đỏ" trong trường học là cần thiết, giúp phát huy tính tự quản của HS, hỗ trợ hoạt động cho GV. HS sẽ tự kiểm tra chéo lẫn nhau để bảo đảm tác phong, nền nếp, kỷ luật phù hợp với nội quy trường lớp. Không chỉ ở Việt Nam, một số nước cũng tồn tại đội ngũ tương tự. Bởi họ nhận thức được việc phát huy vai trò tự quản của HS là rất quan trọng, việc này người lớn không thể làm tốt hơn các em. 

Chẳng hạn ở Nhật Bản, các trường từ cấp 1 đến cấp 3 đều có đội tự quản. Mỗi lớp có từ 1-2 HS được hướng dẫn, giao nhiệm vụ. Đội ngũ này chịu trách nhiệm phân công dọn dẹp, theo dõi hoạt động của lớp, ghi nhận những mặt tích cực, tiêu cực của HS và đương nhiên có hội đồng theo dõi, giám sát. Đây là cơ hội để HS thể hiện trách nhiệm của mình. Cũng giống như việc dạy con, nếu cứ bao bọc mãi cũng không tốt.

"Tuy nhiên, cách mà một số trường học hiện nay áp dụng và quản lý lại chưa đúng, dẫn đến nhiều tiêu cực, hệ lụy. Đó là cái sai của người lớn, HS hoàn toàn không có lỗi" - thầy Hiếu phân tích.

Đồng quan điểm, TS Võ Văn Nam, giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP HCM, cho rằng đội "Sao đỏ" đã được đặt ra từ khá lâu, đem lại nhiều lợi ích khi HS trong đội ngũ đó làm việc công tâm, đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Đội "Sao đỏ" tập hợp những HS có thành tích gương mẫu trong học tập và rèn luyện để nhắc nhở HS khác cũng chấp hành quy định và gương mẫu. Tiếc là hiện nay, ở một vài nơi, đội ngũ "Sao đỏ" bị nhà trường lợi dụng, biến thành đội ngũ "chỉ điểm", chuyên "vạch lá tìm sâu", thậm chí những cử chỉ, lời nói vô tình cũng bị quy chụp và kết luận về nhân cách đạo đức. Điều đó đã đi quá giới hạn của đội ngũ "Sao đỏ", đánh mất tuổi thơ của các em, đồng thời tạo áp lực tâm lý HS và cả GV.

"Cần duy trì tổ chức "Sao đỏ" nhưng phải để "Sao đỏ" làm việc đúng chức năng của mình, là nơi quy tụ những HS tích cực, hướng đến cái thiện, cái tốt để HS ngày càng tiến bộ chứ không phải chăm chăm nhìn vào khuyết điểm của người khác để báo cáo thành tích" - TS Nam nhấn mạnh.

Không có "Sao đỏ" vẫn học tốt và nền nếp

Trong khi đó, cô Phan Thị Hồng Loan - giáo viên Trường THCS Trung An (huyện Củ Chi, TP HCM) - cho rằng HS làm công tác "Sao đỏ" thường là những em được lựa chọn có thành tích và thái độ tốt. Thế nhưng, khi đặt các em vào đội "Sao đỏ" của trường thì một số em lại tự cho mình có địa vị và quyền lực cao hơn HS khác nên tỏ thái độ hung hăng, thích làm gì thì làm. Điều này tạo tâm lý không tốt cho HS khác và cũng không tốt đối với HS làm nhiệm vụ "Sao đỏ". Chưa kể, có em say mê làm nhiệm vụ "Sao đỏ" quên cả việc học dẫn đến thành tích học tập đi xuống.

"Không trách HS được vì các em còn nhỏ tuổi. Tôi nghĩ ngành giáo dục nên xem xét lại hoạt động của "Sao đỏ" trong các trường tiểu học và THCS hiện nay. Có nhiều trường chỉ có giám thị, không có đội "Sao đỏ" nhưng HS vẫn học tốt, nền nếp, quy củ" - cô Loan nói.

ThS Bùi Việt Thành, Khoa Văn hóa học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), cũng cho rằng không cần "Sao đỏ" trong nhà trường để theo dõi, chấm điểm HS. "Nhà trường nên tạo mối quan hệ tốt hơn giữa các HS. Thưởng - phạt HS là một nghệ thuật và nó phải hướng đến giá trị nhân văn, thấm nhuần văn hóa học đường, hướng đến hoàn thiện con người. Nhiệm vụ của nhà trường là gây hứng thú học tập cho HS, xây dựng hệ thống giá trị chuẩn mực và tính trung thực cho HS. Vì vậy, bỏ "Sao đỏ" là bỏ đi các hệ lụy không cần thiết và để HS thoải mái trong học tập" - ThS Thành nêu ý kiến. 

Ám ảnh "Sao đỏ"

Diễn đàn "Sao đỏ" trường học, cần không?" đã nhận được nhiều ý kiến gửi về, trong đó có những câu chuyện dở khóc dở cười và cả những trải nghiệm từ chính những người từng liên quan đến đội "Sao đỏ".

Một phụ huynh kể: "Năm con tôi học lớp 3, buổi sáng trời lạnh nên chồng tôi chở con đi học bằng ôtô nhưng con nằng nặc đòi mang nón bảo hiểm bởi vì: "Ba dừng xe ở xa cổng trường, mấy anh chị "Sao đỏ" ghi con lỗi không đội nón bảo hiểm, con nói không đi xe máy nhưng mấy anh chị không tin".

Nhiều chuyên gia, GV cũng thẳng thắn bày tỏ lấy HS để giám sát, quản lý HS khác là việc không nên làm, duy trì hình thức "Sao đỏ" sẽ vô tình giáo dục cho trẻ tính bè phái, thích thể hiện, ham chức quyền.

Thừa nhận mình từng làm "Sao đỏ", thầy Trần Minh, trợ lý thanh niên Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (quận 6, TP HCM), cho biết hồi đó "Sao đỏ" rất có uy. "Thầy trợ lý thanh niên quản lý đội "Sao đỏ" làm rất tốt, khách quan. Về sau, thầy chuyển công tác, thầy khác quản lý đội "Sao đỏ" không sát sao nên một số thành viên trong đội có biểu hiện tiêu cực, trong đó có cả việc bao che, dung túng cái sai, không trung thực, ảnh hưởng đến tính cách của những người bạn đó sau này" - thầy Minh kể.

Đ.Trinh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh