THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:41

Sacombank cần đảm bảo quyền lợi của khách hàng theo hợp đồng đã ký

 

Ông Đặng Đình Đạo, trú tại địa chỉ 208 đường Điện Biên Phủ, P7, quận 3, TPHCM là người đại diện ủy quyền cho ông Trần Quốc Việt, người đã ký hợp đồng đặt cọc số 148/2017/HĐĐC ngày 3/4/2017 nhận chuyển nhượng 9 nền đất số (Thửa đất số 461,424, 425, 426, 427, 428,429,430, 431, tờ bản đồ số 36) thuộc Dự án Khu nhà ở phường An Thới, quận 12, TPHCM. Bên nhận đặt cọc là ngân hàng Sacombank.

Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, ông Đạo trình bày sự việc như sau: Vì anh em nhà ông Trần Quốc Việt chưa có chỗ ở ổn định nên khi thấy Sacombank chào bán 9 lô đất thuộc qui hoạch dự án “Khu nhà ở phường An Thới, quận 12) do công ty TNHH Đồng Gia làm chủ đầu tư thì anh em ông Trần Quốc Việt đã chạy vay mượn tiền khắp nơi từ bạn bè, họ hàng, ngân hàng để tham gia đấu giá. Ngày 30/3/2017, ông Trần Quốc Việt trúng thầu 9 lô đất trên trong buổi đấu giá của Sacombank.

Ngày 3/4/2017 ông Trần Quốc Việt và đại diện của Sacombank là bà Nguyễn Đức Thạch Diễm đã ký hợp đồng đặt cọc số 148 đảm bảo cho việc ngân hàng sẽ chuyển nhượng toàn bộ 9 lô đất thuộc dự án nhà ở phường An Thới quận 12 cho ông Trần Quốc Việt và ông Việt đã thanh toán đủ số tiền đặt cọc là 2.860.000đ (Hai tỷ tám trăm sáu mươi triệu đồng) đúng hạn. 

 

 9 lô đất tại tờ bản đồ số 36 thuộc Dự án Khu nhà ở phường An Thới, quận 12, TPHCM được Sacombank rao bán.  

 

Nhưng sau đó, Sacombank lại vi phạm thỏa thuận, không tiến hành chuyển nhượng số đất trên, đồng thời chiếm giữ số tiền đặc cọc của ông Việt, không chịu hoàn trả tiền cọc cũng như tiền đền đặt cọc khi vi phạm hợp đồng. Lý do mà Sacombank đưa ra là: “Quyền sử dụng các vị trí đất trên chỉ được chuyển nhượng khi chủ đầu tư dự án hoàn thành việc xây dựng nhà ở theo qui hoạch như đã được phê duyệt”, nên không chịu xác nhận hợp đồng và bàn giao đất.

 Có một lý do mà gia đình ông Việt và những người biết việc cảm rất khó hiểu là các lô đất trên chưa hoàn tất thủ tục pháp lý nhưng tại sao ngân hàng Sacombank là một ngân hàng lớn, có đội ngũ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp lại đi rao bán tài sản bất hợp pháp, phải chăng có một sự uẩn khúc nào đó về quyền lợi giữa ngân hàng và chủ đầu dẫn đến việc ngân hàng đưa ra lý do trên (?). Điều này đã khiến gia đình ông Việt tốn kém nhiều công sức, tiền bạc, thời gian chạy vạy khắp nơi để huy động nguồn tiền đặt cọc rồi bây giờ lại rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” khi Sacombank cho rằng đây là lỗi khách quan từ chủ đầu tư chứ không phải từ phía ngân hàng. Nhưng nếu xem kỹ các hợp đồng thì dễ dàng nhận thấy Sacombank không thể coi đây là lỗi khách quan mà đây chính là lỗi chủ quan giữa Sacombank và chủ đầu tư là công ty TNHH Đồng Gia nên mới dẫn đến sự việc trên.

Ngay tại điều 4 trong hợp đồng đặt cọc số 148 giữa bên A là ông Trần Quốc Việt và bên B là Sacombank đã ghi rõ: Quyền và nghĩa vụ của bên A: "Được nhận lại tiền cọc và một khoản tiền phạt cọc bằng số tiền đặt cọc 2.860.000đ từ bên B nếu bên B không thực hiện giao kết hợp đồng mua bán nhà trong thời gian đặt cọc với giá mua bán như thỏa thuận".  

Câu hỏi đặt ra là nếu như các lỗi này bị qui kết từ phía khách quan thì tại sao đến nay Sacombank vẫn không tiền hoàn trả tiền đặt cọc và tiền đền cọc cho gia đình ông Việt theo các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng. Mặc dù gia đình ông Việt đã nhiều lần làm việc với Sacombank và mong muốn nhận lại tiền cọc và thương lượng các điều khoản đền tiền cọc khi không hoàn thành hợp đồng theo qui định của pháp luật nhưng phía Sacombank vẫn lần lữa và cố tình để vụ việc “chìm xuồng”.

Ông Trần Quốc Việt cho biết: Bản thân tôi là dân tha phương vào TPHCM làm việc và sinh sống đã nhiều năm nhưng toàn ở nhà trọ và thuê mướn nên khi nghe thông báo của Sacombank gia đình chúng tôi đã đi vay mượn khắp nơi nhằm mua đất làm nhà, tạo cơ sở kinh doanh để kiếm sống. Thế nhưng, đến nay đất cũng chưa thấy đâu mà tiền vay mượn để đặt cọc thì lại nằm trong ngân hàng. Số tiền đặt cọc ấy là một phần tiền dành dụm bao nhiêu năm của gia đình chúng tôi và tiền vay mượn từ bạn bè, những người cũng cùng đồng cảnh ngộ nhưng không thể để lâu mãi được và cả tiền vay từ các ngân hàng khác đã đến hạn phải trả. Thật tình tôi rất tin tưởng khi làm ăn với một ngân hàng lớn như Sacombank nhưng kết quả thì những người yếu thế như chúng tôi không biết phải làm sao để thu hồi lại số tiền trên.

 Thiết nghĩ, các ngành chức năng ở TPHCM cần làm rõ hoạt động bán đấu giá số đất trên và ngay cả Sacombank và các bên liên quan cũng cần phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng theo qui định của pháp luật.

 

Đông Hải

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh