THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:32

Rút ngắn khoảng cách xưởng- trường

Phải chủ động thay đổi  

Đánh giá về thị trường lao động trước làn sóng 4.0, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm giám đốc Văn phòng giới sử dụng Lao động cho rằng, tại Việt Nam, nhiều chính sách đã được ban hành nhằm tăng cường tiếp cận CMCN 4.0.

Tuy nhiên, thực tế Việt Nam đang rất thiếu những cơ sở cần thiết để sử dụng và đào tạo lao động trong cuộc CMCN 4.0. Bà Lan Anh cho biết, hiện có tới 90% doanh nghiệp Việt Nam là DNNVV, thuộc các lĩnh vực gia công, lắp ráp, chủ yếu sử dụng lao động là trình độ thấp.

Cùng với đó, bất cập hiện hữu là lao động phổ thông là đối tượng rất khó chuyển đổi để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0. Vì thế, lao động Việt Nam sẽ bất lợi trước cuộc cách mạng 4.0 nếu không có đổi mới gắn kết giữa công nghệ và nhân lực để thích ứng với việc làm công nghệ cao.

Theo ông Phạm Đức Thắng, đại diện Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, việc đào tạo lao động của các trường nghề luôn là thách thức không chỉ trong cuộc CMCN 4.0. Nguyên nhân vì các nhà trường không thể có những máy móc hiện đại mà doanh nghiệp đang sử dụng.

Vì vậy, rất cần sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để đào tạo tay nghề cho học viên. Mặt khác, các nhà tuyển dụng cũng phải ra được yêu cầu rõ ràng về chất lượng lao động trong quá trình hợp tác đó. 

Trong khi đó, theo GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài, chất lượng nguồn lao động của Việt Nam không phải là đáng báo động. Minh chứng cho điều này, ông Mại đánh giá cao một số mô hình trường dạy nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp cũng được thực hiện. Có nhiều mô hình tốt đã được triển khai chỉ tiếc là thời gian triển khai chậm.

"Điều mà chất lượng nguồn lao động Việt Nam hiện nay đang thiếu đó chính là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao như giám đốc điều hành doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải quan tâm tới việc đào tạo nguồn nhân lực cấp cao này", ông Mại nói.

Đào tạo lại LĐ: nút thắt lớn 

TS Nguyễn Văn Thuật (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia) cho rằng, số lượng lao động cũng không song hành với chất lượng- khả năng cạnh tranh cũng như trình độ chuyên môn còn hạn chế, không ít doanh nghiệp phải tự đào tạo lao động, hoặc đào tạo lại theo hình thức vừa học vừa làm.

Theo ông Thuật, điều này đang trở thành một trong những “nút thắt” lớn trong quá trình phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, việc phát triển nguồn lao động đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển của doanh nghiệp là một trong những vấn đề mấu chốt, cấp thiết của nền kinh tế Việt Nam.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, chất lượng lao động là sức ép lớn hiện nay, bởi đây cũng là yếu tố để đưa Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới. Do đó, cải cách giáo dục đào tạo thực sự trở thành yêu cầu quan trọng.

"Không còn thời các trường đại học đào tạo một cách vô tư theo mong muốn của mình. Tất cả phải theo yêu cầu thị trường, cần phải thực tế hơn, đại học rút ngắn thời gian đào tạo còn 2 năm thôi- bởi nếu phải chờ để mất 4- 5 năm mới cho ra đời một thế hệ cử nhân thì sẽ lạc hậu hơn so với thời cuộc", ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm. 

Theo đó, nhiều chuyên gia bày tỏ đồng thuận việc tăng quyền tự chủ cho các doanh nghiệp trong đào tạo nghề để doanh nghiệp linh hoạt trong việc đào tạo kỹ năng phù hợp cho lao động cần tuyển dụng.

Hiện nay, Việt Nam đang ở trong giai đoạn “dân số vàng”, đây chính là điều kiện thuận lợi để cải thiện năng suất lao động thông qua nâng cao kỹ năng nghề.

“Việc cải các hệ thống giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu quan trọng hiện nay. Bây giờ không phải thời các trường đào tạo vô tư đưa ra chương trình đào tạo theo “suy nghĩ”, “đào tạo khung” hay “đào tạo theo mong muốn” của mình mà phải đặt trên nhu cầu của thị trường lao động. Phải tập trung đào tạo theo cung cầu! Đào tạo phải thực dụng hơn, rút ngắn thời gian hơn”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Thông tin lạc quan tới lực lượng doanh nghiệp, ông Lộc cho biết, Bộ Lao động Thuong binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có chương trình thí điểm cho việc này với mục tiêu đưa ra là 100.000 lao động sẽ được đào tạo theo đặt hàng, yêu cầu của các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cùng với nhà trường cùng thực hiện công tác đào tạo. Như vậy không còn ranh giới giữa nhà trường và doanh nghiệp nữa. Cộng đồng doanh nghiệp cũng là chủ nhân của hệ thống giáo dục đào tạo và là người hưởng lợi ích từ hệ thống này.

“Đây là thay đổi căn bản của phương thức tổ chức đào tạo dạy nghề của nước ta. Tôi nghĩ đây cần là hướng đi của toàn bộ hệ thống giáo dục, nghề nghiệp, dạy nghề, quản trị. Giờ là lúc rút ngắn khoảng cách, xóa đi ranh giới thực và ảo, xưởng và trường…”, ông Lộc nhìn nhận.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh