THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:26

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 1.

Vẻ đẹp của ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

Thông tin trên được An ninh thủ đô cho biết, cùng với danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được xếp hạng trong đợt này còn có các di tích: Di tích lịch sử Chi Lăng, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn); Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Xương Giang (Bắc Giang); Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Núi Non Nước (Ninh Bình); Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn (Thanh Hóa); Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Đại Phùng (Đan Phượng, Hà Nội); Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Trước đó, năm 2007, ruộng bậc thang Mù Cang Chải thuộc ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình thuộc huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải từ lâu đã trở thành một trong những điểm nhấn của tuyến du lịch Tây Bắc. Nét đẹp đặc sắc của văn hóa vùng cao được thể hiện một cách sinh động và thần kỳ qua những thửa ruộng bậc thang độc đáo, đang ngày càng hấp dẫn giới nhiếp ảnh cùng khách du lịch cả trong và ngoài nước. Từ phương thức canh tác độc đáo, đồng bào dân tộc Mông đã biến vùng đồi núi thành khu đồi ruộng tràn đầy sức sống, từng bậc ruộng tiếp ruộng như muốn thể hiện ý chí của con người, vươn tới bầu trời cao…

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 2.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Ảnh: Nguyễn Tấn Tuấn.

Trên Vnexpress cũng thông tin về các di tích được xếp hạng trong đợt này bao gồm:

Di tích lịch sử Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) gồm 52 điểm di tích, dài hơn 20 km. Đây là nơi ghi dấu nhiều chiến thắng của quân dân Đại Việt trước các triều đại phong kiến Trung Quốc xâm lược như nhà Lý chiến thắng quân Tống (thế kỷ XI); nhà Trần chiến thắng quân Nguyên (thế kỷ XIII); Lê Lợi chiến thắng quân Minh năm 1427.

Di tích chiến thắng Xương Giang (tỉnh Bắc Giang) là nơi nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi đứng đầu đã hai lần chiến thắng quân Minh. Tháng 9/1427, sau nhiều tháng công thành, nghĩa quân Lam Sơn đã hạ được thành Xương Giang do quân Minh chiếm giữ. Tháng 11/1427, nghĩa quân đã bao vây, tiêu diệt gần hàng chục nghìn quân Minh, buộc quân Minh phải trao trả độc lập cho Đại Việt. Hiện nay, lễ hội Xương Giang được tổ chức vào hai ngày mùng 6, 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Non Nước hay còn gọi là Dục Thuý Sơn, ở phía Đông Bắc thành phố Ninh Bình, nằm ngay trên ngã ba sông Đáy và sông Vân. Đường lên đỉnh Non Nước qua 72 bậc đá, chia làm 5 cấp. Dưới chân núi có đền thờ danh sĩ Trương Hán Siêu nổi tiếng thời nhà Trần, người phát hiện ra núi Non Nước. Phía Đông là chùa Non Nước làm bằng đá, với kiến trúc cổ.

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hoá), là bãi biển dài 6 km từ chân núi Trường Lệ đến cửa Lạch Hới. Từ năm 1906, người Pháp đánh giá Sầm Sơn là địa danh nghỉ dưỡng lý tưởng nhất Đông Dương. Hiện nay, đây là bãi biển được nhiều khách du lịch ưa thích ở khu vực Bắc Trung Bộ.

Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Đại Phùng (Hà Nội) có từ đời vua Trần Nghệ Tông, gồm hai phần Đại bái và Hậu cung. Ngôi đình có những nét chạm khắc dân gian đặc sắc, tiêu biểu cho xứ Đoài.

Di tích kiến trúc nghệ thuật đền - chùa - đình Hai Bà Trưng (Hà Nội) hay còn gọi là đền Đồng Nhân, là nơi thờ hai nữ anh hùng Trưng Trắc và Trưng Nhị đã khởi nghĩa chống quân Đông Hán đầu thế kỷ thứ I. Tượng hai Bà Trưng được thờ trong hậu cung, hai bên có tượng 12 nữ tướng là những cận thần. Lễ hội đền Hai Bà Trưng diễn ra vào ngày 5 tháng 2 âm lịch hàng năm.

HOA HẠ (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh