CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:12

Rưng rưng hát giữa biển khơi

 

 

Giao lưu với cán bộ trên đảo Len Đao.

 Trong chuyến hải trình 10 ngày (7/5  đến  16/5/2017), đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ, quân và dân trên quần đảo Trường Sa của Đoàn công tác số 11, với 208 thành viên, mỗi người là một cung bậc cảm xúc khi lần đầu được đặt chân lên những hòn đảo thiêng liêng thuộc quần đảo Trường Sa - một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam.

Chuyến hải trình dài 2.240 hải lý (khoảng 5000 km; với 10 đảo (5 đảo nổi, 5 đảo chìm và 1 nhà giàn), dù thời tiết khá ổn định nhưng cũng không dễ dàng đối với những người lần đầu tiên đi biển. Nhưng tất cả các thành viên trong đoàn dường như quên đi những mỏi mệt mỗi khi nhìn thấy những hòn đảo xa xa của Tổ quốc hiện ra như một cánh rừng giữa trùng khơi, hoặc khi nhìn thấy những những pháo đài hiên ngang giữa muôn trùng sóng nước (đảo chìm, nhà giàn). Đặc biệt, nhóm nghệ sĩ của đoàn Nghệ thuật Kon Tum. Mang tiếng được đi thăm Trường Sa nhưng hầu như các thành viên đâu có được đi thăm quan  đảo. Cứ lên đảo là họ hát, hát với tất cả trái tim và lòng nhiệt huyết, dù trước đó trên tàu họ rất mệt vì hải trình của chuyến đi. Họ hát, giao lưu với bộ đội cho đến khi thành viên cuối cùng của đoàn dời đảo.

 

Ca sỹ Thùy Dung hát giao lưu với chiến sĩ trên đảo Len Đao.

Ca sĩ Y Ka, Phó Trưởng đoàn nghệ thuật Kon Tum cho biết: Tham gia đoàn công tác đi Trường Sa đợt này là niềm hạnh phúc, chuyến đi nhớ mãi không thể quên đối với 12 thành viên của đoàn. Nhận nhiệm vụ trước khi lên tàu trước đó khoảng 1 tháng, dù vẫn phải luyện tập, tham gia biểu diễn theo kế hoạch, nhiệm vụ thường xuyên của đoàn, nhưng 12 thành viên được đi Trường Sa luôn tranh thủ luyện tập ngày đêm  để có những tiết mục hay nhất, đặc sắc nhất ra phục vụ bộ đội, quân và dân đảo Trường Sa.

“Đây là chuyến đi đầu tiên của đoàn, nên trước khi đi tôi và các thành viên vô cùng lo lắng..  Liệu có đủ sức khỏe để hát và biểu diễn mỗi lần lên đảo, khi đây là lần đầu tiên đi biển? Tham khảo nhiều đoàn nghệ thuật trước đó đã từng đi biểu diễn phục vụ bộ đội Trường Sa, được biết nhiều đoàn phải thu âm trước phòng khi ca sĩ bị say sóng khi lên đảo không thể hát. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị lớn lao, góp một phần nhỏ động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ, quân và dân trên đảo Trường Sa luôn chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, lãnh đạo đoàn nghệ thuật Kon Tum và các thành viên quyết định không thu âm trước. Bằng mọi cách mỗi thành viên quyết tâm đảm bảo sức khỏe để khi lên đảo hát phục vụ bộ đội và nhân dân”, ca sĩ Y Ka chia sẻ.

Sân khấu ngay dưới tán bàng vuông.

Là ca sĩ duy nhất trong đoàn có chất giọng dân ca nên hầu như khi biểu diễn trên các đảo, ca sĩ Thùy Dung thường xuyên được chọn và chỉ định hát song ca giao lưu cùng các cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Thùy Dung xúc động chia sẻ: “Là đoàn nghệ thuật đóng quân trên địa bàn Tây Nguyên, chúng tôi thường xuyên đi hát, biểu diễn phục vụ các đơn vị bộ đội trên địa bàn. Biết rằng bộ đội là khó khăn, vất vả, nhưng ra tới Trường Sa mới thấy sự vất vả, thiếu thốn của bộ đội Hải quân như thế nào, nhất là đối với các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại các đảo chìm. Vậy mà các anh vẫn yêu đời, lạc quan, vượt qua mọi khó khăn về vật chất, tinh thần để chắc tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ở nhiều đảo, chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ trước tài năng ca hát, nghệ thuật của các chiến sĩ trẻ”.

Tiết mục văn nghệ của Đoàn nghệ thuật Kon Tum trên đảo Sơn Ca.

Với chất giọng khỏe của người con núi rừng Tây Nguyên, ca sĩ Y Nhíp lại khá đa năng trong chuyến đi này. Dù trong đoàn có đến hai nhạc công kiêm kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, nhưng khi đoàn lên thăm các đảo chìm và nhà giàn thì cây đàn Organ và bộ âm thanh không thể phát huy tác dụng. Vậy là ca sĩ Y Nhíp kiêm luôn vai trò nhạc công với cây đàn ghi ta mang theo. Chị tâm sự: “Là đoàn nghệ thuật thuộc khu vực Tây Nguyên, tuy địa bàn khó khăn nhưng khi đi diễn, kể cả các buổi lưu diễn phục vụ bà con ở các buôn làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh chúng tôi vẫn có sân khấu để biểu diễn. Lần đầu tiên chúng tôi biểu diễn trên sân khấu là ngay tại những gốc bàng vuông - đặc sản của Trường Sa; là hành lang ở các đảo chìm, nhà giàn; khán giả chỉ vài ba cán bộ, chiến sĩ nhưng chúng tôi hát mà thấy rung động và bồi hồi đến thế. Tôi chưa bao giờ tìm thấy những cảm xúc này trong mỗi chuyến lưu diễn trên đất liền”.

Hành lang của đảo trở thành sân khấu.

Đêm chia tay đảo Trường Sa Lớn, đảo cuối cùng trong chuyến hành trình, trong tiếng còi hú vang của con tàu KN 491chào các cán bộ, chiến sĩ, quân và dân trên đảo Trường Sa, tất cả các thành viên trên tàu và các chiến sĩ trên đảo tiễn đoàn cùng hát vang bài “Bâng khuâng Trường Sa” nhưng giọng ai cũng như nghẹn lại và vang mãi không dứt:

Trường sa ơi mai tàu dời bến...

Ta lại về phố thị thân thương...

Vòng tay ấm bao chuyện buồn vui...

Biển dẫu yên, lòng ta lay động...

Tôi muốn ôm ghì bãi san hô...

Vang vọng về con sóng Bạch Đằng giang...

Một màu xanh Sinh Tồn, Song Tử...

Đẹp dịu dàng tiên nữ An Bang...

Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc...

Vang vọng về dòng máu Lạc Hồng xưa...

Giữa đảo xa lá cờ bạc nắng gió...

Bỗng trong tôi mắt lệ dâng trào...

Không xa đâu Trường Sa ơi! Bởi Trường Sa sẽ mãi mãi trong lòng những người đã một lần được đến và được hát ở Trường Sa.

HÀ HUY LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh