THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:20

Rưng rưng đất lửa Quảng Trị

Về miền Tri Ân.

Gặp bà Trần Thị Màn ngậm ngùi thắp những nén hương bên các ngôi mộ liệt sỹ chưa biết tên tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, tôi như nghẹn lòng. Bà Màn kể: năm nào cả gia đình bà cũng từ Hà Nội vào Quảng Trị để thắp những nén hương cho các liệt sỹ tại hai nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn và Đường 9. Năm nay cũng vậy, 24 người cả lớn đến nhỏ lại về Quảng Trị để thắp hương tưởng nhớ người em chồng: Liệt sỹ Nguyễn Mạnh Khởi, hy sinh tại mặt trận đường 9- Khe sanh năm 1972. Bà Màn cho biết, dù gia đình đã bỏ rất nhiều công sức, thời gian đi tìm hài cốt liệt sỹ Nguyễn Mạnh Khởi nhưng đến nay vẫn không thể tìm thấy. Bà và gia đình đều hy vọng người em chồng thân thương là một trong những liệt sỹ chưa biết tên đang nằm cùng những đồng đội tại đây “cho chú ấy khỏi lạnh lẽo, cô đơn”.

Bà Trần Thị Màn ( Hà Nội) bên ngôi mộ liệt sỹ chưa biết tên tại Nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: Giang Sơn.


Ông Hồ Tất Ái, Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang Trường Sơn cho biết, chỉ sáu tháng đầu năm 2017 đã có gần 10000 đoàn với hơn nửa triệu người đến thăm viếng, dâng hương tại nghĩa trang Trường Sơn. Để phục vụ tốt việc thăm viếng của các thân nhân, đồng đội các liệt sỹ, cán bộ, nhân viên của Nghĩa trang đã rất nỗ lực, nhiệt tình, chu đáo với phương châm:

Xanh cây, sạch mộ nghi ngút hương

 Tận tình niềm nở khách thập phương

   Phục vụ trang nghiêm đoàn đến viếng

         Thời gian không quan: Sớm- Trưa- Chiều.

Ông Ái cũng cho biết thêm, riêng tháng 7 cao điểm, toàn bộ cán bộ, nhân viên của BQL đã được huy động và tăng cường tối đa nhân lực để phục vụ tốt nhất cho tất cả các đoàn đến viếng.

CB-CS Trung tâm xử lý sự cố tràn dầu- Bộ Quốc phòng dâng hương tưởng niệm các đồng đội tại Nghĩa trang Trường Sơn. ảnh: Giang Sơn.

Thực hiện tốt chính sách người có công.

Quảng Trị được biết đến là địa phương có số lượng người có công với cách mạng đông với 120.178 người được xác nhận theo Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng. Trong đó, có 18.898 liệt sĩ; 11.477 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 2.442 Bà mẹ VNAH; 4.135 người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và hàng chục ngàn người có công với cách mạng. Hiện địa phương đang thực hiện chi trả trợ cấp cho 20.964 người có công với cách mạng và thân nhân hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Quảng trị còn thay mặt cả nước chăm sóc gần 60.000 mộ liệt sĩ là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Công tác thực hiện chính sách NCC và chăm sóc các ĐTCS luôn được Đảng bộ, Chính quyền , các cấp các ngành và toàn thể xã hội đặc biệt quan tâm

Về công tác phụng dưỡng Bà mẹ VNAH, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị cho biết, tổng số Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn tỉnh đã được Chủ tịch nước quyết định phong tặng, truy tặng là 2.442 Bà mẹ, hiện nay còn sống 64 mẹ. Từ đầu năm 2017 đến nay, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhận phụng dưỡng 14 Bà mẹ VNAH, đến nay 100% mẹ còn sống trên địa bàn tỉnh đều được phụng dưỡng suốt đời.

  Tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn xác lập mới 8.397 hồ sơ người có công với cách mạng các loại. Theo đó, từ năm 2012-2016, toàn tỉnh đã xác nhận 280 hồ sơ người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945, nâng tổng số đối tượng xác nhận của toàn tỉnh lên 563 người, hiện còn 18 đối tượng còn sống; xác nhận 150 hồ sơ người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, nâng tổng số đối tượng được xác nhận lên 276 người, trong đó có 32 trường hợp còn sống.  Giai đoạn 2012-2016, tỉnh Quảng Trị cũng đã tổ chức xác lập 83 hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ, nâng tổng số liệt sĩ của tỉnh lên 18.996 người. Số thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 2.855 người, trong đó tuất 1 liệt sĩ là 2.711 người, tuất 1 liệt sĩ hưởng định suất nuôi dưỡng là 71 người, tuất 2 liệt sĩ là 19 người, tuất 2 liệt sĩ nuôi dưỡng là 01 người và tuất 3 liệt sĩ là 01 người. Đặc biệt, thực hiện chính sách trợ cấp thờ cúng liệt sĩ đối với các trường hợp không còn thân nhân hưởng trợ cấp, các địa phương đã tổ chức triển khai, hướng dẫn và thực hiện một cách tích cực. Từ năm 2013 đến nay đã giải quyết 14.005 hồ sơ. Trong đó, các địa phương cơ bản hoàn thành công tác giải quyết hồ sơ thờ cúng liệt sĩ là Cam Lộ, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh, thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà. Thông qua công tác giải quyết hồ sơ thờ cúng, tỉnh đã hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 58 trường hợp có hồ sơ liệt sĩ nhưng chưa được cấp Bằng. Tỉnh Quảng Trị đã xác lập 12 trường hợp người hưởng chính sách như thương binh, trong đó có 08 trường hợp tồn đọng  nâng tổng số thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được xác lập lên thành 11.805 người. 

Gia đình bà Trần Thị Màn ( hà Nội) Dâng hương tại Nghĩa trang trường Sơn. Ảnh: Giang sơn.

Tỉnh Quảng Trị hiện có 8.208 hộ gia đình có người bị hậu quả của chất độc hóa học với tổng số đối tượng bị ảnh hưởng lên đến 15.485 người. Trong đó, có 13.023 người còn sống.Thời gian qua, thực hiện các văn bản quy định của Nhà nước về chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả chất độc hóa học, toàn tỉnh Quảng Trị đã xác lập 5.064 hồ sơ hưởng trợ cấp, trong đó có 3.879 đối tượng trực tiếp và 1.185 đối tượng gián tiếp. Riêng giai đoạn 2012- 2016, tỉnh Quảng Trị đã giải quyết 1.904 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, trong đó có 1.764 đối tượng trực tiếp và 140 đối tượng gián tiếp. Hiện, có 2.852 đối tượng trực tiếp hưởng trợ cấp.

Đặc biệt, cũng như 1.598 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã giải quyết 1.642 hồ sơ người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, nâng tổng số đối tượng đã được giải quyết trợ cấp một lần lên 59.669 đối tượng; giải quyết 623 hồ sơ người có công giúp đỡ cách mạng, nâng tổng số người có công giúp đỡ cách mạng lên 14.361 người; hơn 4.730 con của người có công với cách mạng được hưởng chính sách ưu đãi trong giáo dục, đào tạo…

Đảm bảo mọi gia đình chính sách đều có cuộc sống ổn định không những về tinh thần mà kể cả về đời sống sinh hoạt, thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Đề án số 2840/ĐA-UBND hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn, tỉnh đã xây mới 1.230 nhà với kinh phí 49,2 tỷ đồng (mức 40 triệu đồng/nhà); sửa chữa 3.245 nhà với kinh phí 64,9 tỷ đồng (mức 20 triệu đồng/nhà). Xuất phát từ yêu cầu thực tế phát sinh, ngày 16/02/2016, UBND tỉnh Quảng Trị tiếp tục có Quyết định số 315/QĐ- UBND về việc điều chỉnh, bổ sung Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Theo đó, địa phương hỗ trợ xây mới 876 nhà, sửa chữa 4.395 nhà, nâng tổng số hộ người có công với cách mạng được hỗ trợ về nhà ở sau khi bổ sung là 9.746 hộ  

Ông Phan Văn Linh, tỉnh ủy viên, GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị cho biết: Năm 2017, kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017); 45 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ và Thị xã Quảng Trị (1972-2017), tỉnh Quảng Trị  tiếp tục thực hiện chăm lo thật tốt đời sống cho các gia đình và đối tượng chính sách, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Xây dựng xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng”.

 

 

Giang Sơn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh