THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 03:43

Rộn ràng lễ Kathina

 

Lễ Kathina được đồng bào Khmer tổ chức sau 3 tháng an cư kiết hạ, được tổ chức hàng năm trong vòng 1 tháng sau ngày mãn hạ (bắt đầu từ ngày 15/9 đến ngày 15/10 âm lịch), trước lễ hội Ok – Oom – Bok. Các chùa sẽ ấn định một ngày cụ thể rồi thông báo cho phật tử ngày làm lễ Kathina. Lễ Kathina nhằm cầu cho phum sóc yên ấm, gia đình bình an, cầu cho mưa thuận gió hòa và thành kính dâng lên áo cà sa, các vật dụng dành cho chư tăng.

Những ngày này, cộng đồng người Khmer Nam bộ nói chung (cộng đồng người Khmer Sóc Trăng nói riêng) tổ chức lễ Kathina (diễn ra 2 ngày). Ngày đầu tiên tại chùa, các sư sãi đọc kinh cầu nguyện để phum sóc an lành, cầu phúc cho mọi người gặp nhiều may mắn. Ngày thứ hai, đồng bào phật tử trong phum sóc tổ chức một đám rước quanh phum sóc và xung quanh chánh điện như minh chứng cho lòng thành của họ trước khi làm lễ dâng y cà sa lên sư sãi. Nghi thức lễ Kathina được tiến hành theo nghi thức Phật giáo, trước tiên chọn những cô gái đẹp bưng những cây bông rực rỡ, lung linh sắc màu được trang trí bằng những sợi tua rua đong đưa theo bước chân người, lấp lánh bởi những chiếc gương tròn nhỏ, xinh xinh, cùng những đồng tiền giấy được xếp gọn và cột lại rất xinh, đồng bào phật tử rước quanh phum sóc và xung quanh chánh điện mới làm lễ dâng y cà sa lên sư sãi.

Theo Hòa thượng Tăng Nô, Phó trưởng ban Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, trụ trì chùa Khleang (Sóc Trăng): Thông thường, vật phẩm dâng lên cho sư sãi trong lễ Kathina là những thứ lễ vật truyền thống như áo cà sa, bình bát để sư khất thực, nhu yếu phẩm... Đây là những vật phẩm để sư sãi dùng trong những tháng trường học tập và những đồ dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra, nhiều gia đình cúng dường cho chùa nhiều kỷ vật khác: Giường, bàn ghế, tủ... để ghi nhận lòng thành kính của họ đối với nhà chùa, cũng như góp phần trang bị vật dụng cho nhà chùa. “Để tăng thêm phần long trọng cho lễ Kathina nhiều gia đình còn kết hợp thêm các loại hình nghệ thuật truyền thống như tổ chức hát, múa Rô băm, Dù kê...”, Hòa thượng Thạch Song nói.

Ngày hội Kathina của đồng bào Khmer Nam bộ nói chung và Sóc Trăng, với những hàng bông sặc sỡ sắc màu.

Lễ Kathina truyền thống góp phần tạo nên sự đa dạng trong văn hóa Khmer, những nét chính thể hiện tình cảm, tâm thức của người Khmer đối với văn hóa dân tộc, sự sùng kính từ trái tim họ với chùa chiền. Thông qua các hoạt động này giúp con người sống gần gũi và thân thiện, đoàn kết, sống có trách nhiệm và luôn thương yêu đùm bọc lẫn nhau hơn, tính cô kết trong cộng đồng càng được gắn chặt hơn.

Hiện nay, khi đời sống của bà con Khmer đã được nâng lên thì lễ Kathina hằng năm tại các chùa luôn được tổ chức lớn hơn, mang đầy đủ nét văn hóa truyền thống.

 Trung bình hàng năm mỗi chùa có từ 3 – 5 đám dâng y cà sa. Thậm chí còn có nhiều đám của phật tử ở các phum sóc và tỉnh thành lân cận. Vì là lễ dâng y lên sư sãi của bổn chùa nên việc tiến hành tốn rất nhiều chi phí, mọi thứ phải chuẩn bị kỹ càng từ rất lâu. Thế nhưng, chi phí cao không làm họ thui chột đi tinh thần với văn hóa dân tộc, vì với họ, chi phí càng cao đồng nghĩa với việc lễ Kathina của gia đình họ, dòng họ được tổ chức chu đáo và thành công.

Lễ Kathina của gia đình bà Trần Thi Sa là niềm ao ước và hãnh diện của mỗi gia đình.

Chi phí cho lễ Kathina không phải là ít, nhưng không phải gia đình, dòng họ nào trong phum sóc muốn tổ chức là được, điều đó phải có sự đồng ý, chấp thuận của vị sư cả trong chùa, của cả phum sóc. Có năm, nhiều gia đình, tộc họ nào đó muốn đứng ra tổ chức một đám rước Kathina riêng nhưng cũng chưa chắc được, bởi vì, nếu trong năm đó, phật tử trong bon sóc có nhiều người muốn được tổ chức thì phải có buổi họp tại hội đồng của chùa, sau đó sẽ đi đến quyết định lễ Kathina năm đó sẽ được rước chung hay do một gia đình, một dòng họ nào đó tổ chức.

Lễ Kathina là một phong tục rất có ý nghĩa trong đời sống cộng đồng người Khmer là dịp cộng đồng tổ chức quyên góp để đắp đường, tu sửa trường học, nhà tăng, nhà hội... Lễ Kathina của từng địa phương, tuy cách làm cây bông mỗi nơi có khác nhau đôi chút nhưng việc tiến hành lễ Kathina của cộng đồng người Khmer ĐBSCL rất giống nhau. Tất cả đều thể hiện một ý thức cộng đồng rất cao. Điều này dễ dàng nhận thấy qua hình ảnh ngôi chùa ở từng phum sóc. Dù nhà ở của bon sóc còn đơn sơ, đời sống còn khó khăn nhưng ngôi chùa của họ vẫn cứ uy nghi, tráng lệ. Trong không gian yên bình, ngôi chùa vươn mái cong lên nền trời xanh như một niềm kiêu hãnh, một niềm tin mãnh liệt vào một ngày mai tươi sáng.     

Lễ Kathina năm nay, khi đến ấp Phước Hòa, xã Phú Tân (huyện Châu Thành, Sóc Trăng), chúng tôi chứng kiến gia đình bà Trần Thi Sa cùng với 7 hộ khác trong phum sóc tổ chức lễ Kathina thật rộn ràng. Một đoàn người đủ già trẻ, gái trai, ăn mặc thật đẹp tiến hành đi lễ tại chùa Cham Pa. Đoàn có cả chú khỉ Hanuman nhảy múa, có nhạc rộn ràng... Anh Sơn Sương (con bà Sa) cho biết: Muốn tổ chức đám rước Kathina, gia đình anh đã lên kế hoạch và đề nghị với nhà chùa từ nhiều năm trước nhưng phải đến nay mới có vinh hạnh cùng những hộ khác tiến hành lễ. Theo anh, được tổ chức lễ Kathina là niềm tự hào và nguyện ước của mỗi gia đình người Khmer, thỏa niềm ước nguyện của lòng thành kính, lòng sùng đạo của người Khmer với chùa chiền, với văn hóa dân tộc mình.

PHƯƠNG NGHI/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh