THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:00

Ấn tượng dàn nhạc cụ Khmer truyền thống

 

Năm 2012, trong một lần về công tác ở Bạc Liêu, tôi đã được thưởng thức một chương trình hòa tấu của một dàn nhạc, với toàn những nhạc cụ truyền thống độc đáo của đồng bào Khmer. Các nghệ nhân nhiều lứa tuổi, mỗi người có thể chơi một lúc vài loại nhạc cụ một cách thuần thục, đầy hưng phấn, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. Qua tìm hiểu, tôi được biết đó là những nghệ nhân, nhạc công của Đội Thông tin – Văn nghệ Bạc Liêu. Điều khiến tôi hết sức ngạc nhiên là  hầu hết những nghệ nhân trong dàn nhạc không được học qua trường lớp âm nhạc chính quy mà chủ yếu được truyền dạy từ các nghệ nhân dân gian ở địa phương. Nhờ được truyền dạy từ khi mới 12, 13 tuổi nên họ là những nghệ nhân, nhạc công chơi rất thuần thục các nhạc cụ truyền thống dân tộc Khmer Nam bộ.

Bộ cồng lớn (Koông vông thun)

Hiện nay các nghệ nhân, nhạc công của Đội sở hữu khoảng gần 20 loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Khmer Nam bộ. Đó là đàn Khưm thưm (bán nguyệt lớn), Khưng tôch (bán nguyệt nhỏ), Truô nguôk (đàn gáo lớn), Truô sô (đàn gáo nhỏ), Khlây (sáo trúc), Kráp (cập gõ tre), Skođacy (trống da nhỏ), Cchưng (chập chã bằng đồng)…

Đặc biệt có những loại nhạc cụ hết sức độc đáo và có tuổi thọ hơn 100 năm, như cây đàn Cha pây chom riêng của nghệ nhân Danh Xà Rậm được truyền lại từ người cha. Cây đàn Cha pây chom riêng tuy cũ kỹ, nhưng qua bàn tay điêu luyện, tài hoa của nghệ nhân Danh Xà Rậm nó vẫn ngân nga những âm thanh lúc thánh thót, khi trầm ấm như những lời tự sự về  thân phận con người trong quá khứ và hiện tại. Đó là những bản nhạc mang thông điệp khuyên răn mọi người trong cộng đồng yêu thương nhau, ăn ở hiền lành, tránh làm điều ác, ngợi ca cái hay cái đẹp trong cuộc sống. Nhiều loại nhạc cụ có hình dạng tuy giống với nhạc cụ truyền thống của các dân tộc khác, nhưng lại có những kỹ thuật, cách chơi khác, ấn tượng hơn. Như bộ Koông vông thum (bộ cồng lớn), với 15 chiếc chiêng được đúc như những thỏi vàng lớn trên có chóp nhô lên, khi gõ phát ra âm thanh trong trẻo và ngân vang. Cây đàn Tà khê 3 dây có hình dáng giống như cây đàn đáy của người Việt, nhưng lại được đặt nằm ngang trên mặt bàn. Bộ gõ bằng tre nhỏ và rooneat thung (bộ gõ bằng tre lớn) được treo trên 2 cái giá có hình dạng giống như một chiếc thuyền rất giống với đàn T’rưng (Tây Nguyên), khi hòa tấu âm thanh lảnh lót. Khlôy (sáo trúc) được thổi từ phía đầu sáo chứ không thổi ở lỗ gần giữa như sáo trúc người Việt.

Bộ gõ bằng tre (Roo neat)

Sko sam phô (trống sam phô) cũng là một cái trống lạ, có 1 đầu to và 1 đầu nhỏ được bịt bằng da bò, trống tuy nhỏ nhưng khi đánh lên lại có tiếng vang vọng rất lớn. Với những loại nhạc cụ truyền thống độc đáo kể trên, các nghệ nhân, nhạc công đã tạo nên những bản hòa tấu mang đậm bản sắc âm nhạc dân tộc Khmer Nam bộ, cuốn hút người nghe một cách say đắm. Như hòa tấu nhạc dân gian Dù kê, với âm thanh vửa tha thiết, sâu lắng vừa khích lệ tinh thần chiến đấu với lòng đầy kiêu hãnh và quyết tâm chiến thắng để bảo vệ quê hương, đất nước.

Đàn Tà Khê

Đặc biệt là hòa tấu nhạc cưới truyền thống dân tộc Khmer Nam bộ đã đem đến cho người nghe những âm thanh thật rộn ràng tươi vui trong ngày hạnh phúc lứa đôi.  Ngoài gặt hái thành công qua các chương trình biểu diễn nghệ thuât trong các kỳ Liên hoan nghệ thuật quần chúng khu vực và toàn quốc, Đội còn đi sâu vào lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và khai thác phổ biến nghệ thuật dân gian dân tộc Khmer ở Bạc Liêu nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung. 

Luong Định/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh