CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:12

Rộn ràng các hoạt động vui chơi, giải trí dịp Tết Canh Tý 2020

Tái hiện nhiều không gian Tết Việt truyền thống

Nhằm tái hiện lại không gian Tết Việt truyền thống, từ ngày 18/1, CLB Đình làng Việt phối hợp với Ban Quản lý phố cổ tổ chức chương trình Tết Việt 2020 sẽ tổ chức các nghi lễ gói, luộc bánh chưng, nghi lễ cúng Tất niên của gia đình Hà Nội sẽ được thực hiện tại Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây). Tại đây, người dân và du khách sẽ được cảm nhận không gian Tết của một gia đình Hà Nội xưa với mâm cỗ Tất niên, cảnh quây quần bên nồi bánh chưng, thưởng thức các món ăn đặc sản Tết của hà thành, chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật dân gian hàng Trống, xin chữ...

Bên cạnh đó, nhằm lan tỏa các giá trị truyền thống trong cộng đồng, quảng bá hình ảnh, văn hóa của Việt Nam và Hà Nội tới bạn bè quốc tế, trong dịp này, tại nhiều điểm di tích lịch sử, giao lưu văn hóa khu vực phố cổ, quận Hoàn Kiếm. Nghi lễ quan trọng nhất của sự kiện sẽ là Lễ dựng nêu tại vườn hoa hồ Hoàn Kiếm, trước cổng đền Ngọc Sơn. Cùng với đó là các hoạt động diễn xướng dân gian như: Múa sư tử - nghê thời Lý; múa, hát cửa đình; múa bồng; hát xoan… và những làn điệu âm nhạc dân gian đặc sắc của các vùng miền. Tại đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc) sẽ diễn ra các hoạt động lễ dâng thành hoàng, hát cửa đình - hát thờ thành hoàng; trưng bày tranh Kim Hoàng, tranh Đông Hồ; trưng bày đầu tượng sư tử - nghê, lấy mẫu từ đầu tượng sư tử - nghê, thời Lý, chùa Bà Tấm, Gia Lâm (Hà Nội).

Rộn ràng các hoạt động vui chơi, giải trí dịp Tết Canh Tý 2020 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cũng trong dịp này, tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, làng nghề xây dựng chương trình Tết Việt 2020 với chủ đề "Nét bút ngày Xuân". Chương trình bắt đầu từ ngày 17/1 (tức 23 tháng Chạp Kỷ Hợi) với lễ ông Công, ông Táo, mở ra chuỗi hoạt động trải nghiệm không khí lễ hội ngày xuân linh thiêng, rạng rỡ, cùng nhiều nghi thức truyền thống, như: Lễ dựng cây nêu; lễ dâng hương khai xuân… Công chúng và du khách sẽ được trải nghiệm không gian chợ Tết, tìm về Tết xưa qua các trò vui dân gian: Viết câu đối, làm hoa Tết, ghép tranh vải, nặn tò he, thưởng thức các tiết mục múa rối nước đặc sắc. BTC cho biết, điểm nhấn của không gian Tết Việt tại Hoàng thành Thăng Long chính là không gian trưng bày nhà Nho với văn phòng tứ bảo "giấy, mực, bút, nghiên" cùng nhiều câu đối mang ý nghĩa sâu sắc, gửi gắm mong muốn về những điều tốt lành, thịnh vượng trong năm mới.

Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, công chúng sẽ được tham gia Chương trình vui xuân Canh Tý, với chủ đề "Sắc thái văn hóa Thái Bình". Chương trình sẽ diễn ra trong 2 ngày, 28 và 29/1/2020 (tức mùng 4, mùng 5 tháng Giêng Âm lịch), mang đến cho công chúng và du khách cơ hội tìm hiểu và khám phá những giá trị văn hóa của tỉnh Thái Bình, thông qua các hoạt động hấp dẫn, như: Trình diễn chèo cổ Thái Bình, múa ông Đùng bà Đà, trình diễn nghề tứ dân, múa rối nước, thực hành chế biến ẩm thực dân gian bánh cáy, bánh dày lá ré... Bên cạnh không gian đậm sắc màu văn hóa Thái Bình, chương trình còn có các hoạt động vui tết dân tộc, như: Trình diễn múa tứ linh, viết thư pháp, in tranh tết Đông Hồ, đốt pháo hoa mừng năm mới, trải nghiệm trò chơi dân gian, tìm hiểu văn hóa đón Tết của một số dân tộc thiểu số...

Rộn ràng các hoạt động vui chơi, giải trí dịp Tết Canh Tý 2020 - Ảnh 2.

 30 điểm bắn pháo hoa tại Hà Nội

Đặc biệt, đêm giao thừa Hà Nội có 30 điểm bắn pháo hoa, trong đó có 6 điểm tầm cao tại hồ Hoàn Kiếm, vườn hoa Lạc Long Quân quận Tây Hồ, Mỹ Đình Công viên Thống nhất quận, quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây. Điểm nhấn trong các hoạt động đón Tết Nguyên đán năm nay là Chương trình nghệ thuật chào mừng Tết Nguyên đán Canh tý 2020 vào đúng đêm giao thừa tại các sân khấu khu vực diễn ra bắn pháo hoa trên địa bàn thành phố.

Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ tổ chức Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 từ ngày 18/1 đến 5/2/2020 (tức từ 24 tháng Chạp Kỷ Hợi đến 12 tháng Giêng Canh Tý). Bên cạnh hoạt động cho chữ ngày xuân, Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 còn có các không gian tôn vinh, giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, không gian diễn xướng nghệ thuật dân gian quan họ, ca trù, hát xẩm, chầu văn..., thưởng thức ẩm thực và trải nghiệm trò chơi truyền thống bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, đập niêu đất, nhảy sạp, kéo co… Là hoạt động thường niên, Hội chữ Xuân tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành sự kiện văn hóa không thể thiếu khi Tết đến, Xuân về ở Thủ đô Hà Nội, góp phần khơi dậy, lan tỏa nét đẹp văn hóa, nâng cao trình độ thẩm mỹ, hiểu biết về nghệ thuật thư pháp của người viết chữ, người xin chữ và công chúng Thủ đô.

Đón Giao thừa tại hồ Gươm

Hồ Gươm luôn là địa điểm vui chơi Tết Nguyên đán quen thuộc với người dân Thủ đô. Đặc biệt, vào đêm Giao thừa, nơi đây sẽ là một trong những địa điểm bắn pháo hoa được nhiều người hướng tới. Hàng nghìn bóng đèn được thắp lên cùng ánh sáng rực rỡ của pháo hoa tạo nên một khung cảnh vô cùng ấn tượng vào thời khắc linh thiêng, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đồng thời, hàng nghìn người đổ về khu vực này khiến hồ Gươm vô cùng sôi động.

Bên cạnh đó, phố sách Đinh Lễ mở cửa xuyên đêm sẽ là địa điểm không thể bỏ qua khi đặt chân tới khu vực Bờ Hồ trong ngày 30 Tết. Tới hồ Gươm vào đêm Giao thừa, du khách còn được thưởng thức các chương trình nghệ thuật hấp dẫn, được dàn dựng công phu và do các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Hà Nội biểu diễn. Cùng với không khí se lạnh cuối đông, hồ Gươm đem đến cho những người tới đây cảm giác thơ mộng, nhẹ nhàng.

Phong phú hoạt động vui chơi, giải trí tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng diễn ra nhiều hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn phục vụ người dân và du khách. Theo đó, tối 24/1 (đêm giao thừa Tết Nguyên đán), chương trình nghệ thuật với chủ đề "Sắc Xuân 2020" được tổ chức với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Cùng với đó là nhiều chương trình nghệ thuật khác như: "Đà Nẵng vào Xuân", "Hồn Việt" xuyên suốt dịp Tết.

Trong dịp Tết này cũng sẽ diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, giải trí. Đó là các hoạt động trò chơi trên mặt đất, trò chơi trên hồ nước;  thi và trưng bày sinh vật cảnh gần 1.000 tác phẩm của các nghệ nhân thuộc Hội nghệ thuật hoa viên; hội thi chim, cá cảnh cùng hơn 20 chương trình nghệ thuật, văn nghệ biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách tham quan vui chơi tại Hội hoa Xuân. Nét mới năm nay có trưng bày bộ sưu tập ảnh "Nét đẹp Đà Nẵng", trưng bày các tác phẩm ảnh tư liệu liên quan đến di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng; biểu diễn lướt sóng ca-nô mô hình điều khiển từ xa trên mặt nước…   

Bên cạnh đó, các chương trình định kỳ như Âm nhạc đường phố, Vũ hội đường phố, Hô hát bài chòi và Âm nhạc dân tộc… diễn ra định kỳ vào các ngày cuối tuần thứ bảy và Chủ nhật trong, trước và sau Tết. Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức như Hội Hoa Xuân được tổ chức từ ngày 19 đến ngày 30/1, tại Công viên Tao Đàn cùng với Hội hoa Xuân Phú Mỹ Hưng tại quận 7. Chợ Hoa Tết cấp Thành phố được tổ chức tại khu A - B, Công viên 23/9, Công viên Gia Định và Công viên Lê Văn Tám, từ ngày 17 đến ngày 24/1 cùng với hệ thống chợ Hoa Tết các quận - huyện, đặc biệt là chợ Hoa Tết "Trên Bến Dưới Thuyền" tại bến Bình Đông, quận 8. Bên cạnh đó, từ ngày 22 đến ngày 28/1, diễn ra Lễ hội Đường Sách và Đường Hoa Nguyễn Huệ Tết Canh Tý hứa hẹn mang lại nhiều cảm xúc cho công chúng.

MINH VŨ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh