Rèn thói quen để thành công: Tự học
- Giáo dục nghề nghiệp
- 04:07 - 16/09/2021
Tự học là gì?
Trên Bách khoa toàn thư mở Wikipdia có đề cập đến Chủ nghĩa tự học như sau: autodidacticism (hay autodidactism), tiếng Anh là self-education (hay self-learning và self-teaching) là việc học về một chủ đề hay nhiều chủ đề mà người học có ít hoặc không có sự dạy dỗ chính thống nào. Nhiều đóng góp quan trọng được thực hiện bởi những người tự học (autodidacts).
Trang oxfordlearnersdictionaries.com định nghĩa về "Self - educated" là: "having learned things by reading books, etc. rather than at school or college". Nghĩa là: "Đã học được nhiều điều bởi việc đọc các cuốn sách v.v… hơn so với ở trường học hoặc Cao đẳng".
Qua đó, chúng ta có thể thấy việc tự học đề cao những nỗ lực khám phá rất chủ động, thậm chí đôi khi thiên về các năng lực bẩm sinh của con người như: sự tò mò, khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng và lối tư duy mang bản sắc cá nhân.
Trong lịch sử phát triển của nhân loại, có rất nhiều tấm gương tiểu biểu cho tinh thần, kĩ năng tự học như: Abraham Lincoln, Michael Faraday, Hai anh em nhà Wright, Henry Ford v.v… Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta cũng là một minh chứng sống động có ý chí và năng lực tự học đáng khâm phục trong suốt cả cuộc đời.
Không nhất thiết phải là các nhà khoa học thiên tài hay các danh nhân thì mới có thể tự học. Bạn tự giác đọc hết một cuốn sách, học chơi một loại nhạc cụ, tập thiền, học nấu ăn, học làm đồ thủ công, học ngoại ngữ qua internet v.v… đều có thể coi là tự học. Tự học là hoạt động vô cùng dễ hiểu, giản dị mà con người thực hiện để chủ động tiếp cận, lĩnh hội tri thức, kỹ năng mới mà bản thân mong muốn mà không có sự can thiệp, hay áp đặt kỷ luật từ người khác.
Mặc dù vậy, "tự học" dường như vẫn là đều gì đó tương đối lạ lẫm đối với không ít các bạn học sinh, sinh viên và những người đã đi làm.
Vì sao chúng ta ngại tự học?
Để trả lời cho câu hỏi này, tác giả bài viết đã dành thời gian quan sát quá trình học tập mọi người xung quanh, tham khảo các tựa sách như: "Tôi tự học" của tác giả Nguyễn Duy Cần; "Giáo dục và Ý nghĩa cuộc sống" của tác giả Jiddu Krishnamurti; "Được học" của tác giả Tara Westover và rút kinh nghiệm từ chính bản thân trong quá trình học tập. Các vấn đề sau đây sẽ thường gặp nhất ở những ai cảm thấy khó khăn khi bắt đầu tự học hay liên tục thất bại trong việc tạo dựng thói quen tự học.
Nhu cầu hiểu biết ở mức thấp: Không phải ai cũng có thói quen đặt câu hỏi với các hiện tượng xảy ra trong đời sống. Đồng thời bản thân họ cũng không có thôi thúc tìm ra lời giải cho các vấn đề nằm ngoài nhu cầu của bản thân. Nhóm này thường dễ chấp nhận với việc chỉ có một câu trả lời duy nhất cho một câu hỏi, một góc nhìn đúng đắn nhất cho một hiện tượng và một cách giải quyết tốt nhất cho một vấn đề.
Không có mục đích rõ ràng: Mục đích có vai trò rất quan trọng trên hành trình tự học. Nó vừa là điều chúng ta mong muốn vừa là động lực để giúp chúng ta duy trì các hành động để tiến đến sở hữu các kiến thức, kỹ năng mới. Thiếu mục đích thường đi kèm với thiếu động lực và biến tự học thành cảm hứng nhất thời, "đầu voi, đuôi chuột".
Thiếu tính kỷ luật và sự kiên nhẫn: Sau khi xác định mục đích, bạn sẽ phải đối mặt với việc duy trì kỷ luật của bản thân. Khi tự học, chúng ta phải xác định việc này là cần dành thời gian lâu dài kèm theo nhiều cố gắng, nỗ lực của bản thân. Vì vậy, tuân thủ kỷ luật và kiên nhẫn là từ khóa để bạn theo đuổi việc học đến cùng.
Tự khẳng định bằng chính bản thân: Tự học là trông cậy vào chính bản thân bạn và chính bản thân bạn là người hiểu rõ những gì bạn thực sự học được. Do đó, tự học không phải là lối học thiên về hình thức.
Không biết tự đánh giá kết quả: Tự học thường đi kèm với tự đánh giá. Chỉ cần chịu khó quan sát, lắng nghe và suy nghĩ kĩ phản hồi từ những người xung quanh là bạn cũng có thể tự đánh giá đúng phần nào quá trình tự học.
Phương pháp tự học
Có rất nhiều gợi ý, phương pháp chung dành cho việc tự học ở các nguồn tài nguyên như sách vở, mạng internet. Các gợi ý này thiên về tính kỹ thuật như: Lập các kế hoạch, có môi trường tự học tốt, chú ý ghi chép, tăng cường trí nhớ v.v…
Đối với các bạn học sinh, tự học cần bắt đầu với sự ham thích, say mê tìm tòi một chủ đề nhất định. Thay vì việc tạo nên các lịch học thêm dày đặc để chạy đua với thi cử, các bậc phụ huynh nên dành thời gian đó cho các bạn nhỏ tự do vận động và tìm hiểu kiến thức mà các bạn có hứng thú. Ở giai đoạn cảm tính chiếm vai trò chủ đạo, việc bị ép học quá nhiều sẽ không có lợi cho sự phát triển tinh thần tự giác học tập sau này. Phụ huynh và giáo viên có thể đặt ra các câu hỏi, sau đó khuyến khích các bạn nhỏ tự đi tìm lời giải thông qua các nguồn tin sẵn có từ sách vở, mạng internet hoặc các buổi thảo luận nhóm với bạn bè.
Đối với các bạn sinh viên, tự học cần bắt đầu với lòng kiên nhẫn, tính kỷ luật và mục tiêu học tập rõ ràng. Đây là giai đoạn tự học gắn liền với niềm vui song có thêm tính trách nhiệm, sự tự chủ để đạt được các thành quả học tập cụ thể. Đọc sách, chủ động ghi chép, thảo luận và thuyết trình là hoạt động cần đặc biệt tập trung phát triển ở giai đoạn này. Để tự học hiệu quả, các bạn sinh viên có thể đề ra mục tiêu học tập rõ ràng theo từng học kì và nhờ các giảng viên tư vấn phương pháp, nguồn tài nguyên phục vụ cho việc học tập để đạt được những mục tiêu ấy.
Đối với người đã đi làm, tự học lúc này trở thành kỹ năng thiết yếu. Khi hòa nhập vào môi trường làm việc mới, không phải lúc nào cũng có người "cầm tay, chỉ việc". Đây là lúc bạn phải có thói quen chủ động đặt câu hỏi nhiều hơn, thực hành công việc nhiều hơn và biết rút kinh nghiệm nhanh chóng hơn thông qua nhận xét từ đồng nghiệp và cấp trên. Đừng quên, các thiết bị công nghệ thông tin lúc này là trợ lý đắc lực cho hoạt động tự học của bạn: Các video hướng dẫn các kỹ năng; ứng dụng quản lý thời gian; ứng dụng tăng cường sự tập trung; các khóa học online v.v…
Với những chia sẻ trên đây, mong rằng sẽ phần nào hữu ích đối với những ai đang cảm thấy băn khoăn trên hành trình tự học. Tự học chỉ đơn giản là hãy bắt đầu học tập bằng tinh thần chủ động ở mọi nơi, mọi lúc bạn có thể.