THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:35

Môn Hóa học khối THPT: Rút ngắn thời gian dạy, tăng cường tính tự học của học sinh

Dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học kỳ 2 năm học 2019 - 2020 nhằm rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình khi học sinh trở lại trường.

Môn Hóa học khối THPT: Rút ngắn thời gian dạy, tăng cường tính tự học của học sinh - Ảnh 1.

Học sinh học qua truyền hình.

Tăng cường thời gian tự học

Theo đó, khái quát về các nội dung được tinh giản của môn Hóa học khối THPT, thầy Ngọc cho biết, việc tinh giản của Bộ GD&ĐT là rút ngắn thời gian dạy học và tăng cường thời gian tự học của học sinh; lược bỏ, không dạy, không thực hiện các bài thực hành, thí nghiệm; không làm các bài tập phức tạp, nặng về tính toán và không phù hợp với thực tế kiểm tra, đánh giá hiện nay; gộp tích hợp các kiến thức có liên quan với nhau thành một chủ đề học tập; khuyến khích học sinh tự đọc, tự học có hướng dẫn các nội dung lý thuyết đơn giản, dễ hiểu hoặc đã được học từ các lớp dưới; khuyến khích học sinh tự làm các bài tập có tính vận dụng trong các bài luyện tập.

Phạm vi điều chỉnh rộng nhưng kiến thức không lược bỏ nhiều

Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, hầu hết ở các chương, bài trong chương trình học kỳ II của cả 3 khối lớp 10, 11 và 12 đều có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình nghỉ học kéo dài những ngày gần đây. Tuy nhiên, việc điều chỉnh chủ yếu nằm ở cách thức dạy và học, còn nội dung kiến thức bị lược bỏ không quá lớn, chỉ chiếm 10-15%. Có thể thấy, mạch kiến thức chung vẫn được đảm bảo, do đó học sinh sẽ không lo gặp khó khăn, trở ngại khi lên lớp, tiếp tục chương trình của các năm học tiếp theo.

Học sinh cần duy trì thái độ và ý thức học tập nghiêm túc

Có thể thấy, những điều chỉnh về nội dung dạy học mà Bộ GD&ĐT mới công bố là rất phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, khi mà phần lớn các trường bị đóng cửa để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, cả nước buộc phải chuyển sang phương thức học tập trực tuyến và qua truyền hình - phương thức học còn khá mới mẻ với phần lớn học sinh, khiến hiệu quả học tập của các em còn thấp và khó kiểm soát. Những sự điều chỉnh này cũng có ý nghĩa tích cực khi góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp giáo dục, khuyến khích các thầy, cô dạy học theo hướng tích hợp và xây dựng thói quen tự học của học sinh.

"Với học sinh, việc điều chỉnh phạm vi kiến thức là không nhiều. Do đó, các em vẫn cần duy trì thái độ và ý thức học tập nghiêm túc, đều đặn để có thể đáp ứng được mục tiêu đầu ra của môn học cũng như các yêu cầu của thầy cô. Với những trở ngại khi phải học trực tuyến, học qua truyền hình hiện nay, các em cần xây dựng, hình thành cho mình những kỹ năng và thói quen học tập chủ động. Quan trọng nhất là sự tự giác, kiên trì, tập trung dành nhiều thời gian tự học", thầy Ngọc lưu ý.

THANH HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh