CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:48

Rèn phát âm, nghe, nói bằng tiếng Việt cho trẻ thuộc nhóm dân tộc rất ít người

 

Theo Bộ GD&ÐT, cả nước có hơn 4.000 trường mầm non có đông trẻ em là người dân tộc thiểu số.


Qua hai năm tích cực thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020”, chất lượng học tập của trẻ em dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi ngày càng chuyển biến tích cực, học sinh mạnh dạn, tự tin và thích đến trường.

Theo Bộ GD&ÐT, cả nước có hơn 4.000 trường mầm non có đông trẻ em là người dân tộc thiểu số (DTTS); hơn 42 nghìn nhóm lớp có trẻ em người DTTS với số trẻ em người DTTS đến trường là hơn 887 nghìn trẻ. Ðể nâng cao chất lượng, một số địa phương như Gia Lai, Lào Cai, Lâm Ðồng, Quảng Ninh… đã có nhiều sáng tạo trong xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non DTTS.

Mặc dù ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp nhưng do vốn tiếng Việt của học sinh DTTS còn ít cho nên trẻ còn nhút nhát, chưa mạnh dạn tham gia các hoạt động giáo dục. Ngoài ra, nhận thức của phụ huynh về tầm quan trọng của việc dạy tiếng Việt cho trẻ còn hạn chế. Hầu hết các tỉnh đều thiếu giáo viên, vì thế đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ và chất lượng tăng cường tiếng Việt. Cả nước có hơn 73 nghìn giáo viên mầm non dạy trẻ em người DTTS, trong đó, số giáo viên người DTTS trực tiếp dạy trẻ chỉ có gần 39 nghìn người. Nhiều giáo viên mầm non lúng túng trong việc lựa chọn nội dung và phương pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS, trong khi năng lực sư phạm của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên người DTTS còn hạn chế. Công tác bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ của ngành giáo dục chưa thật sự hiệu quả, giáo viên còn máy móc, khó khăn trong thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Mặt khác, tỷ lệ trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp thấp, việc bảo đảm duy trì sĩ số và tỷ lệ chuyên cần chưa cao.

Phó Vụ trưởng Giáo dục mầm non (Bộ GD&ÐT) Nguyễn Thị Hiếu cho biết, một số tỉnh triển khai việc dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS còn chậm, chưa quan tâm bố trí nguồn lực và các giải pháp để thực hiện. Ðể tiếp tục triển khai dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS hiệu quả, các tỉnh, thành phố quan tâm xây dựng thư viện thân thiện phù hợp để khuyến khích phụ huynh cùng đọc sách với trẻ tại trường, tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục rèn phát âm và khả năng nghe, nói bằng tiếng Việt cho trẻ, nhất là đối với trẻ thuộc nhóm dân tộc rất ít người, trẻ sống biệt lập tại các thôn, buôn, khu vực hẻo lánh ít được nghe nói tiếng Việt. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; tài liệu, học liệu về tăng cường tiếng Việt cho cơ sở giáo dục mầm non, nhóm lớp có đông trẻ em người DTTS; tổ chức học hai buổi/ngày để trẻ có cơ hội tăng cường tiếng Việt. Ðáng chú ý, các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ và chính sách hỗ trợ cho giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS theo quy định.

HOA HẠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh