CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:16

Dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số

 

Giờ học của thầy, trò Trường tiểu học Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La).

 

Còn nhiều “rào cản”

Vượt qua đỉnh Sam Síp cao 1.300m, chúng tôi đến xã vùng cao Ngọc Chiến. Chặng đường hơn 40 km từ trung tâm huyện Mường La (tỉnh Sơn La) vào xã Ngọc Chiến nhiều dốc quanh co, khúc khuỷu, trơn trượt bởi những cơn mưa đầu mùa. Ngọc Chiến là xã đặc biệt khó khăn, nhưng công tác giáo dục luôn được chú trọng. Xã có hai trường mầm non, hai trường tiểu học và một trường THCS với gần 1.500 học sinh, chủ yếu là con em các dân tộc Thái, Mông, La Ha. Năm trường học trên địa bàn có đến 18 điểm trường lẻ.

Từ trung tâm xã Ngọc Chiến, chúng tôi tiếp tục hành trình 11 km đường đất lên bản Lập Nghiệp, bản nằm treo leo trên đỉnh núi. Ở độ cao hơn 2.000 m so mặt nước biển, nơi đây quanh năm phủ trắng mây mù. Địa lý hiểm trở, khó khăn là thế nhưng Trưởng bản Kháng A Câu khoe: 73 hộ dân ở đây rất tự hào khi có nhiều cháu thi đỗ vào đại học, thoát ly, làm cán bộ dưới huyện và xã. Có lẽ, thực tế đó là lý do dễ hiểu để các gia đình quan tâm cho trẻ ra lớp, đến trường học cái chữ, tin tưởng vào sự dạy dỗ của thầy giáo, cô giáo.

Khu đồi cao giữa bản Lập Nghiệp là nơi có lớp mầm non thuộc Trường mầm non Phong Lan. Tuy đã chớm hè, nhưng căn nhà cấp bốn gió lùa thông thống, cho nên các em học sinh vẫn phải mặc áo ấm. Lớp học có hơn 20 cháu, 100% trong số đó là con em đồng bào dân tộc Mông, vì vậy nhà trường đã phân công cô giáo người Mông Hàng Thị Pặng đứng lớp để thuận lợi hơn khi nhắc nhở, giải thích cho trẻ. Tuy nhiên, khi dạy đếm bằng tiếng Việt thì cô giáo phải nói theo bằng tiếng Mông: 1 - o, 2 - pê, 3 - plâu, 4 - chi, 5 - châu..., đồng thời phải có hình ảnh thể hiện con số... Cách đó không xa, là điểm trường bản Lập Nghiệp, một trong năm điểm trường của Trường tiểu học Ngọc Chiến B. Điểm trường có bốn lớp (từ lớp một đến lớp bốn) với gần 60 học sinh. Trò chuyện với cô giáo Lò Tố Vân, được biết trước kia chưa có lớp mẫu giáo, các bé vào lớp một, học tiểu học phát âm, viết chữ gặp rất nhiều khó khăn. Để giúp trẻ học tốt môn tiếng Việt, các cô giáo phải sưu tầm đồ dùng dạy học gần gũi với cuộc sống của trẻ, tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có của địa phương để làm hình ảnh minh họa sinh động, thông qua các tiết kể chuyện bằng tiếng Việt. Qua những tiết học như vậy, trẻ hứng thú hơn với việc học tiếng Việt, tự tin giao tiếp với cô giáo và các bạn trong lớp. Cô giáo Vân bảo, việc dạy tiếng Việt từ mầm non là rất quan trọng để khi vào bậc tiểu học trẻ có thể nắm bắt nhanh, phát âm chuẩn, chất lượng học tập tốt hơn.

Những khó khăn mà Sơn La gặp phải cũng là thực trạng chung ở các tỉnh có nhiều dân tộc chung sống như Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Cao Bằng, Phú Yên... Trẻ em người DTTS thường nói tiếng mẹ đẻ tại gia đình, khi đến trường, cô giáo nói tiếng phổ thông, chương trình giáo dục cũng được thực hiện bằng tiếng phổ thông. Đây là khó khăn rất lớn đối với cả giáo viên và học sinh, cũng như việc bảo đảm chất lượng chương trình giáo dục mầm non (GDMN). Rào cản về mặt ngôn ngữ khiến trẻ nhút nhát, rụt rè, thiếu tự tin để tham gia các hoạt động giáo dục. Còn đối với học sinh tiểu học, khi vào lớp một, vốn tiếng Việt ít, trẻ chỉ có khả năng nghe, nói được những câu ngắn, đơn giản cho nên việc học tập cũng như tham gia hoạt động ở lớp, ở trường rất hạn chế. Trong quá trình học tập, nhất là với học sinh lớp 1, lớp 2, học sinh học khó nhớ, hay phát âm sai hoặc thiếu thanh điệu dẫn đến viết sai chính tả, một bộ phận học sinh đọc còn phải đánh vần. Chưa kể, giáo viên gặp nhiều khó khăn khi phải dạy lớp ghép học sinh thuộc nhiều dân tộc, với nhiều độ tuổi, một bộ phận giáo viên chưa hiểu phong tục, tập quán, văn hóa địa phương để giao tiếp, chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhiều điểm trường lẻ còn phải mượn nhà sinh hoạt văn hóa của thôn, buôn làm phòng học... Do đó, chưa bảo đảm các điều kiện về diện tích, nhà vệ sinh, chưa xây dựng được môi trường giáo dục, môi trường sư phạm theo quy định. Những hạn chế này là nguyên nhân dẫn đến trẻ mầm non không thích ra lớp, học sinh tiểu học vùng DTTS khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức và tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học ở những cấp học tiếp theo tăng cao.

Chủ động bằng nhiều giải pháp

Nhằm hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn, đầu năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025. Đề án nêu ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, nhận thấy việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS là việc làm cần thiết, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, để hoàn thành tốt chương trình GDMN và chương trình giáo dục tiểu học, nhiều địa phương, trường học đã có những sáng kiến, kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh.

Cô giáo Vũ Thị Ngọc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường mẫu giáo N’Thol Hạ, xã N’Thôl Hạ, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) cho hay: Để tăng cường tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp một, nhà trường xây dựng các góc thư viện trong lớp, thiết kế thư viện ngoài trời, để trẻ làm quen với chữ viết và đọc sách. Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp các già làng, trưởng bản phổ biến các hoạt động cộng đồng bằng tiếng Việt để trẻ được tạo điều kiện giao tiếp bằng tiếng Việt mọi lúc mọi nơi. Vì vậy, kỹ năng nói và vốn từ tiếng Việt của trẻ đã được cải thiện rõ rệt, trẻ tự tin, mạnh dạn giao lưu cùng thầy cô, bạn bè và những người chung quanh.

Việc thực hiện dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học DTTS được phòng GD và ĐT huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) quan tâm ngay từ bậc mầm non, bằng các giải pháp thiết thực, cụ thể như vận động trẻ ra trường lớp từ khi ba, bốn tuổi; tổ chức lớp học bán trú với nhiều hình thức linh hoạt (như tổ chức bán trú dân nuôi, nhà trường nấu và đưa cơm đi các điểm lẻ…) để duy trì chuyên cần của trẻ. Bên cạnh đó, xây dựng môi trường chữ viết bằng tiếng Việt phong phú, đa dạng trong các lớp mầm non. Các góc hoạt động, giá, kệ để đồ chơi, đồ dùng, học liệu, sản phẩm của trẻ trong các chủ đề, cây xanh, cây cảnh… đều được gắn tên và chữ phù hợp. Tranh truyện chữ to, tranh ảnh theo chủ đề được sắp xếp sinh động, hấp dẫn trong các góc học tập, góc thư viện nhằm thu hút sự chú ý của trẻ. Nhờ vậy, đến nay, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo DTTS ra lớp đạt 75%, trong đó trẻ DTTS năm tuổi ra lớp 99,6%. Có 70% số trẻ DTTS được tổ chức học bán trú, 100% số trẻ DTTS được tăng cường tiếng Việt phù hợp độ tuổi và 100% số trẻ năm tuổi người DTTS hoàn thành chương trình GDMN, chuẩn bị tốt tâm thế vào học lớp một.

Từ năm 2009, để góp phần khắc phục tình trạng bất đồng ngôn ngữ của học sinh khi đến trường, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam đã thực hiện chương trình Bà mẹ trợ giảng (BMTG) tại hai huyện Tủa Chùa và Tuần Giáo của tỉnh Điện Biên. Là mô hình dạy trẻ mẫu giáo DTTS học tiếng Việt thông qua cầu nối tiếng mẹ đẻ, dưới sự hỗ trợ của những “bà mẹ”, trẻ được giải thích kiến thức mới của bài học, có cơ hội trao đổi suy nghĩ, nhận thức về môi trường chung quanh bằng tiếng mẹ đẻ. Từ đó, trẻ sẽ học được tiếng Việt một cách hiệu quả. Nhớ lại buổi đầu tiên đến trường, Lý Thị Dinh, người dân tộc Mông là BMTG tại Trường mầm non xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, cho biết: Trong trang phục của người Mông, trẻ nhìn cô rất thích thú vì có “cô giáo” mặc giống mình. Ở trường, giáo viên người Kinh không nói chuyện được với các em, vì vậy, với vai trò vừa là người giúp giáo viên truyền tải bài học sang tiếng dân tộc để cho các em hiểu, vừa hỗ trợ giáo viên khi gặp tình huống khó xử trong lớp và dạy trẻ tăng cường tiếng Việt. Những BMTG như Dinh đã giúp xóa bỏ rào cản ngôn ngữ giữa cô giáo và học sinh. Trưởng phòng GD và ĐT huyện Tủa Chùa Nguyễn Hồng Sơn nhận định: Sự có mặt của sáu BMTG ở bốn xã Mường Báng, Tủa Thàng, Sính Phình, Xá Nhè đã cải thiện đáng kể việc dạy và học tiếng Việt ở các trường mầm non, tiểu học vùng cao. Khả năng tiếng Việt của trẻ tốt hơn, trẻ tiếp thu kiến thức và giao tiếp thuận lợi hơn, tỷ lệ chuyên cần tăng cao, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở các lớp có BMTG cũng đạt kết quả cao hơn so với lớp không có BMTG.

Theo Phó Vụ trưởng GDMN, Bộ GD và ĐT Nguyễn Thị Hiếu, để nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho trẻ em DTTS, đối với giáo dục mầm non, Bộ GD và ĐT đã xây dựng, ban hành một số tài liệu hỗ trợ giáo viên chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện chuyên đề làm quen với văn học và chữ viết, chú trọng xây dựng môi trường chữ viết, môi trường giao tiếp tiếng Việt, nhằm chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp một. Giáo dục tiểu học đã tổ chức nhiều chương trình nhằm hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho trẻ, hầu hết các tỉnh dạy học theo hướng tăng thời lượng lớp một từ 350 tiết lên 500 tiết; chương trình nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ… Hiện tại, Bộ GD và ĐT đang phối hợp các chuyên gia, các trường sư phạm và địa phương xây dựng tài liệu hướng dẫn tăng cường tiếng Việt dành cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cốt cán ở tất cả các tỉnh, thành phố có trẻ em người DTTS trên cả nước và nhân viên hỗ trợ ngôn ngữ, nhằm hỗ trợ về nội dung, phương pháp tăng cường tiếng Việt. 

 

Cả nước hiện có 42 tỉnh, thành phố có đông trẻ em là người DTTS. Có 4.862 trường mầm non có trẻ em người DTTS (chiếm 34% tổng số trường mầm non trên toàn quốc), thu hút gần 830 nghìn trẻ em mầm non người DTTS ra lớp. Tổng số 6.748 trường tiểu học có học sinh DTTS (chiếm tỷ lệ 75% tổng số trường), thu hút hơn 1 triệu 230 nghìn em là người DTTS ra lớp, chiếm tỷ lệ 35% tổng số học sinh tiểu học đến trường.

Ở bậc học mầm non hiện có tổng số 75 nghìn 066 giáo viên đang trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ DTTS, trong đó có 37 nghìn 909 giáo viên người Kinh; giáo viên người DTTS là 37 nghìn 513 người. Ở bậc tiểu học có 130 nghìn 174 giáo viên dạy học sinh tiểu học DTTS, trong đó giáo viên người DTTS là 43 nghìn 245 người.


Nguồn: Bộ GD và ĐT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh