THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 03:47

Xử lý rác thải tại Thừa Thiên Huế đang gặp khó? Bài 1: Thực trạng đáng báo động

 

RTR xây dựng "tấn công" làng sinh viên

Lợi dụng lúc vắng người, thậm chí thách thức tất cả, những cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, tháo dỡ công trình, vận chuyển RTR xây dựng đã chở bê tông, cát, sỏi, gạch ngói vỡ, đá grenit vụn, thạch cao, gương kính phế phẩm,…về đổ dọc các tuyến đường trong làng sinh viên Đại học Huế (khu vực Trường Bia, phường An Cựu, TP. Huế). Theo một hộ dân sống ở đây cho biết, những người chở RTR xây dựng ban đầu còn lén lút, vụng trộm. Nhưng dần dần họ ngang nhiên thách thức tất cả. Hễ có ai ra can ngăn là bị những người này hù dọa. “Khoảng thời gian từ 10 – 12h trưa, là chúng bắt đầu hoạt động. Có hôm tôi ra nói thì bị chúng chửi bới, dọa nạt lại luôn”, một người dân sống trong khu vực cho biết.

 

Một góc làng sinh viên Trường Bia - Đại học Huế, bị RTR xây dựng "tấn công"

Không chỉ đổ tại làng sinh viên Trường Bia, RTR xây dựng còn bị các đối tượng vận chuyển loại rác thải này lén lút chở đến đổ dọc theo bên lề đường Võ Văn Kiệt (đường tránh Tự Đức – Thủy Dương), đoạn chạy qua trung tâm phường An Tây, TP. Huế. Đặc biệt đoạn từ Trường THPT Thuận Hóa đến điểm giao với đường Nguyễn Khoa Chiêm có 1 bãi rác xây dựng đã đóng cửa nhưng vẫn bị các đối tượng vận chuyển RTR xây dựng mang rác đến đổ trộm vào ban đêm.

“Khu đất này nằm trong khu quy hoạch Đại học Huế. Năm 2013, do khu đất ở vị trí thấp nên UBND TP. Huế có chủ trương cho đổ RTR xây dựng để tôn cao nền đất lên. Từ năm 2015, khi bãi rác đầy thành phố đã quyết định đóng cửa. Tuy nhiên, các đối tượng vận chuyển RTR xây dựng vẫn lén lút chở rác đến đổ tại bãi rác vào các thời điểm vắng người, không có lực lượng chức năng đi kiểm tra, kiểm soát, chủ yếu là vào ban đêm”, ông Trần Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường An Tây cho biết.

Về việc kiểm tra, kiểm soát thực trạng RTR xây dựng bị đổ trộm dọc theo tuyến đường Võ Văn Kiệt, ông Sơn cho biết thêm: “Do lực lượng của phường mỏng, chế tài xử phạt lại chưa đủ răn đe nên việc đổ RTR xây dựng tại địa bàn phường An Tây, nhất là dọc đường Võ Văn Kiệt vẫn xảy ra trong thời gian qua”.

Dù đã có hàng chục biển cấm đổ rác, nhưng RTR xây dựng vẫn được chở đến đổ bên lề đường Võ Văn Kiệt

Không chỉ đổ RTR xây dựng tại làng sinh viên Trường Bia, trên đường Võ Văn Kiệt, mà theo tìm hiểu của chúng tôi, RTR xây dựng còn được các đối tượng vận chuyển, mang đến đổ dọc theo hai bên các tuyến đường huyết mạch khác như: đường Trưng Nữ Vương (thị xã Hương Thủy), đường tránh Huế,…

CTNH tồn kho và ra đường

Tại kho chứa vật liệu thí nghiệm của khoa Hóa, Đại học Khoa học Huế, có những chai hóa chất được sản xuất từ năm 1971, được nhà trường nhập về để sinh viên thực nghiệm. Do không sử dụng hết, số hóa chất này được nhà trường lưu giữ trong kho mấy chục năm nay. “Vấn đề không phải là không xử lý mà là xử lý như thế nào. Để xử lý triệt để CTNH thì cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đáp ứng các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn cho môi trường. Muốn vậy thì cần phải có nguồn kinh phí lớn, nhưng nhà trường thì vẫn còn khó khăn”, theo lời TS. Hoàng Thái Long, Trưởng khoa Hóa - Đại học Khoa học Huế.

Bên trong kho lưu trữ hóa chất của kho Hóa, Đại học Khoa học Huế có những chai hóa chất được sản xuất từ những năm 1971

Vấn đề là, không chỉ riêng khoa Hóa, Đại học Khoa học Huế mới tiến hành nghiên cứu, thực nghiệm với hóa chất và các loạt vật liệu khác có khả năng phát sinh CTNH. Tại Thừa Thiên Huế vẫn còn nhiều nhà trường, nhiều khoa giảng dạy bộ môn khoa học cơ bản, y khoa, thậm chí ngay cả ở các trường THPT cũng cho phép học sinh, sinh viên tiến hành thí nghiệm khoa học và phát sinh CTNH. Số chất thải này bao năm qua đã đi đâu, về đâu?

Nếu tại các nhà trường, các cơ sở nghiên cứu khoa học, CTNH vẫn được lưu chứa trong các nhà kho chuyên dụng. Vậy còn các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thì sao?

Chúng tôi đã tiến hành một cuộc điều tra nhỏ và phát hiện những sự thật không thể ngờ. Trên thực, vẫn còn nhiều cơ sở khác không đăng ký chủ nguồn thải, nhưng trong quá trình sản xuất lại có sự phát sinh CTNH. Khi chúng tôi bắt gặp công nhân một cơ sở đá granit trên đường Võ Nguyên Giáp (TP. Huế) mang đá granit phế phẩm ra đổ ở khoảng đất trống bên đường. Khi được hỏi thì người trong cơ sở bảo: “đổ đó không được à?” Kế bên cơ sở đá granit nói trên là cơ sở làm sắt. Trước mặt cơ sở này có một đống xỉ hàn được đổ ngay bên lề đường. Có lẽ họ vô tư đổ ra đường như vậy vì họ nghĩ ràng “xỉ hàn không phải là CTNH”.  Hay như việc một garage ô tô trên đường Nguyễn Văn Linh (phường An Hòa, TP. Huế) cũng vô tư mang các loại CTNH ra đốt ngay bên lề đường. Điều đó cho thấy ý thức bảo vệ môi trường cũng như sự hiểu biết của người dân về CTNH là rất hạn chế.

Xỉ hàn được đổ ngay bên lề đường Võ Văn Kiệt

Ở quy mô lớn hơn, tình hình cũng rất quan ngại. Thời gian qua, người dân sống tại khu vực 2, phường An Hòa (TP. Huế) không khỏi bức xúc với việc các nhà máy trong Cụm công nghiệp Hương Sơ xả thải ra con kênh trong khu vực,với nguồn nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối khó chụi. Con kênh này được nối với tuyến kênh mương dẫn nước tưới tiêu ruộng lúa của người dân phường Hương Sơ và An Hòa cũng như nối trực tiếp với sông An Hòa. “Hôm nào trời mưa, họ lợi dụng rồi xả ra nguồn nước đen và hôi khiếp lắm”, anh Võ Thắng (45 tuổi), một người dân sống trong khu vực bức xúc.

Tháng 1/2015, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định sử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Hello Quốc tế Việt Nam (trụ sở đóng tại đường số 4, Cụm Công nghiệp Hương Sơ, Nhà máy sản xuất được đặt tại lô I3, I7, KCN Phú Bài.) do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ngoài Cty Hello, có thêm 4 Cty, DN và cá nhân cũng bị chính quyền xử phạt hành chính với hành vi tương tự. 

Thảo Vi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh